DỪNG TẬP DƯỢT ĐỂ NÂNG NIU TÂM SÂN HẬN

Sân hận là một nội kết, và vì nó gây đau khổ cho nên ta phải tìm mọi cách để diệt trừ. Các nhà tâm lý trị liệu thích dùng câu “tống nó ra khỏi cơ thể” (getting it out of your system). Và họ nói tới phương pháp “xả hỏi” (venting), cũng như xả hơi khói ra khỏi nhà bếp. Một vài nhà tâm lý trị liệu nói rằng khi năng lượng của sân hận nổi dậy trong ta thì ta phải “xả” nó đi bằng cách đấm vào gối, hay đá vào một cái gì, hay đi vô rừng mà la hét.

Khi còn nhỏ chúng ta không được phép chửi thề vì chửi thề có thể xúc phạm, làm mất lòng người khác. Vì vậy chúng ta đi vào rừng hay một nơi vắng vẻ để hét lên những tiếng chửi thề để “xả” ra những ép bức, bực bội trong mình. Đây cũng là “xả hơi”.

Những người sử dụng cách “xả hơi” sân hận như là đấm gối, la hét thực ra là đang tập dượt sân hận. Họ tự tạo cho mình một tập khí nguy hiểm: họ luyện tập tính hung hãn. Trái lại, chúng ta thì chế tác chánh niệm, ôm ấp và chăm sóc sân hận mỗi khi nó phát khởi.

Nâng niu tâm sân hận. Chánh niệm không bao giờ đánh phá sân hận hay tuyệt vọng. Chánh niệm chỉ có đó để nhận diện. Chánh niệm về một cái gì là nhận diện sự có mặt của cái đó trong hiện tại. Chánh niệm là khả năng biết được những gì đang xảy ra trong hiện tại. “Thở vào, tôi biết sân hận phát khởi trong tôi; thở ra, tôi mỉm cười với sân hận của tôi”. Đây không phải là đàn áp hay đánh phá. Đây chỉ là nhận diện. Mỗi khi đã nhận diện được sân hận, ta sẽ ôm ấp nó với tất cả tỉnh thức, nâng niu.

Khi trong phòng bị lạnh, bạn mở sưởi và lò sưởi sẽ phát hơi nóng. Khí lạnh trong phòng không cần phải đi ra khỏi phòng thì phòng mới ấm. Hơi lạnh được hơi nóng bao trùm và sẽ ấm dần. Không có chuyện đấu tranh giữa hơi lạnh và hơi nóng.

Thực tập chăm sóc cơn giận cũng như vậy. Chánh niệm nhận diện và chấp nhận sự có mặt của cơn giận. Chánh niệm cũng như một người anh cả. Anh cả không đàn áp đứa em đang đau khổ. Chánh niệm chỉ nói: “Em ơi, có anh giúp em đây”. Bạn ôm đứa em của bạn vào lòng và an ủi vỗ về. Đây chính là sự thực tập của chúng ta.

Hãy tưởng tượng một bà mẹ giận đứa con thơ của mình và đánh con. Người mẹ ấy không biết rằng mẹ với con là một. Ta là mẹ của cơn giận trong ta, và ta phải chăm sóc cơn giận như con ta chứ không phải đánh đập. Cơn giận của ta chính là ta. Thiền tập không có nghĩa là đánh phá. Trong truyền thống đạo Bụt, thiền tập là phép thực tập ôm ấp và chuyển hoá chứ không phải đánh phá.

Sử dụng sân hận, sử dụng khổ đau. Muốn trồng cây giác ngộ là chúng ta phải sử dụng đau khổ, phiền muộn trong ta. Cũng giống như trồng hoa sen. Hoa sen không thể trồng trên đá, phải có bùn mới trồng được.

Hành giả thiền tập không kỳ thị hay gạt bỏ nội kết của mình. Chúng ta không tự biến thành một bãi chiến trường, thiện đánh với ác. Ta chăm sóc phiền não, sân hận, ganh tị với tất cả nâng niu, nhẹ nhàng. Khi con giận khởi dậy, ta phải bắt đầu thực tập hơi thở chánh niệm ngay tức khắc: “Thở vào, tôi biết cơn giận có trong tôi. Thở ra, tôi đang chăm sóc cơn giận của tôi”. Đây là thực tập từ bi.

Xem thêm >>> NHẬN DIỆN, ÔM ẤP, LÀM NHẸ VƠI KHỔ ĐAU DO SÂN HẬN GÂY NÊN

Nếu bạn không biết chăm sóc mình với tâm từ bi thì làm sao bạn có thể chăm sóc người khác với tâm từ bi? Khi cơn giận khởi dậy, hãy tiếp tục thực tập hơi thở chán niệm, bước chân chánh niệm để chế tác năng lượng chánh niệm. Ta tiếp tục ôm ấp nâng niu năng lượng của cơn giận trong ta. Cơn giận có thể kéo dài một thời gian, nhưng ta sẽ được an toàn, bởi vì Bụt đang có mặt trong ta, giúp ta chăm sóc cơn giận. Năng lượng chánh niệm là năng lượng của Bụt. Khi thực tập hơi thở chánh niệm và ôm ấp cơn giận, ta đang được Bụt bảo hộ. Không có chi để nghi ngờ: Bụt đang ôm ấp ta và cơn giận của ta trong từ bi vô lượng.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.