LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUYỂN HÓA VẾT THƯƠNG

Cảm xúc đến với trẻ con một cách dễ dàng. Chúng đón nhận, rồi buông xả cảm xúc một cách tự nhiên. Cảm xúc đến rồi đi nhẹ nhàng như sóng nước.

Người lớn chúng ta lại thường không dám đón nhận cảm xúc. Ta thấy thật khó khăn khi muốn tha thứ cho những sợ hãi, lo lắng, mâu thuẫn, nghi ngờ và buồn bã. Vì thế, ta lẩn trốn bằng cách chôn sâu, kháng cự, hay đổ vấy lên đầu đối phương và tình huống trước mắt bằng những phản xạ tức thời. Nhiều người tìm cách né tránh cảm xúc bằng cách dựa dẫm vào kiến thức hàn lâm, phẩu thuật thẩm mỹ, tài khoản ngân hàng hay quan hệ xã hội. Có khi ta chuyển hướng bằng cách đổ thừa, hay nổi nóng với người mà ta cho rằng là nguyên nhân của tổn thương.

Một người sống tỉnh thức không chỉ bao dung, mà còn có thể chuyển hóa mọi cảm xúc của họ – xin nhắc lại, tất cả mọi cảm xúc của họ. Khi không biết tôn trọng cảm xúc của mình, ta cũng không biết tôn trọng cảm xúc của con. Ta càng sống càng sai lầm, con cái càng bóp chết cảm xúc và sai lầm giống ta. Nếu biết khuyến khích con trung thực với cảm xúc tự nhiên của mình, con sẽ không cần chối bỏ cảm xúc và trút lên đầu người khác. Vì vậy, nếu muốn dạy con sống có trách nhiệm, ta cần tôn trọng mọi cảm xúc, tránh việc hình thành vùng tối trong tâm hồn. Như thế, con hiểu rằng cuộc đời được dệt nên bởi sự kết nối giữa mọi hành động và mối quan hệ của con người.

Cũng cần lưu ý rằng, có sự khác biệt giữa phản xạ tức thời với cảm xúc và cảm nhận về cảm xúc. Chúng ta thường cho rằng khi ta tức giận hay buồn bã, tức là đang cảm nhận cảm xúc của mình. Trên thực tế, những lúc đó ta chỉ phản xạ. Cảm nhận cảm xúc thực sự nghĩa là có khả năng quan sát những mảnh vỡ mà ta đang trải nghiệm, không lẩn tránh hay chối bỏ, mà chỉ bao dung chấp nhận nó.

Cảm nhận về cảm xúc mà không phản ứng không phải là điều dễ dàng. Ta quá quen với việc bị điều khiển và phản ứng bởi suy nghĩ của mình. Chẳng hạn, ta ăn uống vô độ khi thấy lo lắng. Khi thấy tức giận, ta có nhu cầu xả áp và trút giận lên một ai đó.

Tuy việc ngồi yên quan sát suy nghĩ và cảm xúc của mình nghe có vẻ vô ích, nhưng chỉ có cách này mới giúp ta hiểu được cốt lõi của việc sống tỉnh thức. Khi lặng yên quan sát, ta biết cách chấp nhận chúng, cho phép chúng dâng lên và tan đi trong lòng mà không cần kháng cự hay phản ứng lại.

Dần dà, cảm xúc sẽ thôi làm ta choáng ngợp. Trạng thái buông xả, hoàn toàn khác với trạng thái đầu hàng, sẽ giúp ta nhìn ra nỗi đau cũng chỉ là nỗi đau, không hơn không kém. Đúng, đương nhiên là sẽ đau. Tuy nhiên, nếu ta không tiếp thêm dầu vào lửa bằng cách kháng cự hay phản ứng, mà chỉ quan sát nó, nó sẽ tự chuyển hóa thành hiểu biết. Sự hiểu biết của ta sẽ dần tăng trưởng song song với khả năng chấp nhận mọi cảm xúc của ta, dù đến từ bất cứ nguyên nhân nào. Cùng với nó, sự cảm thông cũng càng lớn dần với sự hiểu biết.

Khi biết cách chấp nhận hoàn toàn mọi trải nghiệm – bản chất của cuộc sống không phải lúc nào cũng theo đúng kế hoạch – ta biết cách khiêu vũ với cuộc sống. Khi con cái quan sát thấy cách ta khiêu vũ, chúng cũng hiểu rằng mình chỉ có thể lớn lên bằng cách cảm nhận cảm xúc. Chúng học cách chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực, thậm chí đớn đau, để cho không phần nào của tâm hồn bị lệch lạc.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Xem thêm >>> LÀM SAO ĐỂ CON VƯỢT QUA TỔN THƯƠNG?