PHƯƠNG PHÁP BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA NGƯỜI DO THÁI

Do Thái là dân tộc giàu có và thông thái bậc nhất, phương pháp giáo dục quản lý tài sản của họ có thể làm khuôn mẫu cho cả thế giới.

Giai đoạn thứ nhất: Nhận biết tiền

Khi con còn đang bi bô tập nói, các bậc cha mẹ sẽ dạy chúng phân biệt các loại tiền, để cho chúng có thể hiểu “tiền bạc có thể mua những thứ chúng muốn”, quan trọng hơn là “tiền ở đâu mà có”.

Sau khái niệm và hứng thú sơ bộ đối với tiền bạc, phụ huynh đi sâu vào quan niệm quản lý tài sản “dùng tiền đổi vật”.

Giai đoạn thứ hai: Kỹ năng cầm tiền

Tước bỏ cơ hội cầm tiền của con sẽ khiến con dựa dẫm vào cha mẹ, chỉ biết ngửa tay xin tiền. Ông vua giàu mỏ Rockefeller đặt ra một vài quy tắc nhỏ trong việc sử dụng tiền tiêu vặt cho John, cháu của ông như sau:

  1. Ban đầu Rockefeller chỉ cho John 1 đô la 50 xu tiền tiêu vặt mỗi tuần;
  2. Cuối mỗi tuần, sau khi kiểm tra các khoản chi tiêu, nếu cha mẹ thấy John thực hiện tốt việc ghi chép chi tiêu trong tuần, thì sang tuần sau cậu bé sẽ được nhận thêm 10 xu;
  3. Để dành ít nhất 20% tiền tiêu vặt;
  4. Ghi chép chính xác, rõ ràng từng khoản chi;
  5. Khi chưa được cha mẹ đồng ý, John không được phép mua đồ dùng đắt đỏ.

Khi trẻ được khoảng 10 tuổi, phụ huynh mở cho con một tài khoản ngân hàng riêng và bỏ vào đó một số tiền nhất định, mục đích là để cho con biết quản lý tài sản một cách thông minh và khoa học, chứ không máy móc, mù quáng.

Vào lần đầu tiên con cái giữ nhiều tiền, phụ huynh sẽ kịp thời hướng dẫn con em mình có chi dùng thỏa đáng. Nếu phụ huynh phát hiện ra con em mình mua sắm linh tinh, họ sẽ trao đổi với trẻ rằng con cần giữ lại một số tiền nhất định trong tài khoản, rồi cùng con lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm ngắn hạn. Đến lúc đó, nếu con vẫn chưa thể kháng lại sức hấp dẫn của những thứ khác, thì buộc chúng phải chịu trách nhiệm trước hoạt động tiêu xài không hợp lý của mình. Cách làm này có ưu điểm là giúp trẻ biết liệu cơm gắp mắm ngay từ nhỏ, biết cân nhắc đến các khoản chi tiêu sắp tới và kế hoạch chi tiêu lâu dài.

Giai đoạn thứ ba: kỹ năng kiếm tiền

Mọi người thường đề xướng tăng thu giảm chi, trong đó tiết kiệm chi tiêu luôn được đề cao, song làm sao tăng thu nhập còn quan trọng hơn. Nói một cách chính xác thì đó là bồi dưỡng ý thức kiếm tiền của con để cho chúng hiểu được những quy tắc kiếm tiền, quy tắc quay vòng vốn, hiểu được những đạo lý đơn giản về báo đáp và thù lao qua những ví dụ thực tế trong lao động. Những bài học vỡ lòng như vậy, sẽ mang đến của cải vật chất và tinh thần to lớn cho trẻ.

Giai đoạn thứ tư: tri thức quản lý tài sản

Ngoài việc dạy con chi tiêu hợp lý, kiếm tiền hiệu quả ra, phụ huynh có thể nói cho con biết những tri thức quản lý tài sản cơ bản, hướng dẫn chúng thực hiện một vài cuộc đầu tư nhỏ. Ví dụ như phụ huynh đưa con em mình tới ngân hàng làm một số thủ tục cần thiết để mở tài khoản cá nhân, giải thích cho chúng hiểu vì sao gửi tiền vào ngân hàng, tại sao lãi suất tiền gửi khác nhau, điền thông tin vào phiếu gửi tiền và phiếu nhận tiền như thế nào, chuyển tiền ra sao; hoặc mua sỉ bán lẻ hàng hóa cho bạn bè ở lớp học…

Giai đoạn thứ năm: châm ngôn quản lý tài sản

Bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản cho con không nhằm mục đích biến trẻ thành cái máy kiếm tiền hay thần giữ của. Ngược lại, “giáo dục quản lý tài sản” cũng là một cách “giáo dục đạo đức” hay “giáo dục nhân cách”. Mục đích là làm cho trẻ hiểu được luân lý lao động, biết đầu tư và quản lý tài sản, không chỉ đơn thuần là truyền bá tri thức và rèn luyện kỹ năng sinh tồn, mà ý nghĩa sâu xa là giúp con trang bị những hiểu biết cần thiết và giá trị quan đúng đắn của cuộc đời.

Xem thêm >>> PHƯƠNG PHÁP BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÀ CHO TRẺ