NẾU TA CỐ GẮNG LÀM HÀI LÒNG NGƯỜI KHÁC ĐỂ ĐƯỢC CHẤP NHẬN…

Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những ông bố bà mẹ sẵn sàng dẹp bỏ cá tính của mình, che đậy những cảm xúc thực sự của mình chỉ để làm vừa lòng số đông sẽ có xu hướng bắt chước lối sống giả dối này. Bọn trẻ quan sát cách chúng ta đeo mặt nạ để được người khác chấp nhận, chúng cũng sẽ chỉ quan tâm đến việc mua vui và làm hài lòng những đòi hỏi của người khác.

Khi bọn trẻ thấy chúng ta đặt những đòi hỏi của người khác lên trên bản thân mình, chúng cho rằng những người khác đáng được trân trọng hơn bản thân chúng. Bởi đặt nặng các mối quan hệ, chúng cũng sẽ gắn bản ngã của mình lên các mối quan hệ. Tuy nhiên, đằng sau những chiếc mặt nạ ẩn chứa sự oán thán sục sôi, bởi người ta không thể đặt người khác lên trước bản thân mình mãi được.

Khi chúng ta cố gắng làm hài lòng người khác để được chấp nhận, chúng ta cũng có xu hướng chiều con. Chúng ta thỏa mãn một cách vô lý những đòi hỏi của trẻ thay vì dạy chúng tự lo cho bản thân. Được chiều chuộng quá mức, bọn trẻ tưởng rằng lợi dụng bố mẹ là chuyện thường. Chính vì hạ thấp giá trị bản thân, các bậc cha mẹ làm cho con trẻ mất cân bằng tâm lý khi tự cho mình là trung tâm vũ trụ – một cách khỏa lấp thiếu thốn nội tâm của trẻ. Đây cũng là những viên gạch đầu tiên hình thành nên những tên phát xít – những kẻ nghĩ rằng cả thế giới phải phục tùng mình.

Khi chúng ta không thể tạo ra được ranh giới bảo vệ bản thân mình thì trẻ cũng sẽ không học được cách tôn trọng biên giới của mọi người. Khi chứng kiến bố mẹ không thể giữ được không gian và nhu cầu của chính mình, chúng những tưởng chỉ có không gian của chúng và những đòi hỏi của chúng là quan trọng hơn tất thảy mọi nhu cầu của những người xung quanh. Bởi chúng ta cứ cho đi mà không biết từ chối khi cần thiết, chúng không hiểu được việc chấp nhận những cái lắc đầu trong cuộc sống quan trọng như thế nào. Rút cuộc, chúng lại tự huyễn hoặc bản thân.

Câu chuyện

Anita là em út trong nhà có hai chị em. Stanley – bố của cô mất khi cố mới tròn 7 tuổi. Chị của Anita trải qua những cú sốc tâm sinh lý và phải ngồi xe lăn. Mẹ của cô – Louise dành mọi sự chú ý cho cô chị, đáp ứng mọi đòi hỏi của đứa con khuyết tật. Trong hoàn cảnh đó, Anita nhanh chóng nhận ra rằng vị trí của cô trong cuộc đời này chỉ là thứ yếu. Cô chẳng thể làm gì để dành lại được sự quan tâm từ mẹ và thậm chí cảm thấy mình là con quỷ tham lam chỉ vì muốn được mẹ quan tâm.

Cô nhận thấy rằng mẹ chỉ nhìn nhận cô trong vai trò chăm sóc chị gái và chia sẻ gánh nặng nuôi nấng đứa con tật nguyền, Anita thích ứng với vị trí này ngay và trở thành một điều dưỡng viên tận tụy. Kết quả là, mẹ cô dần dà trở nên dựa dẫm vào cô, đồng thời đặt mọi kỳ vọng mà bà không thể có từ cô chị lên Anita. Anita thỏa mãn được mọi kỳ vọng của bà mẹ và trở thành một bác sỹ nhi giỏi, cô chăm sóc gia đình từ vật chất lẫn tinh thần.

Anita lập gia đình muộn và sinh ba người con. Trong gia đình nhỏ, cô vẫn đóng vai trò mà cô đảm nhiệm tốt nhất – dành tất cả mọi thứ cho con cái, những đứa trẻ luôn được thỏa mãn. Cô không muốn bắt chúng chịu đựng những gì cô đã phải trải qua suốt thời thơ ấu, cô đầu hàng trước mọi đòi hỏi của chúng, để cho chúng làm dụng cô như từng bị mẹ lợi dụng.

Steve – chồng của Anita cũng đòi hỏi không kém. Nhỏ mọn, ghen tuông, gia trưởng, hắn hút sạch năng lượng xúc cảm từ cô. Kết quả là trong suốt cuộc đời, Anita như con thoi lăn qua lăn lại giữa mẹ, chị gái và chồng con, lao vào phục vụ họ đến kiệt sức cho đến khi cô bị ung thư vú.

