THỔI BAY CÁI TÔI (PHẦN III)

Mặc dù cách thể hiện ở mỗi người đều khác nhau, cái tôi có một số khuôn mẫu chung – hay còn gọi là những kiểu “cái tôi” điển hình. Sẽ có ích nếu ta hiểu rõ cơ chế hoạt động của từng khuôn mẫu đó.

  • Cái tôi của hình tượng
  • Cái tôi của sự hoàn hảo
  • Cái tôi của đẳng cấp
  • Cái tôi của sự rập khuôn
  • Cái tôi kiểm soát

Cái tôi của đẳng cấp

Nhiều người trong chúng ta bị ám ảnh bởi lối tư duy cứng nhắc về ý nghĩa của thành công. Thế giới bên ngoài dựng nên những thước đo như một mức lương cao, một chiếc xe sành điệu, một căn nhà bề thế, một khu láng giềng thân thiện, một nhóm bạn bè đẳng cấp… Thế rồi, ta thất bại, ta mất việc, hay ta buộc phải thừa nhận rằng con cái không nhiều tham vọng như mình, ta cảm tưởng như thể ta thất bại từ thận gốc rễ. Ta tưởng tượng rằng phần cốt lõi của ta bị tổn hại và quay sang chỉ trích tất cả mọi người.

Khi bị dính mắc, ta áp đặt sự lý tưởng lên con, gò chúng theo hình ảnh đẹp đẽ mà ta vốn tự trao chuốt cho chính mình. Ta quên rằng mỗi đứa trẻ là một con người với tâm hồn riêng biệt, rằng chỉ khi sự độc đáo và tự lập của tâm hồn đó được thừa nhận hoàn toàn, ta mới nắm quyền được cơ hội phát triển bản thân quý giá vốn dĩ đi liền với việc làm cha mẹ.

Là cha mẹ, thử thách của ta chính là để cho con được phép thể hiện chính mình mà không bị lấn át. Liệu ta có từ bỏ được niềm thôi thúc rằng con cái phải là sự nối dài của chính ta? Ta có sẵn lòng cổ vũ cho không gian nội tâm để con tự do phát triển, tránh bị áp đặt bởi ý chí của ta?

Để làm được những điều đó, ta phải tạo ra được không gian nội tâm cho chính mình không bị mắc kẹt trong nhu cầu sở hữu và kiểm soát. Chỉ có như thế ta mới thấy được bản chất thực sự của con, khác với hình ảnh mà ta mong cầu, được ta chấp nhận hoàn toàn mà không vướng vào bất kỳ ý tưởng nào của ta.

Bằng cách luôn tôn trọng con, ta giúp con biết tôn trọng chính bản thân mình. Ngược lại, nếu cố thay đổi con, cố điều chỉnh hành vi con để có được sự thừa nhận của bố mẹ, ta vô tình gửi đi thông điệp rằng bản chất con người của con có vấn đề. Hệ quả là con tự đeo cho mình một lớp mặt nạ, che đi khuôn mặt thật sự của chúng.

Ta cần từ bỏ mọi chương trình, kế hoạch đã vạch sẵn để bước vào trạng thái hoàn toàn buông xả. Ta cần xóa sạch mọi ảo tưởng về hình ảnh của con để tương tác với đứa trẻ cụ thể đang hiện diện trước mặt ta.

Cái tôi của sự rập khuôn

Có một cô bé 20 tuổi đã luôn là một đứa con hoàn hảo, vâng lời cha mẹ và luôn mang tới niềm vui. Khi cô bé quyết định tham gia tổ chức Đoàn Hòa Bình (Peace Corps) và du hành khắp thế giới, bố mẹ cô thấy hạnh phúc hơn bao giờ hét. Họ tự hào vì con biết cống hiến cho những người thiệt thòi, như thể con chính là hình ảnh của những gì tinh túy nhất mà họ có được.

