BƯỚC RA KHỎI BỐN SAI LẦM LỚN TRONG CÁCH YÊU THƯƠNG CON

1/ Người chết vì bị chìm dưới nước gọi là chết chìm, còn nếu tình yêu của cha mẹ tuôn chảy tràn lan, nhấm chìm con cái mình bên trong, thì đó gọi là nuông chiều. Nuông chiều là một loại tình yêu để lại hậu họa khôn lường, khiến con cái của chúng ta nếu không thua ở vách xuất phát, cũng sẽ thua ở vạch về đích!

2/ “Nuôi con phòng lúc tuổi già”, hóa ra lại thành “nuôi con ăn bám thân già”

Những đứa con ngoài 22 tuổi vẫn trông cậy vào sự cung dưỡng của cha mẹ: “một là vẫn đang thất nghiệp, hai là bòn rút cha mẹ, ba là cơm no ba bữa, bốn là từ chi mềm nhũn, năm là ngũ quan ngay ngắn, sáu là bất nhận lục thân, bảy là buông thả bảy phần, tám là tiêu dao tám hướng, chín là ngồi lâu bất động và mười là hết sức vô dụng.”

3/ Không có người bất hạnh, chỉ có sự giáo dục bất hạnh. Không có đứa con bất hiếu, chỉ có đứa con không may tiếp nhận phải một phương pháp giáo dục khiến chúng dần trở nên bất hiếu. Khi nhìn thấu sự việc, chúng ta sẽ nhận ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này không phải là do con cái mà là ở cha mẹ. Cha mẹ rơi vào sai lầm trong vầng sáng yêu thương vĩ đại, họ đã vô tình tặng con một món quà đáng sợ nhất.

4/ Bốn sai lầm trong cách yêu thương con

  • Sai lầm thứ nhất: Giáo dục tố chất không phải là âm nhạc, mỹ thuật, võ đạo, vũ đạo. Giáo dục tố chất đúng nghĩa phải là: kỹ năng đối nhân xử thế, xác lập giá trị, phẩm chất đạo  đức, sự hiểu biết về mối tương quan giữa tri thức và nghề nghiệp, lý tưởng sống cùng với khả năng thay đổi thực tiễn của con em mình.
  • Sai lầm thứ hai: Đáp ứng mọi đòi hỏi của con. Cha mẹ thỏa mãn tức thời, thỏa mãn quá mức các yêu cầu của con cái sẽ dễ tạo ra một tính cách ích kỷ, thích làm theo ý mình, phóng khoáng tùy tiện, tâm trạng bất ổn, ít có cảm giác an toàn, chỉ số vượt khó thấp, thiếu lòng biết ơn ở con trẻ.
  • Sai lầm thứ ba: Biết yêu mà không biết dạy. Bạn càng nhân nhượng và nhẫn nại với con một cách vô nguyên tắc, thì nó càng khéo léo lợi dụng tình cảm của bạn, và cuối cùng “bắt được thóp” của bạn.
  • Sai lầm thứ tư: Chăm sóc quá mức, quan tâm ép buộc, lo lắng quá mức. Phong cách giáo dục chăm sóc trẻ quá mức sẽ tạo thành dị tật, ích kỷ, nổi loạn, yếu kém trong tâm lý của trẻ, khả năng tự lo liệu thấp, dễ hình thành tính ý lại, kỹ năng giao tiếp kém, vừa thiếu tinh thần hợp tác vừa thiếu năng lực cạnh tranh.

Cha mẹ sa vào sai lầm là do họ hy sinh bản thân để thỏa mãn yêu cầu của con. Xét trên thực tế, một khi tinh yêu thương của cha mẹ hủy hoại tương lai của con cái, thì tất cả những sự hy sinh của họ đến cuối cùng cũng chỉ là công dã tràng mà thôi.

5/ Tầm quan trọng của giáo dục gia đình có tác động vô cùng sâu rộng trên toàn cầu, trong hàng ngàn công việc khác nhau. Nuôi dạy con cái là công việc quan trọng nhất và có nhiều thử thách nhất.

