HIỆN TƯỢNG THÍCH MINH TUỆ: TU GIẢI THOÁT VÀ THỜI ĐẠI TRÁI ĐẤT MỚI 5.0

Đừng chỉ ngắm Phật mà hãy thành Phật!

Hôm qua có một bạn hỏi “ Hiện tượng sư thích Minh Tuệ đang phủ sóng khắp hang cùng ngõ hẻm liệu có thể hiện điều gì? Dân chúng mất lòng tin quá nhiều, giờ có 1 người để bám víu hay là sự cuồng tín, hay là một tín hiệu gì cho một sự biến đổi”

Mình mới bèn vào youtube để tìm hiểu vì sóng phủ khắp nơi nhưng chưa rơi tới mình. Mình cũng coi khoảng 10 video về câu chuyện hành pháp 6 năm qua của sư Minh Tuệ. cảm thấy thật thú vị và rất giá trị để cùng tìm hiểu và học hỏi qua hiện tượng này.

Tu giải thoát có phải là phương pháp cần thiết và phù hợp không?

Tu giải thoát có mâu thuẫn với trung đạo không?

Điều gì đã làm cho mọi người cảm động, lan truyền trước hình ảnh đơn giản này dù không phải là quá hiếm người thực hành?

Tích hợp những nhận biết và hành động gì cho sự phát triển và tinh tấn của bản thân?

TU GIẢI THOÁT là một phương pháp đề cao sự giảm thiểu mọi nhu cầu và từ đó nhận ra sự vô thường. Không mong cầu thì không đau khổ. Bản chất của Phật Pháp là tự vượt qua mọi trở ngại để vượt qua mọi giới hạn, ràng buộc của thế giới vật lý thì ảo tưởng của thế giới vật chất tan rã, hào quang của thế giới tinh thần hiển lộ như nó là. Muốn thoát thì càng phải ít ràng buộc, càng đơn giản thì càng gần chân lý, chân lý tối thượng của vũ trụ, chân lý của cuộc đời mình thật sự mong muốn điều gì. Bản thân mình rất ngưỡng mộ việc thực hành khất thực và có cầu nguyện là pháp khất thực được cấu trúc có qui trình để học sinh, doanh nghiệp có văn hóa thực hành khất thực bởi thực hành này quả thật giúp khiêm hạ, buông bỏ mong cầu và trân quý cuộc sống.

Và khi tìm hiểu Tu giải thoát nhiều năm trước, kể cả khi có 1 bạn TNV lập gia đình, rất hạnh phúc bên cạnh chồng con, rồi đột ngột bỏ chồng con để thực hành Tu Giải thoát, ngày ngày mang y và bát khất thực, tu tập, dứt bỏ rất mạnh mẽ, mình nhận thấy đây là một thực hành mang tính khổ hạnh quá cao, sự khổ hạnh và giữ giới sẽ giúp buông bỏ nhưng cũng dễ dàng tạo ra sự cực đoan. Mình ngưỡng mộ sự thực hành đơn giản của Tu giải thoát nhưng nhận thấy rât nhiều tu sĩ khất thực mang nặng gánh ưu tư, sầu bi. Tôi nhìn thấy có sự bình an, tĩnh tại do buông bỏ và không màng thế sự nhưng đạt được cân bằng, thăng hoa và sáng tạo trong khổ hạnh dường như là không thể. Mình cho rằng đây là chặng đường để thực hành buông bỏ ở cấp đô cao nhất và khi quay về tiền kiếp, trong những kiếp tu tập Phật Pháp, mình nhìn thấy chính mình lầm lũi trong đoàn khất thực ở các tu viện dãy Himalaya. Linh hồn của mình mình đã chọn trung đạo khi tiếp tục lần sống này.

Chánh đạo là bất kỳ phương pháp nào giúp bản thân mỗi một người có khả năng quan sát và nhận biết về chính mình một cách khách quan và trung tính. Không tổn hại, không bạo lực. Phát triển những phẩm chất đức hạnh ngày càng thuần khiết. Tốt cho mình và cho tất cả.

