THỔI BAY CÁI TÔI (PHẦN II)

Mặc dù cách thể hiện ở mỗi người đều khác nhau, cái tôi có một số khuôn mẫu chung – hay còn gọi là những kiểu “cái tôi” điển hình. Sẽ có ích nếu ta hiểu rõ cơ chế hoạt động của từng khuôn mẫu đó.

  • Cái tôi của hình tượng
  • Cái tôi của sự hoàn hảo
  • Cái tôi của đẳng cấp
  • Cái tôi của sự rập khuôn
  • Cái tôi kiểm soát

Cái tôi của sự hình tượng

Khi một người mẹ trẻ nhận được điện thoại từ văn phòng hiệu trưởng thông báo rằng đứa con trai 9 tuổi đánh nhau với bạn, cô hoàn toàn sụp đổ. Cô cảm thấy xấu hổ và nhục nhã vì không tưởng tượng nổi đứa con yêu quý của mình lại trở thành một trong số “trẻ hư” kia. Phải làm sao? Phải trả lời thế nào?

Cô trở nên bảo thủ, đổ lỗi cho tất cả mọi người. Cô tranh cãi với hiệu trưởng, giáo viên và bố mẹ bạn của con, khăng khăng rằng con trai cô bị oan. Cô còn viết thư đến người giám sát khu vực về việc con cô đã bị buộc tội sai.

Người mẹ này không nhận ra rằng cái tôi đã biến toàn bộ sự việc thành vấn đề của cô, như thể khả năng của cô bị đặt dấu hỏi. Bởi không tách biệt bản thân mình với hành vi của con, cô thổi phồng sự việc lên. Dường như chính cô bị công kích – chính cô là người bị gọi vào văn phòng hiệu trưởng và bị phạt vì không biết dạy con. Vì vậy, thay vì ghi nhớ bài học bằng cách nếm trải hậu qua do hành vi của mình, cậu bé 9 tuổi lại cảm thấy tội lỗi và xấu hổ với cách cư xử của mẹ.

Nhiều người chúng ta rơi vào cái bẫy để cho ấn tượng về giá trị bản thân lẫn lộn với hành vi của con. Khi chúng cư xử không đúng mực, ta cảm thấy chính mình có lỗi. Ta làm quá mọi việc lên vì không phân biệt rõ ràng giữa cái tôi và tình thế trước mắt.

Chẳng ai muốn bị coi là dạy con kém cỏi. Cái tôi muốn ta sở hữu hình ảnh cha mẹ siêu đẳng. Bất cứ khi nào cảm thấy kém hoàn hảo hơn một chút so với hình ảnh đó, ta lo lắng bất an vì thấy mình “thất bại” trong mắt của người khác. Khi đó, hành xử của ta bị cuốn theo cảm xúc.

Cái tôi của sự hoàn hảo

Hầu hết chúng ta bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo, nhưng chính sự dính mắc vào những ảo tưởng đó làm ta không uyển chuyển với dòng chảy thực sự của cuộc sống.

Chẳng hạn, khi một bà mẹ lên kế hoạch cho lễ trưởng thành của con trai, cô đã chi đến 30.000 đô la để chuẩn bị, sắp đặt kĩ lưỡng mọi chi tiết. Mặc dù đã lo toan suốt nhiều tháng, vô vẫn cực kỳ hồi hội khi ngày đó diễn ra.

Quả nhiên, buổi lễ liên tục bị gián đoạn bởi những thứ mà cô tưởng chừng như thảm họa. Đầu tiên là một cơn dông bất chợt. May mắn thay, cô đã lường trước điều này và chuẩn bị sẵn lều bạt che mưa. Tiếp đó, nhạc công bị tắc đường và đến muộn một tiếng đồng hồ. Ngay sau đó, cô để ý thấy con trai mình có vẻ nhí nhố trước mặt họ hàng và những bạn bè thượng lưu.

Cô cảm thấy tuyệt vọng, bực bội và xấu hổ. Mặc dù đã cố gắng giữ gìn hình ảnh người mẹ hoàn hảo trước mặt quan khách, ngay khi họ ra về, cô trút cơn thịnh nộ lên đầu mọi người xung quanh, làm hỏng ngày vui và làm mất mặt con trước bạn bè ngủ lại qua đêm ở nhà cô. Tiếp đà bùng nổ, cô cãi nhau với chồng, rồi gây lộn với nhạc công. Cô làm mọi người khốn khổ chỉ bởi buổi lễ không được như cô mong muốn.

Bởi vì luôn cảm thấy bị đe dọa, khi mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch, ta cố gắng phản ứng lại bằng sự kháng cự và tốc độ của cảm xúc. Không thể chấp nhận được sự thật rằng cuộc đời và những người thân không phải là rô-bốt, luôn chiều theo ý mình, ta cố áp đặt ham muốn thất thường về “hình tượng bản thân” lên tất cả mọi người và mọi vật xung quanh. Cái ta không nhìn thấy là những người thân yêu phải trả giá cho ảo tưởng của ta rằng cuộc đời luôn kết thúc có hậu.

Dạy con theo lối truyền thống, ta khuyến khích con phải noi gương ta, bởi đó là cách ta được nuôi dạy. Ta tưởng rằng mình phải “biết tuốt”, phải hoàn hảo mới là phụ huynh tốt. Ta không nhận ra rằng khi ta thể hiện hình ảnh hoàn hảo, ta tạo ra cảm giác ngượng nghịu và sợ hãi trong con. Con nhìn thấy ở ta một hình ảnh xa tầm đến mức con cảm thấy quá tầm thường nhỏ bé. Bằng cách đó, ta ấn vào đầu con ý niệm rằng chúng “thua kém” ta, cản trở chúng tiếp cận với tài năng thiên bẩm của mình.

Nếu con cái thấy bố mẹ “cái gì cũng biết, việc gì cũng tìm được cách giải quyết, sự kiện gì cũng có ý kiến đúng đắn”, chúng nghĩ rằng mình cũng cần phải như vậy. Nếu không thoải mái với những khuyến điểm và luôn che đậy những hạn chế của mình, ta cũng dạy con giấu diếm những điểm yếu của chúng. Trong khi đó, điều chúng ta thực sự cần biết là chỉ có kẻ ngốc mới muốn mình hoàn hảo.

Mục tiêu cần hướng tới không phải là tròn trịa “không tì vết” như người mẹ kia muốn trong buổi lễ trưởng thành của con, mà là bao dung với cái tôi “khiếm khuyết một cách hoàn hảo” của ta, trong trường hợp của người mẹ này, chấp nhận sự thật rằng con trai cô cũng có hạn chế như cô và có thể cư xử sai ngay cả trong những thời điểm quan trọng nhất. Chỉ khi giải phóng được chính mình khỏi gọng kìm của việc phải làm phụ huynh “hoàn hảo”, ta mới có thể giải phóng cho con khỏi ảo tưởng rằng chúng ta luôn kiểm soát được mọi thứ.

Khi thoải mái với những hạn chế và lỗi lầm trong đời sống hằng ngày, không phải theo lối tự ru ngủ, mà là tỉnh táo chấp nhận thực tế, ta giúp con hiểu rằng sai lầm là điều ai cũng có thể mắc phải. Biết cách cười vào những lỗi lầm và sẵn sàng thừa nhận yếu kém, ta tự đưa mình bước xuống khỏi bục giảng của bậc thánh nhân. Đặt thứ bậc qua một bên, ta khuyến khích con tương tác với tư cách con người – với – con người, tâm hồn – với – tâm hồn.

Đáng buồn cho người mẹ tổ chức lễ trưởng thành đã không biết cười xòa trong khi mọi thứ đổ bể. Nếu làm thế, hẳn cô đã dạy cho con một trong những bài học quý giá nhất – rằng ta cần biết cách hoàn toàn chấp nhận thực tại, kể cả việc mình cư xử không phù hợp.

Ta không cần làm gì khác ngoài việc làm gương cho con. Khi con thấy rằng đối với ta “tạm được” là quá đủ, sự tự tin trong con tăng lên. Khi vui vẻ với chính sự ngốc ngếch của mình, ta dạy con không quá nghiêm trọng hóa mọi chuyện. Bằng việc sẵn sàng tự trào khi thử những trải nghiệm mới, ta dạy con hồn nhiên khám phá cuộc sống mà chẳng cần lo lắng về hình thức hay kết quả.

Tôi tự hỏi không biết người mẹ tổ chức lễ trưởng thành hoàn hảo kia có bao giờ cố tình tỏ ra ngốc ngếch trước mặt con, hát hò nhảy múa, hay làm những điều vượt khỏi quy tắc để chứng tỏ rằng cô cũng là con người và cũng vấp ngã. Làm như thế sẽ khuyến khích con bước ra ngoài “vùng thoải mái” và khám phá những lãnh địa hoàn toàn mới lạ. Tôi tự hỏi liệu có bao giờ cô vui đùa với con và bạn của con như một đứa trẻ, không ngần ngại kể cả nếu cần quý xuống, giả tiếng lừa kêu, hay biến thành hoàng tử cóc. Khi con thấy ta ngang hàng với chúng, mối quan hệ trở nên bình đẳng, làm con có thể tiếp xúc với ta một cách gần gũi, tự nhiên. Tôi cũng tự hỏi liệu người mẹ này có bao giờ tự cho phép mình nhào lộn, vấp ngã, gập người, bôi bẩn, la hét, phun nước bọt trước mặt con, trong giới hạn cho phép, thay vì cố gắng che giấy những khía cạnh rất con người này. Liệu cô có bao giờ chứng rỏ rằng cô thoải mái với việc nhà cửa không sạch bóng, móng tay không được giữa nuột nà, gương mặt không trang điểm hoàn hảo? Khi làm thế, ta cho con thấy rằng “tạm ổn” thực sự đúng nghĩa tạm ổn.

Ta ban ơn cho con và cho chính mình khi biết chấp nhận những hạn chế và thoải mái với sự “tạm ổn”. Bằng cách đó, con được khuyến khích hài lòng với bản thân, nhận ra được sự vui vẻ, thanh thản trong tâm hồn, và vì thế không bị dính mắc vào sự cứng nhắc không thể tránh khỏi của cái tôi.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Xem thêm >>> THỔI BAY CÁI TÔI (PHẦN III)