6/ Cương vị cao cấp duy nhất của các bà mẹ – ông bố nhận được mà không cần dựa vào bằng cấp, đó chính là cương vị làm mẹ – làm cha. Chỉ có điều, người giữ cương vị này phải có kiến thức uyên thâm, “thi đầu vào” thì dễ, “tốt nghiệp” mới khó.

7/ Đừng chỉ truyền lại cho con của cải, phải truyền cho con tố chất và kỹ năng sinh tồn, tinh thần trách nhiệm với bản thân và xã hội.

8/ Yêu con trên nguyên tắc có làm có hưởng

Các loại kỹ năng được dạy trong trường học như âm nhạc, vũ đạo, hội họa hay quần vợt, tất nhiên đều cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nhà trường không thể cung cấp cho trẻ một “sân huấn luyện” kinh nghiệm sống. Người Do Thái coi giáo dục sinh tồn là ưu tiên hàng đầu, với mong muốn sau này lớn lên mỗi đứa trẻ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp. Cách làm này phát huy hiệu quả rất tốt đối với tất cả trẻ em, nhất là ở độ tuổi trên mười, hiệu quả càng rõ nét. Đứa trẻ trở nên giỏi giang hơn những gì cha mẹ tưởng tượng, ý thức thời gian, ý thức tự lập, ý thức trách nhiệm được phát triển một cách đồng đều.

Trẻ em hiểu lý luận lao động ngay từ khi còn nhỏ, tìm được phương hướng cuộc đời trên cơ sở không ngừng trải nghiệm, ngày sau càng dễ thành công trong sự nghiệp.

9/ Trì hoãn thỏa mãn, khéo léo từ chối thỏa mãn

Có thể chia các cách thỏa mãn ham muốn của con người ra làm mấy loại sau: trì hoãn thỏa mãn, khéo léo từ chối thỏa mãn, thỏa mãn trước, thỏa mãn tức thời, thỏa mãn quá mức. Phương pháp giáo dục tốt luôn đề cao “trì hoãn thỏa mãn” và “khéo léo từ chối thỏa mãn”. Còn “thỏa mãn trước là việc làm dại dột, “thỏa mãn quá mức” thì chỉ làm lãng phí công sức.

Phụ huynh nên thường trao đổi, đối thoại với con em mình để chúng hiểu lý do vì sao cha mẹ trì hoãn những yêu cầu của chúng. “Nếu con thích chơi thì con cần phải có thời gian để chơi đúng không? Con sẽ đạt được mong muốn của mình khi con thi được trường điểm và có được thành tích xuất sắc. Sau này con có được sự nghiệp như ý nguyện, kiếm được rất nhiều tiền, đến lúc đó, con sẽ có nhiều thời gian vui chơi và đồ chơi của con cũng đắt tiền hơn. Nhưng nếu con đi sai trật tự thì toàn bộ hoạt động sẽ không hoạt động bình thường, con sẽ có rất ít thời gian vui chơi và chỉ sở hữu một vài thứ tồi tệ, phần đời còn lại, dẫu con nỗ lực làm việc đến đâu cũng không có đồ chơi, không có niềm vui.”

Về phương diện giáo dục gia đình, dạy trẻ không được phép làm chuyện gì là vô cùng quan trọng.

Phương pháp giáo dục “trì hoãn thỏa mãn” khiến con biết nhẫn nại, giúp con hiểu thế giới này không chỉ dành cho một mình nó, con không thể dễ dàng có được tất cả những gì mình muốn. Bên cạnh đó, “trì hoãn thỏa mãn” cũng làm tăng khả năng chịu đựng của con khi bị từ chối, bồi dưỡng chỉ số AQ – nhân tố quan trọng đưa đến thành công. Không chỉ vậy, “trì hoãn thỏa mãn” còn rèn luyện ý chí, từ đó khiến tâm lý của chúng biết co duỗi và có tính “đàn hồi” hơn. Trong học tập, con cũng nhẫn nại hơn.

