TƯƠNG NHẬP, TƯƠNG TỨC, VÔ NGÃ

Thế giới (loka) là tập hợp của tất cả những gì có tính biến chuyển và tàn hoại (paloka). Vạn hữu tuy sum la nhưng tất cả đều bao hàm trong mười tám lãnh vực: đó là sáu căn, sáu trần và sáu thức. Sáu căn, là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và ý tưởng. Sáu thức là cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm và cái ý. Ngoài mười tám lãnh vực mà ta gọi là thập bát giới, không còn có gì nữa. Tất cả mười tám cái ấy đều có tính sinh diệt và biến hoại, cho nên tôi đã định nghĩa thế giới là sự tập hợp của tất cả những gì có tính biến chuyển và tàn hoại.

Như thế nào gọi vạn pháp là không?

Bởi vì vạn pháp không có tự thể riêng biệt cho nên gọi là vạn pháp không. Sáu căn, sáu trần cũng như sáu thức, không có pháp nào có tự thể riêng biệt.

Phép quán chiều về tính không là một phép quán chiều mầu nhiệm có thể giúp người hành đạo vượt ra khỏi khổ ưu và sinh tử.

Có luôn luôn là có cái gì, không luôn luôn nghĩa là không cái gì. Tiếng và tiếng không tự chúng không có nghĩa gì cả.

Không bao giờ cũng là không một cái gì, ví dụ không chợ búa, không trâu bò, không làng xóm. Ta không thể nói không một cách suông cụt được. Có cũng thế. Có bao giờ cũng là có một cái gì, như có chợ búa, có trâu bò, có làng xóm. Ta không thể nói có một cách suông cụt được. Còn trong trường hợp vạn pháp thì sao? Nếu ta nói vạn pháp có thì vạn pháp có cái gì? Nếu ta nói không thì vạn pháp không cái gì?

Này các vị khất sĩ, cái mà tôi gọi là không trong vạn pháp đó là cái ngã, nghĩa là cái tính chất thường tại và bất biến. Vạn pháp không nghĩa là vạn pháp không có ngã, nghĩa là không có tính chất thường tại và bất biến. Nghĩa căn bản của không là như thế. Các vị đã chấp nhận và đã biết rằng vạn pháp đều có tính biến chuyển và hoại diệt. Chính vì vạn pháp có tính biến chuyển và hoại diệt ấy cho nên vạn pháp không có ngã, không hàm chứa một cái ngã. Vì vô thường cho nên vạn pháp cũng là vô ngã. Tất cả các pháp đều không có ngã trong tự thân, cho nên vạn pháp được gọi là không. Này quý vị, không có nghĩa là không có tự ngã.

Sơ lược về có. Nhìn kỹ vào cái bát ta thấy đất, nước, lửa, không khí… ở trong đó, dù trong giờ phút hiện tại, không có nước trong cái bát. Sự có mặt của cái bát chứng minh được sự có mặt của đất, nước, lửa, không khí…

Nếu không có nước trộn vào đất sét thì người thợ gốm không thể nào biến đất xét thành cái bát.

Nếu không có lửa thì đất trộn với nước không thể nào đưa tới sự có mặt của cái bát. Nhìn sâu vào cái bát ta thấy sự có mặt của hơi nóng, của lửa.

Nếu không có không khí thì lửa không cháy được và người thợ gốm cũng không sống được. Ta thấy người thợ gốm. Ta thấy bàn tay khéo léo của người thợ gốm. Ta thấy tâm thức của người thợ gốm. Ta thấy lò gốm, thấy củi chất trong lò, thấy rừng cây làm ra củi. Ta thấy mưa, nắng, đại địa đã làm cho rừng cây mọc lên tươi tốt… Muôn ngàn yếu tố nhân duyên đã cùng nhau hợp lại để đưa tới sự có mặt của cái bát.

