PHỤNG SỰ TỔ QUỐC

Chính quyền nước Pháp đã cố gắng hết sức để lo cho các người trẻ bạo động. Họ đã có ít nhiều tuệ giác. Họ biết rằng bạo động và khổ đau của những người trẻ có gốc rễ từ xã hội. Để biết cách đối trị ta phải biết lắng nghe như một vị bác sĩ lắng nghe bệnh nhân. Ta phải lắng nghe chăm chú nhịp sống của xã hội để có thể hiểu tại sao mà những người trẻ lại có quá nhiều bạo động, quá nhiều sân hận như vậy. Lắng nghe như thế ta sẽ thấy rằng gốc rễ của những bạo động và sân hận của những người trẻ bắt đầu từ gia đình, từ nếp sống hằng ngày của các bậc cha mẹ. Và gốc rễ của bạo động trong gia đình bắt nguồn từ tổ chức, lề lối tiêu thị của xã hội.

Chính phủ cũng là nhân dân. Chính phủ gồm có những người làm cha, làm mẹ, những con cái. Những người cha, mẹ, con cái đó mang trong mình họ những bạo động của gia đình mình. Vậy nếu vị thủ tướng của nước Pháp không thực tập nhìn sâu, không thấu được tâm sân hận, bạo động, buồn bực, khổ đau trong bản thân thì ông ta không thể hiểu được bạo động, sân hận và tuyệt vọng của thế hệ trẻ. Ông ta cũng còn phải hiểu những nhân viên trong nội các của ông, trong bộ Thanh niên, trong bộ Giáo dục…và thấy được những khổ đau của họ. Là những công dân, là chính quyền chúng ta phải hành động, nhưng hành động trên nền tảng nào? Trên nền tảng của sự hiểu biết vậy.

Nếu thực tập nhìn sâu để có thể thấy được gốc rễ của sân hận và bạo động trong xã hội, ta sẽ khởi lòng thương đối với người trẻ. Chúng ta sẽ biết rằng trừng phạt hay bắt nhốt chẳng giúp ích được gì. Đó là lời của thủ thướng Jospin. Vậy thì thủ tướng Jospin và chính phủ của ông quả đã có một vài tuệ giác. Nhưng với tư cách là công dân chúng ta phải giúp một tay. Chúng ta phải giúp phát triển tuệ giác ấy. Là nhà giáo dục, là cha mẹ, là nghệ sĩ, văn sĩ chúng ta phải thực tập để có đủ tuệ giác để giúp chính quyền.

Xem thêm >>> NHỮNG NÚT THẮT CỦA SÂN HẬN

Ngay cả khi không thuộc đảng phải đương quyền, ta cũng phải thực tập. Giúp đảng cầm quyền là giúp tổ quốc. Nếu bây giờ đương kim Thủ tướng nước Pháp có một cơ hội để cải thiện tình trạng của thanh niên nước Pháp, cách hay nhất để ông phụng sự quốc gia là đóng góp tuệ giác của mình và sự hỗ trợ thêm sự đóng góp của dân Pháp đủ mọi đảng phái. Ông phải ý thức rằng thương yêu, từ bi là cao cả hơn lập trường chính trị. Chính trị ở đây là chính trị có thông minh chứ không phải là chính trị phe phái. Chính trị phải có tính chất nhân đạo, mà mục đích là tạo an vui và chuyển hoá cho xã hội, chứ không phải chỉ có quyền lực.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.