10/ Lùi một bước, biết buông tay

Hãy để cho trẻ tự giải quyết chuyện của mình. Nếu cha mẹ quá che chở cho trẻ thì sẽ làm mất sự tự tin ở trẻ. Khi lớn lên, đứa trẻ đó chắc chắn không có được tính cách độc lập, càng không thể đạt được những thành tựu xuất sắc.

Con người cần biết đi, cũng cần biết ngã, vì chỉ có vấp ngã, anh ta mới biết đi.

Mọi tình yêu trên thế giới đều hướng đến mục đích chung là sự gắn kết, chỉ có một tình yêu luôn hướng đến sự phân lý là tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Giúp con sớm trở thành một cá thể độc lập sau khi rời khỏi cha mẹ, có thể đối diện với thế giới bằng chính nhân cách độc lập của mình, đó mới là tình yêu thương đích thực cha mẹ nên dành cho con cái. Cha mẹ rút lui càng sớm, buông tay càng sớm, trẻ càng dễ thích nghi trong tương lai.

Những vị phụ huynh biết nghĩ cho hạnh phúc của con cần phải trao cho trẻ nhiều cơ hội sáng tạo, tìm kiếm thông tin bên ngoài, chứ không đứng mũi chịu sào, một tay lo hết mọi việc, che khuất tầm nhìn tương lai của chúng.

11/ Vị trí của cha mẹ là quân sư, có trách nhiệm tham mưu, quan sát, nhắc nhở con cái. Dù con cái có một khởi đầu chậm nhưng chúng có thể kiên trì đi hết chặng đường cho tới khi đến đích.

12/ Liệu “vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” có phá hoại tình cảm giữa cha mẹ và con cái không?

Phương pháp này nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa yêu và dạy, dù vậy, yêu và dạy cũng cần có chừng mực, nếu chúng ta đẩy mạnh khía cạnh dạy dỗ, con trẻ sẽ trở thành tấm bia giáo dục, không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình, tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ đi vào bế tắc.

Vế câu “vô cùng yêu thương” đứng sau “vô cùng tàn nhẫn” có nghĩa cha mẹ ẩn giấu phân nửa tình yêu thương con cái của mình, chứ không hoàn toàn vứt bỏ phân nửa tình yêu thương ấy, làm vậy tình cảm cha mẹ dành cho con cái càng trở nên lý trí, khoa học và nghệ thuật, chứ không phải ngày càng nặng nề và mù quáng.

“Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” không làm cha mẹ và con cái trở nên xa cách, ngược lại càng tăng tính liên kết trong gia đình, tăng thêm cảm giác an toàn của trẻ. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái cũng trở nên gắn bó khăng khít hơn.

Khi thực hiện phương pháp dạy con “vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” trong điều kiện kinh tế gia đình khá giả, cha mẹ cần có trình độ cao hơn.

13/ So với việc kinh doanh, việc nhà càng phải dụng tâm vun vén, cha mẹ chú ý trao đổi tư tưởng, tình cảm với nhau và với các con, khơi gợi, dẫn dắt các con suy nghĩ.

14/ Tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái là mãi mãi, nhưng liệu có thước đo nào đánh giá được chất lượng của tình yêu ấy không?

Tình yêu thương chất lượng cao của cha mẹ, đó phải là sự tàn nhẫn nhưng chất chứa yêu thương, là tình yêu thương có lợi cho con suốt cuộc đời.

15/ “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là yêu con một cách lành mạnh, khoa học

Các bậc cha mẹ cần gia giảm tình yêu thương dành cho con cái theo từng độ tuổi khác nhau của chúng. Lúc con cất tiếng khóc chào đời đến lúc bi bô tập nói, chập chững những bước đi đầu tiên là thời điểm con chưa nhận thức được thế nào là đúng, sai, chưa thể chống lại bệnh tật và các tác nhân gây hại bên ngoài, giống như ngọn cỏ non yếu ớt, không chịu nổi gió sương. Khi đó, con cần sự che chở đặc biệt của cha mẹ, sợi dây tình cảm ruột thịt tựa như dòng suối mát, thấm nhuần quá trình trưởng thành của con, còn bản thân cha mẹ cũng nhận được niềm vui và thỏa mãn về mặt tinh thần khi nhìn con lớn lên mỗi ngày. Từ khi con bước vào thời thơ ấu, thời niên thiếu, cha mẹ nên gia giảm tình yêu thương sao cho hợp lý. Nếu không, thuốc bổ sẽ trở thành thuốc độc, khi đó thủ phạm lớn nhất hủy hoại tương lai của con, không ai khác chính là cha mẹ!

