GIAI ĐOẠN MẦM NON: MỘT THẾ GIỚI CỦA MÌNH CON

Khi hòa nhập dần vào vũ điệu của nhất nguyên và nhị nguyên, của cái riêng và cái chung, con cái bắt đầu thấy sự thú vị của cuộc sống trong tổ kén an toàn của bố mẹ. Đến tuổi lên hai, chúng càng ngày càng khám phá ra sự tách biệt của cá nhân. Rồi, khi đi học, chúng dần học được cách cân bằng giữ giới hạn riêng của mình trong cùng một tập thể.

Đây cũng là giai đoạn khó khăn cho bố mẹ khi nhu cầu thể hiện cái tôi của con xuất hiện. Ta thường mất rất nhiều năng lượng và kiên nhẫn khi trẻ lên tuổi mầm non. Ta bảo đến chỗ này, chúng lại sang chỗ nọ. Ta bảo đứng lên thì chúng ngồi xuống. Ta từ chối, và chúng la hét, khóc lóc cho đến khi ta mất hết kiên nhẫn. Chúng có thể trở nên khó lường, lợi dụng, đòi hỏi, bực dọc, khó chịu và bướng bỉnh. Chúng tỏ ra vô ơn và vòi vĩnh cho dù ta dành thời gian đưa chúng đi chơi, gặp gỡ bạn bè, chuẩn bị tiệc sinh nhật. Chúng tham lam và ích kỷ, chỉ yêu ta khi chúng cần và sau đó phớt lờ như ta chưa từng tồn tại.

Trẻ mầm non không chỉ mong manh về mặt cảm xúc, mà còn cực kỳ khó dỗ dành. Với các con, nỗi sợ hãi dường như đến rất thật. Một mặt, chúng có khả năng ghi nhớ kì diệu và vòi vĩnh đến khi đạt được thứ chúng muốn. Mặt khác, chúng dễ dàng quên phắt đi những gì mà chúng không quan tâm. Trong thế giới của chúng, hầu như tất cả mọi thứ đều trong trạng thái tột đỉnh – tức giận tột đỉnh và cũng phấn khích tột đỉnh. Giai đoạn mầm non là khoản thời gian lộn xộn nhất trong cuộc đời một đứa trẻ, cả trên phương diện tâm hồn và thể xác. Bừa bộn, mất trật tự, liên tục thay đổi, khó lường, không bao giờ bố mẹ có được một câu trả lời chắc chắn. Chẳng có chiếc chổi nào đủ lớn để quét sạch “bụi bẩn, cát bụi và cháy rận” của giai đoạn này.

Tuy vậy, đây cũng là lứa tuổi tuyệt vời để chúng ta chứng kiến. Khi con tìm tòi khám phá, sáng tạo, tò mò và dần tự lập hơn, cái tôi của con bắt đầu hình thành. Trong trí tưởng tượng của mình, con có niềm thôi thúc khám phá và có những tiềm năng vô hạn. Con muốn bay thật cao, bay thật xa, đi đến tận cùng thế giới và thức đến tận bình minh.

Khoảnh khắc hiểu ra mình là một cá thể riêng biệt với những mong muốn riêng biệt chính là khoảnh khắc ngỡ ngàng của cả con và bố mẹ. Việc con có thể tự lập vượt thoát ra khỏi vòng tay của ta phụ thuộc hoàn toàn vào việc ta có dám buông tay. Cách ta xác định ranh giới mong mong giữa buông bỏ và có mặt gần kề là yếu tố quyết định con có định hình được bản ngã của mình vừa riêng biệt lại vừa gắn kết với ta.

Khi những sợi dây cộng sinh ban đầu đứt dần, một không gian tương tác mới giữa cha mẹ và con cái được mở ra, bản ngã độc đáo của con dần lớn lên. Khi cái tôi này bừng nở, có thể ta sẽ tự nhủ rằng “Tính cách của con đang được hình thành. Tính cách đó rung chuyển, lắc lư và làm ta choáng ngợp. Con đã trở thành một cả thể thực thụ. Mọi ảo tưởng rằng con là sản phẩm của ta hoàn toàn tan rã”.

