TẠI SAO PHẢI KIỀM CHẾ NHU CẦU KIỂM SOÁT? (Cấp 2, Cấp 3)

Mặc dù nhiều lúc ta cảm thấy phải tăng cường kiểm soát con, tuy nhiên, đây là giai đoạn ta phải dành không gian riêng cho con. Con có cơ hội chứng tỏ những bài học đạo đức giá trị mà ta đã dạy. Con cần tập vỗ cánh để bay. Ta cần tạo ra vòng bảo vệ cho con, an toàn nhưng cũng thoải mái. Con cần biết rằng con luôn có thể về bên gia đình, nhưng quan trọng hơn, con được phép tự do tung cánh.

Ta hiểu rằng khi con bước vào tuổi dậy thì, ta cần kiềm chế sự can thiệp bằng cái tôi của mình. Ta tự nhủ, “Còn nhiều điều ta cần chia sẻ, truyền lại cho con. Nhưng ta hiểu rằng những lời đao to búa lớn sẽ không còn cần thiết nữa. Đã đến lúc con tự viết cho chính bản thân mình”.

Những khóa học mà con theo đuổi, những bạn bè mà con chọn, những sở thích làm con hứng thú giờ đây ngày càng ít liên quan đến ta và phụ thuộc vào con hơn. Tất nhiên, ta luôn lo con sẽ quyết định sai và bị tác động xấu. Không phải không có rủi ro nhưng giờ đây ta không còn nhiều lựa chọn. Những khi con chểnh mảng học hành, hay cảm thấy thiếu động lực, ta hiểu con đang muốn nói rằng có điều gì đó không ổn, và cách duy nhất mà ta có thể làm là chấp nhận. Từ đó, ta có thể đưa ra biện pháp phù hợp, có thể là sự hỗ trợ nếu con cần, nhưng đặc biệt quan trọng là sự hỗ trợ về tinh thần cho con.

Chiến thuật của ta trong thời điểm này là chấp nhận ho dù con đang có những bước đi sai lầm trong các mối quan hệ, hay bất kỳ theo đuổi nào khác. Nếu ta ép buộc hoặc giáo điều, ta vô tình đẩy con ra xa hơn. Nếu càng bớt cứng nhắc, ta càng dễ duy trì mối quan hệ với con. Thái độ độc đoán, chiếm hữu của ta sẽ đưa con tiến gần hơn đến bệ phóng của những hành vi tiêu cực.

Thường thường, cha mẹ sẽ hỏi: “Vậy chẳng lẽ tôi cứ để con tự do sử dụng chất kích thích, hay trốn học sao?”

Tôi trả lời: “Con đã qua tuổi xin phép. Bây giờ con sẽ làm bất kỳ điều gì chúng muốn, chính xác như hệ quả của việc chúng được nuôi lớn thế nào. Ta cần vứt bỏ mọi ảo tưởng rằng ta có thể kiểm soát được cuộc đời con. Cách duy nhất để tiến gần với con bây giờ là hàn gắn lại mối quan hệ đã bị đánh mất.”

Bài học tinh thần dành cho cha mẹ trong giai đoạn này là định hình lại để có mối quan hệ thực sự gần gũi và tương hỗ. Xin nhắc lại: chìa khóa là tin cậy. Đây không phải là lúc lo lắng hoang mang, mà phải tự tin nhắc nhở mình, “Giờ ta đã có thể ngồi yên vui vẻ ngắm nhìn con. Cuối cùng, chúng ta đã có thể trút bỏ được vai trò của mình. Con đã sẵn sàng để thiết lập một mối quan hệ mới bình đẳng hơn với ta.”

Nếu không tôn trọng không gian riêng tư, con sẽ ngay lập tức cô lập ta. Con sẽ bịt tai trước mọi lời khuyên nếu thấy ta đi quá giới hạn. Con sẽ thôi tìm đến ta nếu chỉ nghe những lời cảnh báo và thiếu niềm tin. Con chỉ cần ta nếu có thể ngồi yên bên con, cảm nhận sự tin tưởng vô điều kiện rằng con sẽ xử lý được mọi tình huống.

Những năm dậy thì là những năm tâm điểm nhất về vấn đề an toàn khi con gặp phải nhiều rủi ro hơn bởi áp lực từ bạn bè và tiềm năng thực hiện các hành vi tự hủy hoại. Tuy nhiên, ta không thể nhảy bổ vào can thiệp. Con thừa khả năng tìm cách nói dối và tiếp tục làm theo ý mình – để rồi ra tự thấy mình vô dụng và tuyệt vọng. Ta càng cố ý xâm nhập cuộc sống của con, con càng ít tiết lộ với ta. Vì vậy, trong giai đoạn này, bài học tinh thần chính là đặt niềm tin ở con.

Có một điều nghịch lý là nếu ta biết giới hạn sự ảnh hưởng của mình đối với cuộc sống của con, ta sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến con. Thái độ chấp nhận hoàn toàn và vô điều kiện của ta trong mọi tiếp xúc, mọi cuộc đối thoại với con giúp con sẵn sàng tìm đến ta mỗi khi con cần. Cách tốt nhất để giúp con an toàn và mạnh mẽ chính là chấp nhận bản chất con người của con.

– Trích từ sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức của Tiến sĩ Shefali Tsabary – 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.