16/ “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là yêu con có chừng mực, lý trí

Yêu là một nghệ thuật, trong đó nắm bắt tâm trạng của đối phương là điều khó nhất.

Yêu con cũng vậy, nhưng các bậc cha mẹ ngày nay chỉ mong ngày ngày được bế con trong vòng tay, âu yếm nựng nịu, nên vô tình biến tình phụ mẫu – phụ tử trở thành tình yêu cảm tính, mất đi lý trí. Đó là việc làm ích kỷ dưới danh nghĩa của tình yêu, phá hoại cả về tinh thần lẫn thể chất của con trẻ. Cha mẹ cần tha thứ cho những sai lầm của con bằng lý trí, nhưng đồng thời khuyến khích con sửa chữa sai lầm bằng nụ cười ấm áp, khiến cây sinh mệnh của con bám rễ sâu bền vào cuộc đời, đến khi trở thành đại thụ, cao vút tầng mây.

17/ “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” là hy sinh cho con một cách có hiểu biết

Bản năng sống thôi thúc con người không ngừng phá vỡ tổ kén, nếu quá nhiều vướng víu, ràng buộc của cha mẹ sẽ biến sự hy sinh và dâng hiến vì tình yêu ấy trở thành tấm song sắt kìm kẹp tâm hồn con. Kỳ thực, cha mẹ cần phải hy sinh cho con cái một cách sáng suốt.

Ở Grand Canyon nước Mỹ có một loài đại bàng, hằng ngày đại bàng mẹ bay 320 km chỉ để tìm những cành vạn tuế có gai về làm một cái tổ kiên cố, bên trên phủ lá cây, lông vũ, cỏ dại cho chim con khỏi bị gai đâm. Chim con lớn dần theo thời gian, một hôm đại bàng mẹ cố tính phá cái tổ bình yên ấy, thấy vậy lũ chim con ra sức vỗ cánh, sau đó chúng đều biết bay. Cái tổ có gai vừa thể hiện tình yêu thương thầm lặng của đại bàng mẹ, vừa thể hiện sự hiểu biết rộng lớn của nó.

18/ Hiện nay xã hội không thiếu người có trình độ học vấn cao, điểm số tốt, nhưng sở dĩ không tìm được vị trí lý tưởng trong xã hội bởi vì thất bại ở kỹ năng sinh tồn

Chưa có kỹ năng làm việc, bạn vẫn có thể học tập tốt, nhưng chưa biết vận dụng tri thức vào thực tiễn lao động thì cuộc đời bạn không thể đơm hoa kết trái.

Chúng ta có thể học Do Thái ở chỗ họ rất chú trọng bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn và quán triệt tư tưởng “không làm không hưởng” đối với con cái ngay khi chúng còn nhỏ.

Ví dụ về tỷ phú thế giới John D. Rockefeller, Rockefeller đã “làm thuê” cho cha ông để kiếm tiền tiêu vặt từ thuở nhỏ. Sáng sớm, ông đến nông trại, đôi khi giúp mẹ ông vắt sữa bò. Ông có một cuốn sổ tay, thống kê số lượng công việc hằng ngày, tính 0,37 đô la Mỹ mỗi giờ làm việc, ghi vào sổ, về sau kết toán với cha. Ông làm việc này rất nghiêm túc, cảm nhận lao động là thiêng liêng và vô cùng thú vị. Ấn tượng hơn là, hậu duệ đời thứ hai, đời thứ ba, thậm chí đời thứ tư trong dòng họ Rockefeller đều nghiêm khắc làm việc như vậy.