Không còn một sức lực nào nữa, Anita gục ngã và trầm cảm. Lúc cần đến sức mạnh nhiều nhất, cô chỉ muốn buông xuôi. Người phụ nữ đã dành trọn cuộc đời phục vụ cho người khác đã gục ngã khi cần chăm lo cho bản thân mình. Vì không biết trân trọng bản thân, cô không có khả năng đứng dậy phản kháng cho những nhu cầu chính đáng của mình.

Khi cần nhờ mẹ vực dậy, thay vì xót thương cho Anita, mẹ trở nên cáu bẳn với cô. Đã quá quen với việc xem thường cô, bà không thể thừa nhận rằng Anita thực sự đang cần giúp đỡ. Những đứa con của Anita do không thể đối diện với sự suy sụp của mẹ mình, cũng trở nên suy sụp theo. Chồng của cô, người chưa bao giờ là trụ cột tinh thần của gia đình, bắt đầu tránh về nhà, nơi mà anh ta cho là “ổ bệnh”. Y chang như thời thơ ấu của mình, Anita cảm thấy bị chối bỏ.

Chỉ từ sau khi trị liệu tâm lý, Anita mới nhận ra rằng việc cô chối bỏ bản thân mình là kết quả từ việc bị bố mẹ chối bỏ từ ngày thơ bé. Giờ đây cô hiểu được rằng cô bị cuốn vào một người chồng giống y như mẹ mình – độc đoán và cẩu thả. Cô nhận ra rằng dành hết sức cho con cái mà không quan tâm đến bản thân đã khiến cô làm mất đi khả năng tự cân bằng cảm xúc khi đối mặt với những biến cố trong đời. Với mong muốn bảo vệ con khỏi những đau khổ cô từng gánh chịu trong thời thơ ấu, cô đã chiều chuộng con quá mức, làm cho chúng trở nên vô cảm và nhẫn tâm.

Cũng như Anita, nhiều người trong chúng ta lòng vòng tìm kiếm sự đồng thuận từ những người xung quanh. Để đánh đổi lấy sự đồng thuận đó, chúng ta đánh mất chính bản thân mình. Được nuôi dạy bởi những người cha, mẹ không để cho con được làm chính mình, đứa trẻ học cách lấy lòng bố mẹ bằng cách đánh đổi mong muốn của mình và đóng giả là con người khác – người được bố mẹ chấp nhận. Thay đổi để đáp ứng mong muốn của cha mẹ thay vì mong muốn của bản thân, con người đó trở thành hình ảnh ngụy trang cho sự nguyên bản của mình.

Nếu cha mẹ khiến con cái cảm thấy xấu hổ mỗi khi chúng thể hiện bản thân, chúng sẽ cảm thấy có lỗi khi muốn được là chính mình – những cá thể độc nhất vô nhị. Nếu bố mẹ khiến trẻ cảm thấy có lỗi mỗi khi chúng đi lạc khỏi cung đường mà chúng bị bắt phải tuân theo, chúng hiểu rằng mình không nên tin vào bản năng của mình, thay vào đó, chúng sẽ cảm thấy mâu thuẫn khi đứng trước giữa những lựa chọn của cuộc đời.

Cảm giác có lỗi là xúc cảm tối tăm làm đóng băng tiếng nói nội tâm, mang đến dư vị của sự bất mãn và bất an. Những cảm giác tội lỗi in hằn sâu trong tâm trí khiến những đứa trẻ lớn lên không tin vào trí tuệ được kế thừa của mình. Cứ như vậy, chúng hoặc là bị cảm giác tội lỗi bóp nghẹt hoặc là kiếm tìm sự khỏa lấp cảm giác đó bằng việc đổ lỗi và phán xét những người xung quanh.

Với những xúc cảm hằn sâu, con trẻ sẽ nhìn nhận bản thân chúng theo những hướng sau:

  • Mình thật là xấu xa khi bộc lộ bản thân.
  • Mình không xứng đáng có được hạnh phúc vì khi mình hạnh phúc có nghĩa là mình đang chối bỏ những người bất hạnh.
  • Mình không xứng đáng có được tự do về mặt cảm xúc.
  • Mình là cội nguồn của những đau khổ của bố mẹ.
  • Mình thật là xấu xa vì đã mang đến cho bố mẹ sự khó chịu.

Con trẻ được nuôi dạy với những dấu ấn đó sẽ trở thành những bậc phụ huynh thất bại trong việc tìm ra khuynh hướng của mình trong đời, bởi họ có cảm giác tội lỗi rằng nếu theo đuổi những gì họ thật sự thích, họ sẽ làm cho người khác thất vọng. Những người cha mẹ này không để cho con trẻ được tự do lựa chọn lối sống theo cách của mình. Bởi vì họ không tin vào năng lực của bản thân, họ thường gặp khó khăn trong việc kỷ luật hoặc đưa ra lời khuyên phù hợp cho trẻ. Con cái của những bố mẹ này thường hư hỏng hoặc hung hăng trong việc xác lập giới hạn bản thân.

– Trích từ sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức của Tiến sĩ Shefali Tsabary –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *