TRƯỜNG CẤP 2: THỬ THÁCH CÓ MẶT KHI CON CẦN

Những năm cấp hai là giai đoạn chuyển tiếp lớn lao, thường là khó khăn và trắc trở. Ta chứng kiến ở con cả sự hào hứng và sự vật lộn. Mặc cho ta che chắn bao nhiêu, con chỉ muốn lao về phía trước để được nếm trải mọi thứ.

Trong giai đoạn này, con trải qua một quá trình điều chỉnh cảm nhận về cái tôi. Bản ngã của con liên tục thay đổi, làm ta chới với. Ta chứng kiến những bước ngoặt chóng mặt trong tính cách của con bởi con phải đương đầu với một cơ thể đang lớn dần và trí tuệ vừa chớm nở. Sinh lý của con chẳng đói hòi gì đến tốc độ phát triển của tâm lý, làm con không kịp trở tay với sự trưởng thành của cơ thể. Những đợt sóng của hoóc môn đan xen với cảm giác bất an làm con bối rối. Thế giới vốn trắng đen rõ ràng trước đây trở thành hỗn loạn với vô vàn màu sắc.

Con càng lúc càng ít lệ thuộc vào cha mẹ. Ta cần biết giảm bớt sự hiện diện và xuất hiện khi cần thiết để tạo ra không gian cho con lớn lên. Ta không còn là người giám hộ thường trực, mà trở thành người bạn luôn sẵn sàng xuất hiện. Con cần được nắm tay, nhưng không cần được chỉ đường. Con cần ta ở bên khi con khóc nhưng không cần giải thích tại sao. Con cần được tôn trọng không gian riêng tư, kể cả khi đang bám dính lấy ta. Con cần được chấp nhận khi con chối bỏ cả bố mẹ và ngay cả bản thân mình. Con cần được hiểu ngay cả khi con không hiểu chính mình. Con cần ta bơi cùng con qua những vùng nước xoáy của cảm xúc, ngay cả khi con liên tục vức bỏ hết áo phao. Con cần ta bình tĩnh khi con làm ta muốn phát rồ, cần ta ở bên mà không cố gắng bày tỏ quan điểm, lý giải gì. Con cần ta hiểu rằng hoóc môn làm con hay quên và đãng trí. Con cần ta hiểu rằng để phát triển lành mạnh, con cần có cơ hội để phản biện. Con cần ta buông tay, “Dù còn sợ hãi, con đã sẵn sàng bước đi bằng chính đôi chân của mình”.

Đây là thời điểm con biết tới các nhóm bạn hay bè phái, cũng như những tình cảm trai gái đầu đời, trong một môi trường đòi hỏi chúng phải vững bước trước nỗi đau của sự phản bội, bỏ mặc và tan vỡ. Mỗi tình bạn để lại một dấu ấn lên tính cách của trẻ, góp phần nhào nặn lên bản ngã mà chúng đang trải nghiệm. Con cần ta ở bên, bình yên vững chãi, để con tự bơi qua từng đợt sóng cảm xúc. Con không cần ta “chấn chỉnh”, mà chỉ cần hiểu và thông cảm với những xáo trộn ở tuổi này. Nhờ đó, con học được cách chế ngự cảm xúc và tìm ra chiến lược để vượt qua. Dương như ta đang truyền tải cho con thông điệp, “Cho dù con thấy chơi vơi, vật lộn với cơ thể, lạc lối trong tâm hồn, ba mẹ sẽ luôn ở đây để con tìm về”.

Nếu ta bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc của con, để cho sự lo lắng của ta quật ngã, ta sẽ không thể giúp con định hướng vượt qua giai đoạn này. Kể cả khi ta phát điên và mất hết kiên nhẫn với việc con liên tục công kích cha mẹ, con cần ta bình tĩnh thông cảm rằng đây chính là điều mà chúng cần phải trải qua. Đối với ta có thể là vụn vặt, nhưng chúng lo lắng đủ thứ, từ ngoại hình, từ việc có bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu kẻ thù, việc cô giáo có đánh giá tốt về chúng, việc chúng có thông minh, đến việc có được mời dự một buổi tiệc hay có được ai mời cùng dự lễ tốt nghiệp. Giả sử như ta bảo con không cần lo lắng về những việc cỏn con đó, ta sẽ tự cô lập mình. Chúng ngay lập tức suy diễn rằng chính chúng không phải là người quan trọng. Nói cách khác, bài tập tâm linh của ta là làm sao giúp con thấy rằng đây là trạng thái bình thường và tán dương sự dũng cảm của con.

Một khía cạnh khác của áp lực xã hội là khái niệm về hội nhóm. Con có thể phải đánh đổi cả tâm hồn để mong muốn được gia nhập vào một nhóm nào đó. Bởi khát khao được thừa nhận, con có thể không trung thực với cảm giác của mình và ôm lấy giá trị của những người xung quanh. Khi ép mình trở thành một thành viên của “đội sành điệu”, ta sẽ lặng yên chứng kiến con chọn cách ăn mặc, nghe những dòng nhạc, hùa theo những quan điểm trái ngược với con người thật của con.

Có khi con vòi vĩnh những đồ chơi, những thời trang mới nhất. Con than khóc rằng tất cả bạn bè đều có, và rằng nếu không có thì con sẽ bị tẩy chay. Nếu ta ngã lòng vì muốn con hòa nhập, ta trở thành nạn nhân của những nhu cầu không bao giờ kết thúc, và tệ hại hơn, truyền cho con thông điêp rằng những yếu tố ngoại cảnh như vật chất và đánh giá của người khác có vai trò quan trọng trong đời sống của mình. Tuy vậy, nếu ta có thể từ chối và dạy con sống bằng giá trị của mình thay vì vật chất hay vị trí xã hội, con sẽ tránh được việc chạy theo đám đông một cách mù quáng.

– Trích từ sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức của Tiến sĩ Shefali Tsabary – 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.