Nếu mà từ trong cái bát này, bạn lấy hơi nóng để trả về cho mặt trời, lấy đất trả về cho đại địa, lấy nước trả về cho dòng sông, lấy bàn tay người thợ gốm trả về cho cha mẹ người ấy, lấy than củi trả về cho rừng cây.. thì cái bát sẽ còn có mặt không? Cái bát sẽ đi về đâu?

Cái bát sẽ không còn có mặt, bởi vì những nhân duyên tạo nên cái bát đã trở về với vị trí nguyên thỉ của chúng. Cái bát sẽ trở về với những yếu tố nhân duyên ấy.

Cái bát không thể tự riêng mình có mặt được. Cái bát chỉ có thể có mặt trong liên hệ nhân duyên với tất cả các pháp. Các pháp nương nhau mà sinh khởi, có mặt và hoại diệt. Sự có mặt của một pháp kéo theo sự có mặt của tất cả các pháp. Sự có mặt của các pháp có thể được chứng minh nhờ sự có mặt của một pháp. Đó là nguyên lý tương nhập và tương tức.

Tương nhập nghĩa là trong cái này có cái kia và trong cái kia có cái này. Ví dụ nhìn vào cái bát ta có thể thấy người thợ gốm, nhìn người thợ gốm ta có thể thấy cái bát. Tương tức nghĩa là cái này là cái kia, cái kia là cái này. Ví dụ sóng là nước, nước là sóng. Không có cái này thì không có cái kia.

Ý nghĩa căn bản của không (sunna) là: cái này có thì cái kia có. Tất cả các pháp trên thế gian, pháp nào cũng thế. Pháp nào cũng có mặt trên liên hệ nhân duyên, trên nguyên tắc tương tức và tương nhập.

Nhìn vào cái bát, ta thấy được tất cả vụ trụ vạn hữu. Vậy ta có thể nói cái bát chứa đầy cả vũ trụ vạn hữu. Chỉ có một cái không có mặt trong cái bát này thôi, đó là tự ngã riêng biệt của cái bát.

Xem thêm >>> TAM GIẢI THOÁT MÔN (Không – Vô tướng – Vô nguyện)

Tự ngã là gì? Tự ngã là tự mình có mặt, không cần đến yếu tố nào khác. Trên thế gian không có pháp nào có thể tự mình có mặt mà không cần đến bất cứ một yếu tố nào khác. Vì vậy cho nên không có một pháp nào có tự ngã. Đó là ý nghĩa căn bản của không. Không nghĩa là không có tự ngã.

Năm uẩn là năm yếu tố của sinh mạng. Hình sắc không có tự ngã, vì hình sắc không thể tự mình có mặt một cách riêng biệt. Trong hình sắc có cảm thọ, có tri giác, có tâm tư và có nhận thức. Cảm thọ cũng vậy. Cảm thọ cũng không có tự ngã, bởi vì cảm thọ không thể tự mình có mặt một cách riêng biệt. Trong cảm thọ có hình sắc, có tri giác, có tâm tư và có nhận thức. Điều này cũng được áp dụng cho các uẩn khác là tri giác, tâm tư và nhận thức. Trong năm uẩn, không có uẩn nào có tự tính riêng biệt. Năm uẩn nương nhau mà thành lập. Vì vậy năm uẩn là không.

Sáu căn, sáu trần và sáu thức là không. Mỗi căn, mỗi trần, mỗi thức đều phải nương vào các căn, cái trần và các thức khác mà được thành lập. Không có căn, trần và thức nào có tự tính riêng biệt.

Mười hai nhân duyên là không. Mỗi nhân duyên phải nương vào các nhân duyên khác mà được thành lập, không nhân duyên nào có tự tính riêng biệt.

Cái này có cho nên cái kia có. Các pháp vì nương vào nhau mà có mặt cho nên các pháp được gọi là không. Không ở đây nghĩa là không có tự ngã, không có một sự hiện hữu riêng biệt và độc lập.

Lời Đức Phật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.