Không có phương pháp nào là phù hợp cho tất cả và bản thân mình đề cao sự phù hợp. Và mỗi cá nhân sẽ trải nghiệm những phương pháp khác nhau để tìm ra sự phù hợp của mình. Sự phù hợp cũng thể hiện ở tính giai đoạn. Giai đoạn này chúng ta thực hành điều này, tiến lên rồi, có những chặng chúng ta lại tích hợp những phương pháp khác để trả lời cho những câu hỏi, cho những nguyện ước của hành trình tu tập tiến hóa của tâm thức.

Trong bài viết mình gọi ông bằng Sư.

Dẫu rằng Phật cũng khuyến khích tăng đoàn, dẫu Việt Nam có giáo hội và có những quy định cũng là để tạo nên môi trường lành mạnh tuân thủ pháp luật nhưng nếu độc hành, không tăng đoàn cũng rất tốt, nếu làm chủ chính mình, nếu xuất gia theo Phật Pháp thì lòng mình vẫn gọi là sư.

Sư Minh Tuệ đang thực hành Tu Giải Thoát và muốn chứng nghiệm. Tính kỷ luật, sự tin tưởng ở giảng dạy của Sư thật đáng trân trọng. Nếu chân thật giúp người tu tập đi đến sự thật thì kỷ luật là con đường thẳng giúp chứng ngộ. Có kỷ luật thì mới có thể chân thật và ngược lại. Có thể một thời gian sau nữa Sư lại có một tiếng gọi thúc giục khác, chọn một giải pháp trung đạo hơn sau khi chứng đắc những cấp độ của Tu Giải Thoát để đi tiếp hành trình của mình. Không ai biết được. Chọn phương pháp nào là vấn đề riêng tư của linh hồn đó.

Điều thú vị với tôi từ Sư Minh Tuệ là thực hành khổ hành nhưng ánh mắt và năng lượng của thầy còn lấp đầy sự hồn nhiên, khám phá và vui vẻ. Thầy có những câu hỏi lớn cho mình và không ngần ngại, đầy tự chủ để lựa chọn phương pháp mà thầy toàn tâm toàn ý, dấn thân và tận hưởng trong khổ hạnh. Năng lượng của Thầy tu khổ hạnh nhưng rất tự do và phá chấp. Thầy phá từng chấp một trong mình bằng thực hành phương pháp khổ hạnh và cũng phá chấp chính phương pháp để giúp mình vẫn kỷ luật và linh hoạt trong hành trình của mình, không cực đoan. Ví dụ sư kết hợp khi duyên đến vẫn chia sẻ khi được hỏi coi như một cách giảng pháp dù theo Đầu đà không có giảng pháp. Đây là năng lượng trung đạo của Sư.

Sự phá chấp này cho Sư lựa chọn con đường không hưởng thụ nhưng biết tận hưởng hành trình của mình, giúp Sư là vị chân tu tìm ra được sự cân bằng của phương pháp tưởng chừng rất ép xác và cực đoan. Dĩ nhiên, Sư không phải là người duy nhất nhưng với mình, đây là một hình mẫu tiêu biểu của phương pháp Tu Giải Thoát.

Sư còn rất trẻ, không sử dụng mạng xã hội dù nền tảng là trí thức, hoan hỉ với mọi sự phán xét, chê bai và xúc xiểm. Ở đây, mình thấy như câu chuyện chú ếch duy nhất thoát khỏi giếng sâu, nhảy lên được khỏi miệng hố và tận hưởng cuộc đời là chính nhờ chú điếc, không nghe thấy những lời bình phẩm của rất nhiều chú ếch cùng rơi xuống hố sâu. Mạng xã hội khi không sử dụng đúng mực thật sự sẽ làm cho con đường chánh đạo trở nên ngập nghềnh thách thức bởi những ảo tưởng hào quang của thế giới ảo. Thế giới vật lý đã là ảo tưởng, mạng xã hội lại là thế giới ảo trong ảo tưởng. Bao nhiêu người đã đánh mất chính bản thân mình bởi sự thần tượng của mạng xã hội kể cả giới tu sĩ khi bận rộn làm đẹp hình ảnh của mình mà sân si ngã mạn tham lam khi nào hổng hay. Người thực hành tu tập cần biết càng bận rộn với mạng xã hội thì càng hiếm hoi thời giờ tu tập, quan sát và nhận biết.