Trên hành trình của mình, cô gái trẻ phải lòng một thanh niên người Ấn Độ. Khi họ quyết định kết hôn, bố mẹ cô bé không đồng ý, khăng khăng rằng cô “xứng đáng nhiều hơn thế”. Để ngăn cản đám cưới, bố cắt đứt liên lạc với cô. Người mẹ, tuy không đến nỗi quyết liệt như thế, nhưng cũng nói rằng bà không hài lòng với quyết định của con.

Cô gái trẻ sống trong dày vò đau khổ. Vốn là đứa trẻ vâng lời, cuối cùng cô chia tay với chàng thanh niên, rồi vài năm sau đó cưới một người “môn đăng hộ đối” hơn. Đến tận bây giờ, cô gái trẻ vẫn nhớ về người tình Ấn Độ lý tưởng của mình và biết rằng cô sẽ chẳng thể yêu ai nhiều như thế. Cô cũng nhận ra rằng mình quá yếu đuối khi lựa chọn tình yêu theo ý bố mẹ, một quyết định mà cô phải chịu đựng cả đời.

Là con người ta có xu hướng nghĩ về bản thân mình như là một sản phẩm công nghiệp. Ta muốn đi từ điểm A đến điểm B. Ta muốn mọi tương tác trong cuộc sống phải ngăn nắp, trật tự. Thật chẳng may, đời chẳng bao giờ là những sản phẩm đóng gói gọn gàng đẹp đẽ. Ta chẳng bao giờ có được những giải pháp dễ dàng, những câu trả lời hoàn chỉnh. Đặc biệt trong lĩnh vực nuôi dạy con cái lại càng rối ren và lộn xộn. Vì vậy, ta cảm thấy khó chịu khi con cái vượt ra khỏi khuôn khổ của gia đình, đòi hỏi được sống đúng với bản chất của chúng, làm những điều chúng thích kể cả khi phải chịu tiếng là hư. Khi con đe dọa đến cái tôi rập khuôn của ta, ta cảm thấy tinh thần chao đảo.

Nhiều người trong chúng ta vẫn giữ ảo tưởng rằng, trong số những người ta gặp trong đời, ít ra con cái sẽ nghe lời ta. Nếu chúng không vâng lời mà lại “dám” sống theo ý mình, “dám” bước đi theo nhịp của chính mình, ta cảm thấy bị xúc phạm. Khi những biện pháp kín đáo giành lại sự kiểm soát của ta không hiệu quả, ta đành phải to tiếng và quyết liệt, không chấp nhận việc con thách thức ý muốn của ta. Tất nhiên, vì phản kháng lại những điều này nên con tìm cách nói dối, rồi gian lận, ăn cắp, hoặc thậm chí ngừng đối thoại với ta.

Càng buông bỏ được thói quen rập khuôn bao nhiêu, ta càng dễ dàng củng cố mối quan hệ tương hỗ với con bấy nhiêu. Hệ thống thứ bậc vốn tập trung vào “quyền hành” sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

Cái tôi kiểm soát

Nếu cha mẹ coi trọng khả năng kiểm soát hơn biểu lộ cảm xúc, ta sớm học được rằng dù đau đớn đến mấy cũng phải tỏ ra mạnh mẽ, phải che dấu hết những cảm xúc chắc chắn không được cảm thông. Đè nén cảm xúc tự động trở thành chiến lược hành động bởi ta tin rằng biểu lộ cảm xúc là biểu hiện của sự yếu đuối.

Đồng thời, ta dựng lên tiêu chuẩn khắt khe đối với mọi người xung quanh, cũng như cho cả cuộc đời. Ta có nhu cầu kiểm soát mọi tình huống bằng cách đánh giá hay biểu lộ sự không đồng tình. Bởi lầm tưởng ta đứng trên người khác, ta có cảm giác rằng mình chịu trách nhiệm với mọi tình cảm của mình và dường như đã thoát khỏi những mơ hồ của cuộc sống.

