NHẬN DIỆN, ÔM ẤP, LÀM NHẸ VƠI KHỔ ĐAU DO SÂN HẬN GÂY NÊN

Khi giận hay tuyệt vọng, ta thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm để chế tác năng lượng chánh niệm. Năng lượng này sẽ giúp ta nhận diện và ôm ấp niềm đau nỗi khổ. Nếu năng lượng của ta không được mạnh lắm, ta có thể mời một sư anh hay một sư chị hay bạn bè cùng ngồi, cùng thở, cùng đi để nâng đỡ ta bằng năng lượng chánh niệm của chính họ.

Thực tập chánh niệm không hẳn phả tự mình làm tất cả. Ta có thể thực tập với sự nâng đỡ của bạn bè. Năng lượng của tăng thân có thể giúp ta khi cảm xúc trong ta quá mạnh.

Ta cũng có thể giúp người khác bằng năng lượng chánh niệm của ta khi họ đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Khi con ta đang bị chìm lấp trong cảm xúc mạnh, ta có thể cầm tay con mà nói rằng: “Con ơi, thở đi con. Thở vào, thở ra với ba (với má) đây”. Ta cũng có thể rủ con cùng đi thiền hành, nắm nhẹ tay con để giúp nó lắng dịu theo từng bước chân. Khi bạn cho con bạn một ít năng lượng của chánh niệm thì con bạn có thể dịu xuống mau chóng và nó có thể ôm ấp cảm xúc của mình.

Công năng thứ nhất của chánh niệm là nhận diện chứ không phải đánh phá. “Thở vào, tôi biết rằng cơn giận có trong tôi. Xin chào em bé sân hận”. Rồi thở ra, “Tôi sẽ chăm sóc em hết lòng”.

Khi bạn đã nhận diện cơn giận, bạn sẽ ôm ấp nó. Đây là công năng thứ hai của chánh niệm. Đây là một thực tập rất dễ chịu. Thay vì đánh phá, bạn chăm sóc cảm xúc của bạn. Nếu bạn biết cách chăm sóc cơn giận thì sẽ có sự thay đổi.

Chúng ta đã nói nhiều lần là khi nấu một nồi khoai, phải đậy nắp lại, đun cho nước sôi, và đợi ít nhất là hai mươi phút để cho khoai chín. Cơn giận của bạn cũng như củ khoai, khoai sống ăn không được.

Chánh niệm cũng như lửa nấu khoai. Một vài phút đầu khi bạn nhận diện và ôm ấp cơn giận cũng đã có kết quả, đã được vơi vớt phần nào. Cơn giận vẫn còn đó, nhưng bạn không còn đau khổ nhiều, bởi vì bạn đã biết cách chăm sóc em bé sân hận của bạn. Đó là công năng thứ ba của chánh niệm, công năng làm vơi nhẹ. Cơn giận có đó nhưng đang được chăm sóc. Tình thế không còn hỗn loạn, em bé không còn bị để cho khóc la một mình. Bà mẹ đã có đó để săn sóc em và tình trạng đã trở nên ổn định.

Bà mẹ đó là ai? Bà mẹ đó là Bụt tự thân, Bụt trong ta. Khả năng chánh niệm, hiểu biết, thương yêu và chăm sóc là Bụt ở trong mỗi chúng ta. Mỗi khi ta chế tác chánh niệm là Bụt trong ta trở thành có thực. Đã có Bụt trong ta thì ta không có gì phải lo nữa. Nếu biết cách giữ cho Bụt tự thân luôn có mặt thì mọi sự đều sẽ êm đẹp.

Điều quan trọng là biết được ra ta luôn có Bụt trong ta. Ngay cả khi giận, tuyệt vọng hay ác độc, Bụt vẫn có đó trong ta. Nghĩa là ta có sẵn khả năng chánh niệm, hiểu biết và thương yêu.

Chúng ta cần thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm để có thể tiếp xúc với Bụt trong ta. Khi bạn tiếp xúc với hạt giống chánh niệm trong ý thức bạn thì Bụt sẽ phát hiện lên trong vùng ý thức của bạn và ôm ấp sân hận của bạn. Bạn không phải lo, chỉ cần tiếp tục thực tập hơi thở, bước chân chánh niệm để làm hiển lộ Bụt trong tâm, rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy. Bụt nhận diện, Bụt ôm ấp, thoa dịu và Bụt nhìn sâu vào bản chất của cơn giận. Bụt hiểu biết. Và sự hiểu biết đó sẽ đem lại chuyển hoá.

Xem thêm >>> NHÀ HẦM VÀ PHÒNG KHÁCH

Năng lượng của chánh niệm chứa cả năng lượng của Định và năng lượng của Tuệ. Định giúp ta chú tâm vào một sự việc mà thôi. Nhờ có Định mà ta có thể quán chiếu sâu sắc hơn. Nhờ đó ta có thể chứng ngộ tuệ giác. Tuệ giác luôn luôn có khả năng giải thoát. Nếu chánh niệm có mặt, và nếu ta giữ cho chánh niệm có mặt lâu thì Định cũng sẽ có mặt. Nếu ta giữ cho Định bền vững thì tuệ giác sẽ phát sanh. Vậy thì chánh niệm nhận diện, ôm ấp và làm vơi nhẹ. Chánh niệm giúp ta nhìn sâu để có tuệ giác. Tuệ giác có công năng giải thoát, đem lại sự tự do và chuyển hoá. Đây là phép thực tập chăm sóc sân hận của đạo Bụt.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

One thought on “NHẬN DIỆN, ÔM ẤP, LÀM NHẸ VƠI KHỔ ĐAU DO SÂN HẬN GÂY NÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.