Rockefeller có tất cả năm người con, tiềm lực kinh tế của gia đình ông vượt xa so với mặt bằng chung của người dân, nhưng ông lại vô cùng “bủn xỉn” với các khoản tiêu văt của con cái. Ông quy định cho các con của mình tiền tiêu vặt theo độ tuổi: từ 7 đến 8 tuổi cho 3 hào một tuần, từ mười một đến mười hai tuổi cho 1 đô la một tuần, mỗi tuần đưa tiền 1 lần. Ông còn phát cho mỗi người con một cuốn sổ nhỏ ghi rõ từng khoản chi tiêu và yêu cầu họ đưa cho ông kiểm tra khi lĩnh tiền. Người nào ghi chép rõ ràng, chi dùng thỏa đáng, cuối tuần được tăng thêm 5 xu, ngược lại thì bị cắt giảm. Đồng thời, người nào biết làm việc nhà cũng được nhận thù lao, trợ cấp tiền tiêu vặt. Ví dụ, bắt một con chuột được 5 xu, nấu ăn – xếp củi – nhổ cỏ đều có phần thưởng khích lệ. Các con của ông khi lớn lên có người làm Phó tổng thống, có người làm chủ doanh nghiệp lớn.

19/ Tránh nuôi con thành tiến sĩ giấy, “ăn bám” cha mẹ

Con nên làm một số việc nhà, tùy theo sức của mình.

Con chịu một chút tủi thân, không có gì là không tốt.

Cha mẹ chỉ nên đáp ứng một nửa yêu cầu của con, tiếp nhận yêu cầu hợp lý, thay đổi yêu cầu bất hợp lý, thậm chí đôi khi phải từ chối.

Khi con làm sai, cha mẹ không mắng con tức là đã tự chối bỏ cơ hội giáo dục.

Không có đứa con nào là hoàn hảo, đứa con hoàn hảo được sinh ra từ phương pháp giáo dục hoàn hảo.

Từ lần đầu tiên con dùng hành động khóc lóc ầm ỉ để uy hiếp cha mẹ, cha mẹ không được chiều theo ý con, bằng không nó sẽ được đằng chân, lân đằng đầu.

Cha mẹ nên tán thành quan điểm giáo dục cọ xát khó khăn.

Con chỉ có thành tích học tập cao chưa chắc sau này đã là người đạt được thành tựu to lớn.

Bạn phải chôn chặt ý nghĩ con mình là giỏi nhất trong lòng, đừng làm cho chúng nảy sinh bất kỳ ý nghĩ tự cao tự đại nào.

Khi con gặp khó khăn, cha mẹ đừng ngần ngại để con tự giải quyết.

20/ Nguyên tắc có làm có hưởng sẽ rèn luyện kỹ năng sinh tồn của trẻ, nhất là kỹ năng quản lý tài sản.

Kiếm tiền không phải là một nhu cầu cần phải đợi đến độ tuổi nhất định mới bắt đầu vun bồi mà “quản lý tài sản từ nhỏ” mới là phương pháp giáo dục tốt nhất. Việc nâng cao chỉ số FQ (Financial Quotient – chỉ số đánh giá khả năng quản lý tài sản) không chỉ để nhằm giáo dục kỹ năng quản lý tài sản cho trẻ, mà nó còn là một phương thức giáo dục trách nhiệm và giáo dục nhân cách.

21/ Bắt đầu triển khai các bài học quản lý tài sản gia đình từ khi trẻ ba hoặc bốn tuổi, dạy con em mình hiểu rõ mối quan hệ hữu cơ giữa tiền bạc và mua sắm, cho trẻ vốn liếng riêng.

Sau khi chi tiêu, phân tích cho trẻ hiểu mua sắm như vậy là có hợp lý, có cần thiết hay không, từ đó rút ra kinh nghiệm gì, bài học gì. Thà cho con tiền tiêu vặt định kỳ và đặt ra quy định hạn chế chi tiêu còn hơn là để con chìa tay xin tiền phụ huynh như “ăn mày”.

