HÃY GIEO NHỮNG HẠT GIỐNG ĐẦU TIÊN VỀ SỰ KỶ LUẬT (mầm non)

Một mặt, ta cho phép con được tò mò khám phá. Mặt khác, ta cũng giúp con hiểu được những giới hạn không được vượt qua. Là giai đoạn chuyển tiếp từ sơ sinh sang thời ấu thơ, trẻ không hề biết tới logic và quan hệ nhân quả. Mọi thứ đều diễn ra một cách bản năng, làm ta cảm thấy hỗn loạn. Cho dù việc áp đặt các quy định cho con là điều chẳng hề dễ dàng, nhưng đây chính là thời điểm mà ta buộc phải gieo những hạt giống đầu tiên về kỷ luật.

Ta muốn con luôn luôn bay bổng trong trí tưởng tượng. Nhưng ta cũng đành phải ngăn chặn và nói cho con biết rằng, dù mơ mộng đến đâu, con không thể bay ra ngoài từ cửa sổ.

Nhu cầu trẻ mầm non rộng lớn hơn trẻ sơ sinh rất nhiều. Từ khi tiếng “không” được bố mẹ nói ra và được con bắt chước, khái niệm về hành vi được chấp nhận và hành vi bị phản đối đã được hình thành. Việc có sử dụng nhất quán tiếng “không” này là yếu tố quyết định cho cơ chế quan hệ giữa cha mẹ và con cái sau này.

Không như khi con còn là trẻ sơ sinh, vai trò làm cha mẹ không chỉ là nuôi nấng và buông xả, mà còn cần kiên quyết, nhất quán, và – khi  cần thiết phải làm “cảnh sát”. Nếu không thể gieo những hạt mầm kỷ luật trong độ tuổi mầm non, ta sẽ thấy mọi việc phức tạp hơn nhiều khi con bước sang tuổi 12.

Về bản chất, kỷ luật là liên tục tạo ra sự tỉnh thức trong từng khoảnh khắc. Ta hoàn toàn có thể trở thành người đặt ra kỷ luật cho con theo hướng tích cực, giúp thực thi quyền lực của ta một cách tỉnh thức, ân cần và yêu thương. Chẳng hạn, khi con ăn vạ, ta có thể bỏ đi (với điều kiện con được đảm bảo an toàn), hoặc có thể ngồi lại với con, bình tĩnh chứng kiến mọi việc. Ta chọn cách nào tùy thuộc vào khả năng chịu đựng của con, tức là tùy vào mức độ phát triển và tính cách cá nhân của từng đứa trẻ. Cả hai cách đó đều truyền đi thông điệp rằng có những giới hạn mà con không được phép vượt qua. Sự tỉnh thức dẫn đường cho ta biết chọn cách xử lý phù hợp nhất.

Vậy, tóm lại thế nào là “kỷ luật”? Khi con cắn đồ đạc hay ăn vạ, ta bắt buộc con tập trung chú ý lắng nghe, “Con không được phép làm thế”. Có những lúc ta cảm thấy dường như mình nói không quá nhiều, nhưng đừng nghĩ rằng đây là một bài tập vô ích. Tuy bình tĩnh và mềm mỏng, nhưng ta cũng cần kiên quyết và nhất quán trong việc đặt ra những giới hạn. Ta không cần phải lôi tuột con ra khởi trạng thái mơ màng của tuổi mầm non, nhưng rất cần bắt đầu xây dựng những hàng rào kỷ luật cho con trưởng thành.

Cần nhớ rằng con chỉ đấm đá, cắn xé khi không biết cách thể hiện là do “Con tức giận”. Kể cả khi con kêu gào thảm thiết như bị bạo hành, ý của con chỉ là, “Hãy giúp con, con buồn lắm”.

Ta sẽ bất lực trong việc giúp con đương đầu với thế giới nội tâm nếu ta sợ hãi và lo lắng trước những diễn biến cảm xúc đó. Vì vậy, ta cần dạy cho con cách xử lý cảm xúc phát sinh từ việc bị từ chối những điều con mong muốn. Một điều may mắn là vốn từ của con đang phát triển mạnh mẽ. Bằng chiếc cầu ngôn ngữ, kết hợp các trò chơi đóng vai và kể chuyện, ta có thể đưa con vào thế giới tưởng tượng và hình dung ra thế giới của chính mình. Làm được thế, con sẽ hiểu rằng mình có thể vượt qua được những cảm xúc mãnh liệt và quay về với trạng thái bình yên.

Mặc dù cảm thấy mình có thể trèo đèo vượt suối, con cũng cảm thấy bơ vơ trước những áp lực lớn lao của cuộc sống. Để xoa dịu những cảm xúc đó, cần thiết lập vững chắc những thói quen và giới hạn cho giai đoạn mầm non. Dần dà, con sẽ học cách tự đi lại, nói năng, ăn uống, vệ sinh và ngủ nghỉ. Lớn hơn chút nữa, khi đi học mẫu giáo, con sẽ càng tách rời xa hơn nữa khỏi vòng tay bố mẹ. Con bắt đầu những năm mẫu giáo và cha mẹ cần đón nhận những cơ hội mới để phát triển tâm linh cùng với hành trình của con.

– Trích từ sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức của Tiến sĩ Shefali Tsabary – 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.