CƠ HỘI HỒI SINH TRONG SỰ ĐIÊN RỒ CỦA VIỆC LÀM CHA MẸ

Hành trình làm cha mẹ chứa đựng nhiều hình thái cực đoan và có thể bộc lộ điểm tốt đẹp nhất cũng như xấu xa nhất trong ta.

Không ai báo trước rằng một khi dạy con bằng sự tỉnh thức, cuộc đời mà ta từng biết sẽ không còn, và cái tôi của ta bốc hơi tan biến ngay trước mắt mình. Không ai báo trước rằng ta sẽ phải trải qua cái chết của cái tôi cũ và không có manh mối nào để gầy dựng lại cái cảm giác mình là ai.

Làm cha mẹ là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Nếu không tin cứ hỏi bất kỳ bà mẹ nào có con không chịu ngủ lúc ba giờ sáng, trong khi một đứa khác vẫn đang bú, và sáng mai phải có mặt ở sở làm lúc chín giờ – chưa kể chồng cô yêu cầu phải xinh đẹp, đảm đang. Hoặc hỏi bất kỳ ông bố nào phải giúp đứa con hiếu động làm bài tập về nhà, luôn miệng nhắc nhở con tập trung chú ý, trong khi phải canh giờ đón một đứa khác đi tập thể thao, trước khi lao vào những công việc mang về từ cơ quan.

Làm cha mẹ khiến ta nghi ngờ bản thân mình nhiều hơn bất kỳ vai trò nào khác. Ta nghi ngờ năng lực, giá trị, thậm chí cả lý trí, “Vậy, tại sao ta lại muốn có con làm gì, trong khi bây giờ chỉ mong cho chúng đi ngủ và để cho ta yên?”

Tuy vậy, nếu nhận ra cơ hội tiềm tàng đối với sự phát triển tâm hồn, ta sẽ được trang bị để tự tin bước vào hành trình làm cha mẹ mà không bị hoang mang hay bế tắc khi đối đầu với những trở ngại. Vì vậy, ta cần chấp nhận sự điên rồ của việc trở thành cha mẹ, tận dụng những cơ hội được tạo ra từ khi con xuất hiện, thậm chí rũ sạch cái tôi cũ để thay bằng một cái tôi mới mẻ hơn – thay vì cảm thấy tội lỗi với những cảm giác phát sinh, hay tự dày vò bản thân. Trong quá trình đó, cảm giác về cái tôi mờ dần và ta ngày càng xa lạ với cái tôi đó. Ta thấy như mình ở một nơi xa lạ, không ở đây, mà cũng chẳng phải ở kia. Sự diệt vong của cái tôi này tuy đáng sợ, nhưng lại tiềm ẩn cơ hội hồi sinh.

Bậc cha mẹ nào cũng sẽ có một vài điểm yếu dễ bị con cái kích động dù ta có thích hay không. Một lúc nào đó, ta sẽ “mất kiểm soát”. Ta sẽ lớn tiếng, thậm chí quát tháo. Ta sẽ dùng những ngôn từ chưa bao giờ sử dụng. Cần hiểu rằng lúc đó ta bị kích động là bình thường. Ta tự nhủ rằng cần chấp nhận những mặt tối đáng sợ của mình và học hỏi từ những bài học mà con mang tới. Theo một cách nào đó, ta sẽ phải đối diện với “cái bóng” của mình, với nhu cầu kiểm soát mãnh liệt.

Quát mắng con không phải là một điều hay ho kể cả khi ta thừa nhận rằng có những lúc ta mất bình tĩnh, cư xử một cách trẻ con và đáng xấu hổ. Trên thực tế, ta cũng cần quan sát chính bản thân mình nhiều như quan sát cảm xúc của con, để tiêu hóa những gì ta cảm thấy. Chỉ có cách đó mới giúp ta tránh trút cảm xúc của mình lên đầu con cái.

