NẾU KHÔNG TỰ LÀM TÂM HỒN MÌNH TRÒN ĐẦY, TA CÓ GÌ ĐỂ THỪA KẾ CHO CON?

Trẻ em như bọt biển – thẩm thấu hết mọi sai lầm của ta. Vì vậy, phải hết sức để ý cảm xúc của mình và cách ta vô tình dội cảm xúc đó lên đầu con.

Những kiến thức truyền đạt cho con đều bị giới hạn trong những điều mình đã trải nghiệm.

Nếu con chứng kiến bố mẹ không ngừng trút cảm xúc của mình lên đầu người khác và đổ lỗi cho người xung quanh vì những bất cập trong cuộc sống, chúng cũng sẽ sống như thế. Nếu con quan sát thấy ta nghiêm túc tự vấn và sẵn sàng thừa nhận khi mắc lỗi, chúng cũng sẽ can đảm vượt qua khi phạm sai lầm.

Dạy con tỉnh thức đồng nghĩa việc mỗi khi tiếp xúc với con, ta đều tự hỏi: Mình có đang hành xử sáng suốt, hay đang bị quá khứ tác động?” Gánh nặng luôn ở trên vai người làm bố mẹ, cần biết tự suy xét: “Trong mối quan hệ này, mình có thể chịu trách nhiệm cho những điều mình làm, thay vì để con bị ảnh hưởng hay không?”

Cha mẹ là tấm gương phản chiếu cho con, đặc biệt trong những năm đầu đời. Vì vậy, nếu không thể chạm tới hạnh phúc của chính mình, ta không thể trở thành hình mẫu hạnh phúc cho con. Hệ quả là con cũng không thể chạm tới bản thể chân thật của mình. Quả là một điều không may cho đứa trẻ nào không thể vui vẻ an nhiên như vậy!

Kể cả khi ta không nói hay làm gì, trạng thái tỉnh thức và vô minh không chỉ chịu tác động của những vết thương chưa lành, mà còn cả năng lượng tỏa ra mỗi khi ta hiện diện. Vậy nên, con cảm nhận được mọi thứ, từ cách ta ôm lấy con mỗi sáng, cách ta phản ứng khi con làm vỡ cái bình yêu quý; từ cách ta cư xử khi bị đụng xe, cách nói chuyện với con, cách ta chú tâm khi con khoe một thành tích, cách ta để ý khi con có tâm sự muốn bày tỏ. Con phiền lòng khi ta xâm phạm thế giới của chúng với những đòi hỏi vô lý, con cảm nhận được khi ta nhẹ nhàng rút lui. Con xúc động khi ta tán dương mỗi nỗ lực nhỏ bé và tủi thân khi ta khinh khi vì thất bại. Con yên bình khi ta ngồi lặng im bên cạnh và con cảm nhận được năng lượng của sự bao dung hay chối bỏ mà ta tỏa ra. Mỗi khoảnh khắc giao tiếp này đều trao truyền năng lượng của sự tỉnh thức hay vô minh.

Nếu không tự làm tâm hồn mình tròn đầy, ta có gì để thừa kế cho con? Trừ phi chính mình viên mãn, ta sẽ chỉ lợi dụng con để thỏa mãn chính mình. Ta sẽ ép buộc con sao chép lối sống của ta, với những nỗi sợ không dám thừa nhận, với sự trống trải bị chối bỏ, với những lời nối dối bị chôn vùi – tất cả đều diễn ra trong vô thức. Đó là sức mạnh của những nỗi đau mà ta chưa bao giờ thừa nhận.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary – 

Xem thêm >>> QUAN SÁT CÁCH PHẢN ỨNG CỦA CHÍNH MÌNH