THOÁT RA KHỎI CÁI TÔI

Cái tôi của bậc làm cha mẹ thường có những dấu hiệu điển hình như sau:

  • Lên lớp: “Nếu mẹ là con…”
  • Ý kiến: “Nếu con hỏi mẹ…”
  • Đánh giá: “Mẹ thích…” hay “Mẹ không thích…”
  • Mệnh lệnh: “Đừng buồn”, “Đừng khóc”, “Đừng sợ”
  • Kiểm soát: “Nếu con làm thế, mẹ sẽ…” hay “Mẹ không đồng ý điều đó.”

Còn những phản ứng xuất phát từ trái tim, từ bản chất thật của mình, thường là:

  • Mẹ hiểu”, chấp nhận nét riêng của con.
  • Mẹ lắng nghe đây”, tôn trọng con người của con.
  • Con hoàn hảo khi là chính mình”, tôn vinh sự vẹn toàn trong mỗi con người.
  • Khoảnh khắc này giữa hai mẹ con mình chính là khoảnh khắc hoàn hảo”, công nhận bản chất hoàn hảo của cuộc sống.

Chỉ trong tích tắc, ta đã có thể bị kích động, bị trói vào vòng kìm kịp của cái tôi mà không hề hay biết. Điều này đặc biệt đúng mỗi khi phải thi hành kỷ luật với con. Trong trạng thái kích động, tức giận hay mệt mỏi, ta dễ áp dụng sai nguyên tắc kỷ luật do mình đặt ra. Việc đặt giới hạn cho con khi đang mâu thuẫn nội tâm, hay khi mệt mỏi chính là trường hợp sai lầm dễ mắc nhất bởi lúc đó cái tôi đang hoàn toàn nắm quyền kiểm soát.

Cho dù bị tác động bởi yếu tố gì, ta phải luôn ý thức tránh áp đặt trạng thái cảm xúc của mình lên con trẻ. Nếu hiểu rõ rằng mọi người đều rất dễ bị cái tôi tác động, ta sẽ thấy đánh giá của mình lệch lạc đến mức nào. Chỉ khi lòng thanh thản, ta mới có hi vọng rằng cách ta phản ứng với con là đúng đắn và hợp lý.

Mỗi lần tiếp xúc với con, cần nhớ rằng, con đã hấp thụ cái tôi của ta ngay từ khi mới ra đời, nên thực ra ta đang đối diện với những “mảnh” bản thể của mình nằm tiềm tàng trên người con.

Trên thực tế, chính vì không biết tách biệt cảm xúc của mình với cảm xúc của con, vì không thể hoàn toàn khách quan và lý trí, ta luôn đánh đồng mọi tình huống đang phải đối mặt với một vấn đề nào đó trong quá khứ của ta. Trong diễn biến tâm lý phức tạp này, ta vô tình bóp chết cơ hội để con được là chính mình, ép chúng sống bằng ảo tưởng của bố mẹ, theo cách mà chúng không mong muốn.

Trở thành cha mẹ là cơ hội quý giá để đập tan cái tôi của cả bố mẹ và con cái. Khi muốn nuôi dưỡng một con người mới với đầy đủ ý thức, những trụ cột của cái tôi sẽ rung chuyển, lung lay, trong khi bản thể của ta chưa hình thành nền tảng vững chải.

Cảm giác tội lỗi, buồn bã và sợ hãi dâng lên khi ta muốn lùi bước để trốn vào không gian riêng gọi là “cái tôi”. Tuy nhiên, nếu có thể bước lại vào không gian “cái tôi” với một tâm thế tươi mới, ta có thể sống lại với bản thể và trở thành con người thật của chính mình.

Dù bằng cách này hay cách khác, nếu chịu mở lòng, con cái sẽ đưa ta đến những ngóc ngách của trái tim mà ta chưa từng hay biết. Như thế, chúng giúp nới lỏng gọng kìm của cái tôi, giúp ta hiểu nhiều hơn về chính bản thân mình, giúp ta biết yêu vô điều kiện và biết sống tỉnh thức.

Vậy nên, qua những va chạm của vô minh, qua vô số cơ hội đập tan cái tôi và trở thành con người toàn thiện, đồng hành cùng con trong đời là món quà quý giá của người làm cha mẹ.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Xem thêm >>> NẾU KHÔNG TỰ LÀM TÂM HỒN MÌNH TRÒN ĐẦY, TA CÓ GÌ ĐỂ THỪA KẾ CHO CON?