Những khi mất tự chủ, ta thường có xu hướng quay trở lại với lối mòn cũ của mô hình thứ bậc cha mẹ – con cái. Nhưng nếu làm thế, nhiều khả năng ra sẽ phải trả giá đắt khi con đến tuổi dậy thì và những năm sau đó. Dạy con bằng sự tỉnh thức lúc đầu có thể khó khăn, nhưng về lâu dài là lựa chọn tốt nhất.

Sống với nhịp điệu khác

Mất một khoảng thời gian để ta học được cách chấp nhận cuộc sống mới khi có con. Con cái với bản chất tò mò sẽ thử những giới hạn kiên nhẫn của ta. Đến khi lớn lên, chúng lại càng thử thách ta nhiều hơn, nhưng bằng những cách khác. Lúc đó, vấn đề không còn là đợi chúng ăn xong bữa sáng, hay buộc xong dây giày, mà là những cuộc đối thoại cộc lốc và xếp cuối hàng chờ đợi sau tất cả bạn bè để được tiếp xúc với con.

Phát triển tính kiên nhẫn không phải chỉ là để tương tác với con, mà còn là cơ hội thực tập buông bỏ. Khi con đòi hỏi lòng kiên nhẫn, ta phải ngay lập tức bỏ dở mọi công việc, hít thở sâu và buông bỏ mọi nhu cầu của cái tôi cá nhân, để trân trọng sống trọn vẹn khoảnh khắc ở bên con. Vì thế, tập kiên nhẫn chính là bài thực tập tâm linh, lấy con làm trung tâm, rèn luyện cho ta sống với một nhịp điệu chậm rãi và tỉnh thức hơn.

Con mang đến cho ta món quà vô giá, bởi so với những người lớn, tốc độ chậm chạp của trẻ con gần với tốc độ của tâm hồn hơn nhiều. Khi đang vội vã, ta nên tự nhắc mình rằng không có nơi nào quan trọng hơn nơi ta đang đứng. Thay vì vội vã, ta nên cho phép mình trở về toàn tâm toàn ý bên con. Nếu thấy lo lắng và không tập trung chú ý, tốt nhất là ta nên giữ yên lặng cho đến khi cảm nhận được sự bình yên.

Nếu con không “vâng lời”, người không ngoan nên biết tự nhắc rằng chúng nên như thế, bởi đấy không phải là nhiệm vụ khi chúng được sinh ra. Thay vì luôn đòi hỏi con theo ý mình, những lúc đó, ta nên cân nhắc việc thay đổi kế hoạch của ta.

Nếu con quá khó bảo và ta sắp mất kiểm soát, hãy lắng nghe tiếng nói thì thầm trong đầu, “Đừng coi con là thùng chứa sự nóng giận của ta.” Khi con làm mình rã rời, hãy tự hỏi, “Tại sao thời điểm này ta bị kích động? Tại sao ta giận con? Con đã chạm vào trạng thái nào của ta?” Có lẽ ta nên hít thở sâu và bước ra khỏi phòng. Như vậy, ta có thời gian để xốc lại, “Lúc này, người cần giúp đỡ không phải là con, mà là chính mình.”

Nếu thi thoảng mất bình tĩnh và trút giận lên đầu con, dù bằng lời nói, hay bằng những tiếng nghiến răng, hãy hít thở sâu và tha thứ cho bản thân mình. Hãy để việc đó trôi qua và làm lại từ đầu. Tuy nhiên, hãy cẩn thận nếu thường xuyên mất kiểm soát. Không có lý do gì ta có thể liên tục mất tự chủ trừ phi cuộc sống quá căng thẳng, mà trong trường hợp đó, phải đánh giá toàn diện để lập lại cân bằng. Trong thời điểm đó, tâm điểm của thực tập tâm linh sẽ là cấu trúc lại toàn bộ cuộc sống.

Trong những bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào một vấn đề quan trọng trong phương pháp dạy con tỉnh thức, là chấm dứt vòng lặp di truyền sự đau khổ từ thế hệ này sang thế hệ khác.  

– Trích từ sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức của Tiến sĩ Shefali Tsabary –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.