Khi con cái bước vào năm học cuối cấp một, phụ huynh có thể mở cho con một tài khoản ngân hàng độc lập, gửi vào đó một khoản tiền, con số có thể coi là tiền lương một tháng mà cha mẹ thanh toán cho trẻ. Sốt sắng mở tài khoản cho con không phải là để con thỏa sức tiêu tiền, cũng không phải là quá nuông chiều con hay để đỡ phát tiền hằng ngày cho con, mà là cha mẹ có mục tiêu giáo dục lớn hơn, đó là dạy con “quản lý tài sản”. Mỗi khi con cái sử dụng tiền không thỏa đáng, phụ huynh sẽ giải thích cho trẻ hiểu, nếu muốn có những thứ giá trị hơn thì bắt buộc lúc này chỉ được mua những thứ ít tiền, có như vậy trẻ mới biết được hậu quả nghiêm trọng của việc chi tiêu quá đà, biết chịu trách nhiệm trước hành động chi tiêu của mình.

22/ Dạy trẻ cách ứng xử với tiền theo độ tuổi

Ba tuổi: phân biệt các loại tiền, mệnh giá tiền

Bốn tuổi: biết rằng không thể mua hết các mặt hàng, vì thế cần phải lựa chọn

Năm tuổi: hiểu rõ tiền là thù lao lao động, nên phải chi tiêu hợp lý

Sáu tuổi: có thể đếm được những con số lớn, bắt đầu học tích lũy tiền, bồi dưỡng ý thức quản lý tài sản

Bảy tuổi: so sánh lượng tiền của mình với giá cả hàng hóa, xác định bản thân có khả năng mua hàng hay không

Tám tuổi: biết mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, nghĩ cách kiếm tiền tiêu vặt

Chín tuổi: lập kế hoạch chi tiêu, biết mặc cả giá cả với cửa hàng, biết giao dịch mua bán

Mười tuổi: biết tiết kiệm tiền trong sinh hoạt hằng ngày để sử dụng vào những khoản chi lớn hơn như mua giày trượt băng máng trượt…

Mười một tuổi: học cách nhận biết quảng cáo và có quan niệm về giảm giá và ưu đãi

Mười hai tuổi: biết quý trọng đồng tiền, biết tiền không dễ kiếm được, có quan niệm tiết kiệm

Từ mười hai tuổi trở lên: hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động quản lý tài sản cùng với những người trưởng thành trong xã hội.

23/ Kỹ năng quản lý tài sản của con đến từ những bài học vỡ lòng về giáo dục quản lý tài sản của cha mẹ

Nhiều phụ huynh lo con tiêu tiền lung tung, nên “tướt đoạt” cơ hội cầm tiền của con. Ví dụ, con cần mua thứ gì đều phải chìa tay xin tiền cha mẹ; ngay cả tiền mừng tuổi của con, phụ huynh cũng nói “để cha/mẹ giữ cho”, tịch thu toàn bộ số tiền mừng tuổi. Cách làm tai hại như vậy sẽ làm cho trẻ có thói quen xin tiền cha mẹ, đến khi có tiền, chúng sẽ mau chóng tiêu hết sạch, thiếu ý thức lập kế hoạch chi tiêu.

Sáng suốt hơn, các cha mẹ nên cho con mình bắt chước cha mẹ quản lý tài khoản ngân hàng để giúp con mình có sự chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống tương lai. Khi con cái được mười hai tuổi, phụ huynh thường định kỳ mở sổ tay chi tiêu thông báo cho các thành viên biết tình hình chi tiêu trong gia đình, giúp con cái hiểu chúng cần phải quản lý tài chính gia đình như thế nào.

