Người tỉnh thức không còn bị ràng buộc vào ảo vọng, sợ hãi, giận hờn và tham đắm. Người tỉnh thức là người tự do, có đầy đủ an lạc, có đầy đủ tình thương và sự hiểu biết.
Mỗi người trong chúng ta đều có tính Bụt (Buddahata) trong lòng, và vì vậy ai cũng có thể trở thành người tỉnh thức như Bụt. Tính Bụt này là khả năng tỉnh thức, khả năng vượt thoát ảo vọng. Nếu chúng ta tu tập theo đạo lý tỉnh thức thì chúng ta làm cho tính Bụt trong ta mỗi ngày một sáng và một ngày kia chúng ta cũng sẽ đạt được tự do và an lạc hoàn toàn như Bụt. Bụt ở ngay trong tâm mỗi người chúng ta. Chúng ta phải trở về tìm Bụt ngay trong tâm ta. Bụt là viên ngọc quý thứ nhất.
Pháp (Dharma) là con đường đưa tới sự tỉnh thức. Con đường này đã được Bụt tìm ra và người đã và đang chỉ dạy cho chúng ta. Con đường này đưa ta thoát khỏi ngục từ của ảo vọng, giận hờn, sợ hãi và tham đắm, và dẫn ta tới chân trời tự do, an lạc, vô uý, làm cho sự hiểu biết và tình thương phát hiện nơi ta. Hiểu và thương là những hoa trái đẹp đẽ nhất của đạo tỉnh thức. Pháp là viên ngọc quý thứ hai của chúng ta.
Tăng (Sangha) là đoàn thể của những người đang cùng nhau thực tập đạo tỉnh thức và cùng đi trên con đường giác ngộ. Muốn tu tập đạo tỉnh thức chúng ta phải nương tựa vào đoàn thể này. Một mình đơn độc ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự tìm học và thực hành đạo lý tỉnh thức. Vì vậy chúng ta phải nương vào tăng đoàn. Người xuất gia cũng như người tại gia phải biết trở về nương tựa nơi Tăng để có thể đi xa trên con đường tu tập. Tăng là viên ngọc quý thứ ba của chúng ta.
Xem thêm >>> TƯƠNG NHẬP, TƯƠNG TỨC, VÔ NGÃ
“Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.”
Thật ra, ba viên ngọc quý ấy đã có sẵn trong tự tâm của chúng ta. Tu tập đạo tỉnh thức là làm cho ba viên ngọc ấy chiếu sáng trong ta.
(Trích từ sách Đường Xưa Mây Trắng, tác giả Thích Nhất Hạnh)