Con cái luôn tạo ra cho ta những cảm xúc mãnh liệt, dường như ta mất quyền kiểm soát, bực bội, bất an và giận giữ. Vì vậy ta luôn bất đắc dĩ ngồi “hàng ghế đầu” trong sô diễn của sự thiếu trưởng thành.
Tất nhiên, con cái không phải là nguyên nhân “gốc rễ” của những cảm xúc này. Chúng chỉ đơn thuần đánh thức những vấn đề từ thời thơ ấu chưa được giải quyết của ta. Tuy nhiên, vì con cái yếu ớt và không biết kháng cự, ta cứ vô tư đổ lỗi phản ứng sai lầm của ta cho chúng. Sự chuyển hóa chỉ có thể diễn ra khi ta thừa nhận rằng nguyên nhân nằm ở sự vô minh của mình chứ không phải là con cái.
Vì đâu ta dễ bị kích động như vậy? Ta kế thừa của ông bà cha mẹ mình không chỉ những truyền thống, thói quen, mà còn cả những khuôn mẫu cảm xúc. Bởi ngay từ khi lọt lòng, trong trạng thái “nguyên sơ”, chưa có “cái tôi”, đồng nghĩa với việc chưa hình thành tính cách, ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi mọi năng lượng cảm xúc xung quanh. Ta tương tác trực tiếp với trạng thái năng lượng của bố mẹ, thẩm thấu mọi cách phản ứng với cảm xúc, cho đến khi nguồn năng lượng này trở thành khuông mẫu cảm xúc của chính ta. Những khuôn mẫu này sẽ tiếp tục được di truyền một cách vô thức cho thế hệ sau, trừ phi ở giai đoạn nào đó trong đời, ta thức tỉnh nhận ra phần năng lượng đã hấp thu từ bố mẹ tồn tại trong mình.
Vì không được bố mẹ hay xã hội chỉ dạy cách quán chiếu nội tâm và hiểu rõ gốc rễ của những vui buồn gặp phải, ta mãi bị cuốn theo hoàn cảnh bên ngoài. Vì không biết quan sát, không biết tôn trọng, dành thời gian và lớn lên với cảm xúc của mình, ta phản ứng với các xúc tác của môi trường bằng những cảm xúc tiêu cực và lún sâu vào vòng xoáy bi kịch.
Khi lớn lên, ta được dạy rằng phải kiềm chế những cảm xúc tiêu cực, cất những cảm xúc này vào một vùng tối của tâm hồn. Khi bị tách rời khỏi ý thức, cảm xúc của ta nằm ẩn tàng trong vô thức, sẵn sàng kích hoạt chỉ trong một chớp mắt, làm nhiều người đột nhiên bùng nổ không cần lý do. Ta phát điên mỗi khi những cảm xúc này bị “vùng tối” của đối phương kích động. Xin nhắc lại rằng nếu trong vùng tối của ta không chứa một phần những cảm xúc đó thì đâu ai có thể làm ta nổi giận? Nếu không nhận ra điều này, khi đối diện với vùng tối, ta đành tự “giảm đau” bằng cách trút thịnh nộ lên đầu người khác. Lúc đó, ta thấy đối phương là kẻ có lỗi. Ta sợ đối diện với những cảm xúc bị đè nén đến mức mỗi khi chúng nổi lên, ta lại thấy dấy lên những căm thù, tức giận, thậm chí muốn giết chết người đối diện.
Tại sao bố mẹ và con cái thường va chạm khi con đến tuổi vị thành niên? Tại sao những cuộc hôn nhân đổ vỡ? Tại sao xuất hiện thái độ phân biệt chủng tộc? Bởi con người bị tách rời khỏi những vết thương chìm sâu trong vùng tối của mình. Chẳng hạn, nếu hồi bé thường xuyên bị ăn hiếp, trừ khi giải tỏa được nỗi đau, ta không thể chấp nhận được nếu con cũng bị ăn hiếp. Đối diện với những tình huống đó, ta thường khắc sâu vào đầu con sự bất lực với cảm xúc của mình, hoặc là củng cố niềm tin rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng cũng không được phép thể hiện ra là mình dễ bị tổn thương. Kể cả khi thấy mình yếu đuối, con cũng phải cố tỏ ra mạnh mẽ. Những rắc rối xoay quanh quyền lực và sự kiểm soát của chúng ta bị trút lên đầu con cái bằng vô vàng con đường khác nhau như thế.
Mỗi khi bị “chạm nọc” ta lập tức tin rằng cả thế giới chống lại mình. Mặc dù cuộc đời luôn công bằng, ta cứ bị dày vò trong ý nghĩa rằng thế giới “ác cảm” với mình, hoặc là “phản bội” mình. Ta thấy cuộc đời luôn luôn tàn nhẫn với ta.
Thực ra, cuộc đời chẳng chống lại ta. Người làm tổn thương cũng chỉ là con người, một tình huống cũng chỉ là một tình huống. Chỉ bởi ta không hiểu rõ vùng tối của mình nên mới đổ lỗi và xem họ là kẻ thù.
Khi bị kích động, ta cần nhận ra năng lượng cảm xúc chính là dấu hiệu của vùng tối lẩn khuất trong ta. Nói cách khác, phản ứng cảm xúc chính là chìa khóa để ta quay vào trong, để dồn năng lượng cho sự phát triển của chính ta. Ngay khi hiểu ra mọi thứ đều là cơ hội phát triển nội tâm, mọi người xung quanh đều trở thành tấm gương cho cái tôi bị bỏ quên của ta. Mỗi thử thách trong đời đều tiếp thêm năng lượng. Khi gặp trở ngại, dù đó là vật hay việc, thay vì nhìn đối thủ, ta biết dừng lại và tự hỏi, “Ta thấy ta đang thiếu gì?” Ta nhận ra rằng cái thiếu trước mắt thật ra chính là cái đang thiếu trong lòng ta.
Nhờ vậy mà ta biết cảm ơn con người hay sự việc đó vì đã là tấm gương giúp ta soi thấy điều ta đang thiếu thốn. Ngăn cách giữa ta với người biến mất, bởi dù là một cá thể riêng biệt, người đó cũng đã trở thành tấm gương cho nội tâm ta. Ta nhận ra bài học tâm hồn này bởi cái tôi thực sự của ta luôn khát khao thay đổi trong mọi khoảnh khắc thường ngày.
Hành trình làm cha mẹ là cơ hội lớn lao cho sự phát triển tâm linh bởi chẳng có cuộc phiêu lưu nào mang lại nhiều cảm xúc như vậy. Khi vùng tối cảm xúc của mình được mang ra dưới ánh đèn sân khấu, việc làm cha mẹ giúp ta luyện tập phản ứng của mình.
Trên thực tế, hành trình làm cha mẹ sẽ trở thành trải nghiệm tích cực cho cả cha mẹ và con cái, bởi mỗi khoảnh khắc là sự tiếp xúc của hai tâm hồn và cả hai phía đều hiểu rằng mỗi người có một hành trình tâm linh riêng, tuy tay trong tay nhưng vẫn độc lập. Từ đây, cách ta phản ứng với mọi người xung quanh thay vì tiêu cực sẽ trở nên sáng tạo hơn.
– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –
Xem thêm >>> LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUYỂN HÓA VẾT THƯƠNG