24/ Ý nghĩa của việc mở tài khoản ngân hàng cho con

Việc mở tài khoản ngân hàng cho con (khoảng 8 tuổi) là để con hiểu rõ một nguyên tắc ngay từ nhỏ là: không có chuyện ngồi mát ăn bát vàng. Trên thế giới này không có lương thực cho không, nó phải được đền đáp từ những gì con cống hiến cho xã hội và con phải đạt được thành công qua sự nỗ lực của bản thân. Tài khoản còn giúp con thấy được giá trị đồng tiền kiếm được từ chính sức lao động của mình. Nếu con muốn làm một vài cuộc đầu tư nhỏ, ví dụ như mua hàng hóa đi bán lẻ hoặc tổ chức một buổi biểu diễn, ba mẹ sẽ hướng dẫn con cách kinh doanh.

25/ Quản lý tài sản là một cách sáng tạo

Bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản cho con là một cách bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, đặc biệt là cách tạo ra của cải. Ví dụ, Chủ tịch HĐQT công ty McCall đã học cách quản lý tài sản từ bé, ông kể lại như sau:

Thuở nhỏ, cha tôi từng hỏi tôi: “Một cân đồng đáng giá bao nhiêu tiền?” Tôi trả lời: “35 xu thưa cha”. Cha tôi nói: “Đúng vậy, tất cả người dân bang Texas đều biết một cân đồng có giá 35 xu, nhưng con là con trai của một người Do Thái vì vậy con cần phải hiểu một cân đồng trị giá 35 đô la. Con thử lấy một cân đồng làm một tay nắm cửa xem sao”. Hai mươi năm sau, cha tôi qua đời, một mình tôi kinh doanh cửa hàng đồ đồng. Năm 1974, để làm mới tượng Nữ Thần Tự Do, chính phủ Mỹ thanh lý đống rác bên dưới bức tượng, kêu gọi các nhà thầu đến đấu giá, nhưng nhiều tháng trôi qua, vẫn không có tín hiệu khả quan. Nhìn thấy dưới chân bức tượng là một đống đồng thau, ốc ít, vật liệu gỗ, tôi không đưa ra bất cứ điều kiện gì, đăng kí mua ngay lập tức. Rất nhiều người cười thầm cho rằng hành động của tôi là ngu xuẩn. Nhưng khi tôi nấu chảy đồng, đúc thành pho tượng Nữ Thần Tự Do loại nhỏ, dùng xi măng và gỗ gia công làm chân đề , chì và nhôm làm chìa khóa quảng trường NewYork. Thậm chí đất cát bụi bẩn trên bức tượng Nữ Thần Tự Do cũng được đóng gói lại bán cho các cửa hàng hoa. Đống phế liệu mang về cho tôi 3,5 triệu đô la, một cân đồng có giá cao gấp một vạn lần trước đó, những người cười nhạo tôi đều tỏ ra kinh ngạc. Đống rác ở NewYork đã làm nên tên tuổi của tôi, tất cả đều phải cảm ơn cha tôi đã truyền đạt kỹ năng quản lý tài sản cho tôi từ lúc còn nhỏ. Quản lý tài sản là một cách sáng tạo.

26/ Người được bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản càng sớm, thu nhập sau này càng cao. Vì người sớm khơi dậy kỹ năng quản lý tài sản thì ý thức sự nghiệp cũng sớm manh nha, sớm lĩnh ngộ khái niệm đầu tư, ngày sau đi làm càng có triển vọng hơn người khác.

Dạy con không coi trọng tiền bạc là một phẩm chất đạo đức tốt, nhưng phẩm chất này cũng không hề mâu thuẫn với việc bồi dưỡng kỹ năng quản lý tài sản.

27/ Bản chất của kiếm tiền tức là phản đối làm nô lệ của đồng tiền

Khi bị côn đồ tấn công, bắt buộc phải bỏ trốn, con sẽ mang theo thứ gì? Đối với câu hỏi này, bạn đưa ra câu trả lời “tiền” hay “đá quý” đều sau. Vì bất luận là tiền hay đá quý, một khi bị cướp thì đều mất hết/ Đáp án chính xác ở đây phải là “trí tuệ”.

Xem thêm >>> PHƯƠNG PHÁP BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG QUẢN LÝ TÀI SẢN CỦA NGƯỜI DO THÁI