Tương tự như giai đoạn sơ sinh, thời kỳ phát triển này là cơ hội phát triển của cha mẹ trên hành trình tâm linh. Nhiệm vụ đầu tiên là hiểu biết về con người mà con đang trở thành, gạt bỏ hình ảnh mà ta nghĩ rằng con nên có. Việc tối quan trọng để đạt được điều đó là kết nối với tính cách riêng độc đáo của con người đó.

Giai đoạn mầm non thực sự rất lắt léo. Lần đầu tiên trong đời, con có khả năng áp đặt quyền lực lên thế giới của con. Trên hành trình tự khám phá, con sẽ vấp phải nhiều chướng ngại xung quanh. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là những trở ngại ngụy trang cho sự kỳ vọng thiếu thực tế của cha mẹ.

Trên hành trình tiến tới sự tự lập, những việc con có thể tự làm đều bị phủ nhận bởi sự áp đặt của ta. Ta ít khi để con tự chịu trách nhiệm theo đúng mức độ phát triển của con. Có khi ta thúc giục, có khi ta lại kìm hãm con. Ta thôi thúc, động viên, dụ dỗ con để đạt được kết quả mà ta muốn – chẳng hạn ép con ôm hôn những người chúng không muốn, yêu cầu con biểu diễn như con rối để người ngoài thấy ta làm cha mẹ giỏi như thế nào, và bắt buộc con chịu trách nhiệm khi con chưa sẵn sàng – ta cướp đi sự tự nhiên của con.

Trẻ em mầm non cần biết bao những không gian mở và những chiếc hộp rỗng – cần được tưởng tượng và cần được tự do chơi đùa. Ta đánh mất niềm vui sống với thực tại vì vội vàng muốn thấy con biết đi, biết nói, biết tự đi vệ sinh.

Con chao đảo từ trạng thái đeo đám và khóc lóc sang trạng thái tỉnh bơ và thách thức, không cho ta một giây để nghỉ ngơi và thở dài. Con liên tục kéo ta vào một thế giới đầy nhu cầu, rồi quẳng ta sang một bên ngay khi con thỏa mãn. Con dạy ta rằng không thể gắn mình vào bất cứ kỳ vọng hay lý tưởng cố định nào.

Bởi dấu ấn lớn nhất của giai đoạn mầm non là sự tiến hóa không ngừng nghỉ, một trong những bài học tâm linh quan trọng nhất của cha mẹ là sống trong trạng thái không định trước, khám phá thuần khiết. Chỉ khi hoàn toàn thoải mái với việc định rõ cái đã qua và cái đang xảy ra ta mới làm được như thế. Nếu khôn ngoan, ta sẽ nhận ra rằng, sống với cái chưa biết của một đứa trẻ chính là lời mời gọi đến với trạng thái tự nhiên, không cố định, ngoài sức tưởng tượng mà ta chưa biết tới.

Bằng cách đáp ứng mềm dẻo với từng khoảnh khắc, con giúp ta đủ dũng khí để đón nhận những thế giới mới, thúc đẩy ta mạnh mẽ hơn trong quá trình tạo ra một bản thể tốt đẹp hơn cho chính mình. Nhắm nhìn sự tò mò không giới hạn của con, ta hiểu rằng chính mình cũng có thể tiếp xúc với thực tại bằng việc buông xả, sống trong sự tò mò và ngạc nhiên.

(Trích từ sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức của Tiến sĩ Shefali Tsabary)

Xem thêm >>> TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CÁC BẬC CHA MẸ NÊN NHẰM VÀO MỤC ĐÍCH ĐEM LẠI LỢI ÍCH SUỐT ĐỜI CHO CON, CHỨ KHÔNG NÊN ĐÁP ỨNG NHU CẦU TẠM THỜI CỦA CON