Đã nói về Chánh Đạo, Tu Giải Thoát, Trung Đạo và phẩm hạnh của sư Minh Tuệ. Vậy hiện tượng sư Minh Tuệ thu hút đông đảo của quần chúng đang nói gì với chúng ta?

Sư Minh Tuệ không là người duy nhất có những sự buông bỏ sâu sắc trong thực hành Tu GIải Thoát nhưng sức hút của Sư là một câu trả lời về nhận thức của cộng đồng đang thay đổi, nhận thức tiến dần về trái đất mới 5.0 – Chúng ta là Một.

1. Sự chân thật, trong sáng chính là sức hút bởi đây là phẩm hạnh của người tu tập và cũng là phẩm hạnh trong thời đại mới. Chỉ có chân thật mới chạm đến giá trị vĩnh cữu của lòng tin. Sự pha trộn, giả mạo rất dễ bị lật tẩy trong thời đại này.

Chính trực và bình đẳng để đi đến đồng sáng tạo là rung động cũng là phẩm chất của TĐM 5.0, tạo nên sự thấu suốt, năng lượng phi tập trung, phân quyền. Công nghệ block chain là sự phản chiếu của rung động này. Không chân thật không có thấu suốt và vì vậy sẽ không có chính trực và bình đẳng.

2. Sự đơn giản, giảm thiểu mọi nhu cầu và sống đơn giản lúc này lại là sức hút lớn nhất. Tôi vô cùng thú vị và vui mừng khi nhìn thấy hiện tượng này. Nếu trước đây, hình ảnh khất thực sẽ mang lại cảm nhận buồn bã, khổ sở của công chúng và những người thực hành tâm linh lại rất chuộng hình thức. Chùa, nhà thờ, đền đài phải đẹp, phải lớn, các vị thầy, guru được tâng bốc, phải đẹp, hào nhoáng. Người ta dát vàng đức Phật khắp nơi dần quên mất vị sư khất thực thành Phật.

Ở Ấn Độ, tôi nhìn thấy các vị guru mỗi bước đi được rải hoa sen và bước chân lên, đám đông reo hò và các vị sư thầy đó đứng trên danh vọng. Nhưng đó là ảo tưởng. Ở trái đất mới này, chúng ta đang dần cạn kiện các nguồn lực, tâm thức chúng ta dần nhận thức được giai đoạn VUCA, sự biến động, bất định là tầng năng lượng giúp tâm thức nhận ra cần đi vào bản chất, cần chân thật và cần giản dị.

Điều này không có nghĩa sống khổ hạnh, phải quá khổ để phát triển phẩm hạnh, mất đi sự tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống mà chúng ta cần tôn trọng nguồn lực, cần giảm thiểu nhu cầu, buông bỏ dần thói quen tìm kiếm sự thoải mái, hưởng thụ để hành tinh này được nuôi dưỡng. Để con người mạnh mẽ nhận ra chính nhu cầu, sự gia tăng nhu cầu và đặt con người làm trọng tâm được phục vụ đã tạo ra sự mất cân bằng và cạn kiện. Giờ đây, chúng ta sẽ không giết Galile vì chúng ta biết sự thật trái đất quay quanh mặt trời, không phải con người/trái đất là trung tâm của tất cả nhưng tư duy thượng đẳng làm mất đi sự bình đẳng chung của vạn vật trên hành tinh và chúng ta tích trữ, tiêu thụ quá quá mức cần thiết, cả hành tinh đã nóng lên bởi mong cầu và khao khát của con người. Nếu không phát triển phẩm hạnh thì con người sẽ thật sự rất khổ. Khổ hạnh sẽ trở thành khổ vì thiếu phẩm hạnh.

Hình ảnh một vị sư thực hành các hạnh Đầu Đà cũng là một ví dụ cụ thể lời kêu gọi của thế kỷ “reuse, reduce and recycle “, thật truyền cảm hứng.

