NHỮNG NÚT THẮT CỦA SÂN HẬN

Trong tâm thức của chúng ta có những khối của niềm đau, của sân hận, và của bực bội, gọi là nội kết. Chúng cũng được gọi là những nút thắt, giây quấn, bởi vì chúng trói buộc, không cho ta được tự do.

Khi một người nào đó thoá mạ ta hay đối xử không tử tế với ta thì trong ta sẽ có nội kết. Nếu ta không biết tháo gỡ thì nội kết sẽ lưu lại rất lâu. Sau đó, nếu có ai lại đối xử không tử tế với ta như vậy thì nội kết đó sẽ lớn thêm. Nội kết hay những khối đau nhức có năng lực thúc đẩy, ép buộc ta trong khi hành xử.

Lâu ngày nội kết càng trở nên khó chuyển hoá, khó tháo gỡ, và chúng ta bị kẹt. Tiếng Sanskrit của danh từ nội kết là samyohana, có nghĩa là “kết tinh, đóng cục”. Tất cả chúng ta đều có nội kết cần được chăm sóc. Chính nhờ thiền tập mà ta tháo gỡ được nội kết, đạt được sự chuyển hoá và chữa trị.

Không phải nội kết nào cũng khó chịu. Có những nội kết êm ái nhưng nội kết êm ái cũng có thể gây nên đau khổ. Khi thấy, nghe, hoặc thưởng thức những gì ta thích, sự ưa thích đó sẽ có thể trở thành một nội kết. Khi những gì ta ưa thích không còn nữa, ta sẽ thèm nhớ và đi tìm. Ta để ra nhiều thì giờ và tâm lực để tìm hưởng lại những khoái lạc đó. Khoái lạc trong khi hút cần sa hay uống rượu sẽ tạo nên nội kết trong thân cũng như trong tâm, rất khó giải trừ. Càng ngày ta càng khát khao. Ta sẽ bị sức mạnh của nội kết thúc đẩy, chế ngự, ta không còn tự do.

Tình yêu là một nội kết rất lớn. Khi yêu, bạn chỉ nghĩ đến người yêu. Bạn không còn tự do. Bạn không làm được chi cả, không học bài, không làm việc, không thể thưởng thức một cảnh mặt trời huy hoàng hay một cảnh đẹp thiên nhiên. Bạn chỉ nghĩ tới đối tượng tình yêu của mình. Vì vậy chúng ta nói tới tình yêu như một tai nạn, như khi bị té. Khi yêu, bạn mất thăng bằng cho nên bạn “bị té vì yêu” (falling in love). Thế cho nên tình yêu có thể là một nội kết.

Xem thêm >>> DỪNG TẬP DƯỢT ĐỂ NÂNG NIU TÂM SÂN HẬN

Êm ái hay không êm ái, cả hai thứ nội kết đều làm cho ta mất tự do. Vì vậy cho nên ta phải cẩn thận bảo vệ thân tâm để cho nội kết không thể phát sinh. Ma tuý, rượu, thuốc lá tạo nên nội kết trong thân. Sân hận, thèm khát, ganh tị, thất vọng tạo nên nội kết trong tâm.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *