Bố mẹ thường không chịu nổi khi con cái bị tổn thương về thể chất hay tâm lý. Đặc biệt khi đó là tổn thương tâm lý, ta chỉ muốn giải thoát cho con, một phần bởi ta không có khả năng xoa dịu nỗi đau của con. Ta gọi điện cho ông hiệu trưởng, ta quát tháo thầy cô giáo, ta phàn nàn với phụ huynh của người bạn đã làm con mình tổn thương mà không hay rằng điều này vô tình khoét sâu vào nỗi đau của con. Nó cũng làm củng cố sự bất lực trong việc bao dung với nỗi đau của con và của người khác.
Nếu ta muốn con làm chủ được cảm xúc, ta phải dạy con biết buông xả với hoàn cảnh mà con đang phải đối mặt. Điều này không giống như khi ta bị hút vào cảm xúc và phản xạ của ta. Buông xả nghĩa là chấp nhận dù ta đang ở trong trạng thái cảm xúc nào. Vì vậy, ta khuyến khích con cảm nhận cảm xúc. Ta khuyến khích con mở lòng để nỗi đau trong con có không gian hiện diện.
Một ví dụ của điều xảy ra với con khi ta không cho phép nỗi đau được hiện diện: Có một bé gái 8 tuổi, hơi mập một chút, gọng kính dày cộp, thường xuyên bị bạn bè chế nhạo. Lo lắng về ngoại hình của mình, bé cố gắng hòa nhập bằng cách đòi mẹ mua những áo quần, túi sách và giày dép hợp mốt nhất. Mẹ của bé, vốn là một phụ nữ sành điệu, luôn sẵn lòng chiều theo ý con. Trong những ngày bé về nhà đóng cửa bỏ ăn bỏ uống và khóc trong phòng, mẹ của bé cảm thấy thật khổ sở. Tự cảm thấy xấu hổ vì ngoại hình của con, bà quyết định mua cho con một máy tập chạy, thuê bác sĩ dinh dưỡng và ép con giảm cân. Bà đưa con đi làm tóc, mua kính áp tròng. Bà gọi điện đến trường, đòi gặp các thầy cô giáo và yêu cầu có biện pháp để con không bị bạn bè chế nhạo. Cùng với việc thường xuyên phải gặp bác sĩ tâm lý, dần dần bà cũng phải uống thuốc để an thần.
Người mẹ này hoàn toàn bất lực trong việc giúp con tự vượt qua nỗi đau vì chối bỏ cơ hội để con cảm nhận cảm xúc của mình. Thay vì đối diện với nỗi đau, bà tin rằng nếu có thể thay đổi bề ngoài, bạn bè sẽ chấp nhận con. Con sẽ nhầm tưởng rằng mình không thể chịu đựng nổi khi đương đầu và phải dấu kín những cảm xúc đau đớn trong lòng, hoặc “ngụy trang” bằng những “hành động” như đổ lỗi cho người khác hay cố thay đổi vẻ bề ngoài. Bởi mọi nỗ lực đều tập trung vào việc trốn tránh nỗi đau mà không quan sát nó, cô bé nhầm tưởng rằng vẻ bề ngoài của em quan trọng hơn thế giới nội tâm. Tất nhiên, bé phải có những công cụ cần thiết để đương đầu với sự chối bỏ này.
Khi được phép dành thời gian để cảm nhận, trẻ em có thể buông xả cảm xúc nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên. Qua khỏi cơn đau, chúng hiểu rằng “đau” cũng đơn thuần là mọi loại cảm giác. Biết trước nỗi đau sẽ đến còn đáng sợ hơn bản thân nỗi đau. Khi trải nghiệm nỗi đau trong dạng đơn giản, trần trụi của nó, mà không nhấn mạnh nó bằng sự kháng cự hay phản ứng thái quá, nỗi đau chuyển hóa thành sự hiểu biết.
Một khi cảm xúc đã được chuyển hóa, trẻ em không cảm thấy nhu cầu phải níu giữ như người lớn. Bằng bản năng, chúng hiểu rằng như thủy triều lên rồi xuống, nỗi đau cũng đến như một đợt sóng – sẽ tới và sẽ đi. Người lớn chúng ta cảm thấy nỗi đau như tồn tại mãi bởi tâm trí của ta gắn chặt với những vết tích của quá khứ. Tâm trí ta không biết cách buông xả.
Một trong những nguyên nhân là bởi ta không quen tự mình xử lý nỗi đau. Ta chỉ biết đỗ lỗi lên đầu người khác, trói chặt người xung quanh vào mớ bòng bong của ta bằng những hối hận, đổ thừa và tức giận. Hoặc ta tìm cách giải tỏa nỗi đau ra ngoài bằng những thói quen thiếu lành mạnh, từ đồ ăn, bia rượu hay chất kích thích. Bài thuốc đúng là dành thời gian quan sát, chứng kiến vết thương, quán chiếu rằng nỗi đau đang hiện hữu.
Khi con cái biết chấp nhận rằng nỗi đau là một phần tự nhiên không thể tránh khỏi của cuộc sống, chúng không quá sợ hãi và chỉ đơn giản thừa nhận, “Ta đang bị đau”. Thay vì tìm cách lý giải, đánh giá hay kháng cự, chúng dành thời gian quan sát nó. Khi con còn nhỏ, ta có thể dạy con bằng cách ngồi với con. Con sẽ nói chuyện với ta nếu cần. Khi đó mọi việc ta cần làm chỉ là một cái gật đầu, hoặc một câu nói đồng tình, “Mẹ hiểu”. Chẳng cần logic, không cần tán dương hay giục giã cho trải nghiệm đó chóng qua. Chỉ cần dành ra không gian riêng cho nó.
Ngoài ra, nếu nỗi đau kéo dài, ta cứ chấp nhận nó như một điều hiển nhiên, không cần quá bức xúc. Ta có thể nói về nó như một vật hữu hình, có màu sắc, dáng hình và trạng thái khác nhau. Ta không ép con mình phải “vui vẻ” khi nỗi đau còn biểu hiện. Điều quan trọng nhất là con cần phải trung thực với cảm giác của mình.
– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –
Xem thêm >>> TA CHỈ CÓ THỂ SỐNG MỞ LÒNG VÀ BUÔNG SẢ KHI BIẾT SỐNG AN NHIÊN (PHẦN 1)