Ý thức giản dị, tiết kiệm, gỉam thiểu nhu cầu nảy nở trong mỗi người khi nhìn thấy hình ảnh sư Minh Tuệ. Đây là điều mà làm mình vui nhất với hiện tượng này.

3. Sức hút còn ở chỗ do con người thích ngưỡng mộ, đặt biệt trong tâm linh. Ngưỡng mộ những điều phi thường, không ai làm được để tôi tôn lên làm thầy của mình. Sự dũng mãnh, can cường giữ giới và thực hành của thầy thật sự đáng nể trọng. Nhưng ở mặt khác, tâm trí của chúng ta có xu hướng tìm kiếm sự ngưỡng mộ, đây cũng là một dạng cái tôi, cũng như chúng ta mong muốn con mình thành đạt để nở mày nở mặt. Tu tập là để mình học hỏi theo và ngưỡng mộ chính mình. Không phải là sự kiêu ngạo mà là lấy sự thực hành cho chính mình, ghi nhận và tán thán sự vượt lên của mình mỗi ngày và lại đủ khiêm hạ để biết tất cả luôn chỉ là bắt đầu. Mỗi một người đều là một ví dụ tốt, là nguồn cảm hứng cho chính mình thì đó là cách nhìn của trung đạo. Ngưỡng mộ người khác cứ ngưỡng mộ nhưng mình thay đổi mình thế nào điều đó quan trọng hơn.

Vì vậy, trong tu tập vẫn nhắc nhở “Đi theo pháp, đừng đi theo người”.

Con người có giới hạn và khác nhau. Đi theo người là chúng ta tìm động lực tự bên ngoài. Người ta làm được mình cũng làm được. Hoặc tôi theo thầy của tôi, vì thầy tôi đã làm được mà người khác không làm được.

Những vị thầy, những người giỏi cũng là những người bạn, đồng hành để truyền cảm hứng, để có sự nương tựa, hỗ trợ nhất định nhưng chắc chắn không là để lệ thuộc

Đi theo pháp là đi theo những giảng dạy để tìm ra được sức mạnh, sự nhiệt huyết và tình yêu tự thân, đó là nguồn động lực vô biên. Lúc lên, lúc xuống, chúng ta luôn có thể quay lại với mình, kết nối lại với pháp, với trải nghiệm của bản thân, với mục đích sống và lại tiếp tục bước đi.

4. Có một đặc điểm rất đặc biệt của TĐM 5.0 là khai sáng tự thân.

Tự do ý chí, sự tự chủ đã đến cấp độ cho phép chúng ta tiến nhanh đến khai sáng là nhận biết thật và ảo. Đi vào ảo và tách rời ảo để mở ra thật và trở thành sự thật. Tự mình. Tự chủ. Cũng như Phật, như Chúa. Hình ảnh sư Minh Tuệ tràn đầy và tự tại với sức mạnh tự thân.

Nếu có thêm một điều gì để nói về hiện tượng này thì xin được nói thêm 1 khía cạnh thực hành tâm thức 3D mà hay xảy ra ở người Việt là “Ranh giới lành mạnh”.

Chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng bởi số đông mà ít quán chiếu mình thật sự cần gì và nên làm gì? Điều này làm chúng ta cuốn theo số đông mà có thể tạo những hệ quả khôn lường. Dường như không quá quan tâm ranh giới lành mạnh của Sư mà cho rằng lòng thành của mình phải được chứng mà bắt ép, theo đuổi khắp nơi.

Trong số rất nhiều người xung quanh ngưỡng mộ, bao nhiêu người mong muốn và nỗ lực thực hành từng phẩm hạnh hay mong cầu phước đức?

Nếu có bất kỳ một điều gì đó tốt đẹp đang diễn ra thì đó chắc chắn là món quà của cuộc sống. Hãy trân trọng món quà và hơn hết hãy để món quà thật sự có lợi lạc cho mình.

Đừng chỉ ngắm Phật mà hãy thành Phật!

Tác giả: Minh Tu Bui

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.