Áp đặt người khác bằng sự kiểm soát, chỉ trích, chê bai, bắt lỗi, đánh giá, hay thể hiện sự “uyên bác” là dấu hiệu của một tâm hồn cằn cỗi chứ không phải của một con người siêu việt. Một đứa trẻ chưa bao giờ chứng kiến bố mẹ trong trạng thái yếu đuối hay trẻ con, chứ chưa nói đến những khoảnh khắc hậu đậu, ngờ nghệch, làm sao có thể phô bày sự yếu đuối của chính mình?

Khi lớn lên trong sự bức bách đó, ta không dám mạnh dạn khám phá, mạo hiểm và mắc lỗi. Ta sợ sự không thừa nhận ngầm của bố mẹ. Bởi “biết thừa” rằng họ sẽ không đồng tình, ta không bao giờ dấn thân phiêu lưu, mà luôn chọn phương án an toàn gọn gàng trong khuôn khổ. Tất nhiên, bởi vì ta luôn có “kiểm soát”, nên khi đi học, ta là những con ngoan trò giỏi, một danh hiệu mà để đổi lấy, ta đánh mất bản sắc của mình.

Bởi tin rằng, cuộc sống bao gồm những người nắm quyền lực (thường vì họ lớn tuổi hơn hay hiểu biết hơn) và những người bị kiểm soát, vì vậy ta tự nhủ: “Phải luôn luôn chỉnh chu và kiểm soát cảm xúc. Phải sống lý trí và thực tế”. Những đứa trẻ lớn lên với thế giới quan “coi quyền lực và sự kiểm soát là công cụ đảm bảo trật tự” trở thành những người lớn mất kết nối với sức mạnh nội tâm của mình. Là phụ huynh, họ có xu hướng áp đặt sự kiểm soát đối với những đứa con “cá biệt”. Họ trở thành những người trưởng thành thiếu vị tha đối với mọi sự xúc phạm địa vị của họ và sử dụng quyền hành để tăng cường quản lý người khác.

Khi mô thức của cái tôi kiểm soát di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trẻ con lớn lên thường luôn cố gắng hoàn hảo trong mọi tình huống, đến mức bị ám ảnh về chi tiết. Vì không được biểu lộ cảm xúc, chúng thường tích tụ trong người. Bởi vì bị dồn nén, bọn trẻ thường biểu lộ ra ngoài sự lo lắng về đúng sai phải trái và bị bạn bè xa lánh. Điều này xảy ra bởi vì, mặc dù không nhận ra, chúng luôn tỏ ra chuẩn mực hơn lũ bạn bè “trẻ con”. Những đứa trẻ đó hiếm khi thoải mái tự do. Chẳng bao giờ chúng ngập mặt nhồm nhoàm một trái dưa hấu. Đối với chúng, khi ăn chỉ nên dùng khăn giấy, muỗng và nĩa.

Mỉa mai thay, trẻ em lớn lên với thế giới quan gò bó đó có thể trở thành những người phụ huynh để cho con tự do thái quá chỉ bởi vì hồi bé họ không được phép như thế. Vì thói quen, họ để cho con điều khiển mình, giống hệt như cách họ vẫn bị kiểm soát hồi còn bé.

Ngược lại, nếu phụ huynh không biết vị tha với cảm xúc của họ khi mọi thứ không đúng với dự định, con cái sẽ hấp thụ những cảm xúc này, đưa vào danh mục cách thể hiện cảm xúc của chúng. Những cá nhân đó thường xuyên bị kích động vì lầm tưởng rằng nếu phản ứng quyết liệt, đời sẽ xoay theo ý muốn của họ.

Người mang cái tôi này khi gặp phải trắc trở là nổi khùng vì cơn giận đó che giấu cảm xúc bất an. Vì không quen với cảm giác đau đớn trong tuyệt vọng, cái tôi chuyển thành cơn thịnh nộ. Tức giận là một chất xúc tác rất mạnh, khiến ta tưởng rằng mình mạnh mẽ và nắm quyền kiểm soát. Trên thực tế, khi tức giận, ta hoàn toàn mất kiểm soát. Ta bị cái tôi của chính mình cầm tù.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Xem thêm >>> THOÁT RA KHỎI CÁI TÔI