TA CHỈ CÓ THỂ SỐNG MỞ LÒNG VÀ BUÔNG SẢ KHI BIẾT SỐNG AN NHIÊN (PHẦN 1)

Để phản hồi một cách tỉnh thức, trước hết ta phải chấp nhận rằng “con người tôi như thế” thực ra không phải là bản thể của mình, mà chỉ là sản phẩm của vô minh. Ý thức này càng lớn thì khả năng phản hồi của ta càng mạnh mẽ. Có thể ta không ngừng ngay được, nhưng bây giờ ta chỉ la mắng con tám phút thay vì mười phút. Bởi vì khi đang la mắng con, ta đột nhiên “bắt quả tang” sự thiếu tỉnh thức của bản thân mình.

Có thể ta vẫn còn lo lắng với mỗi hành động của con, nhưng thay vì một ngày bực bội vì tâm trí căng thẳng, ta biết cách tự trấn an chỉ sau một tiếng đồng hồ, bỏ thói quen phản xạ tức thời và dành thời gian quan sát sự lo lắng của mình.

Là cha mẹ, đến lúc nào đó, bạn cảm thấy bực bội vì mất kiểm soát trước mặt con, bạn nghĩ rằng bạn sẽ bị phê bình. Ngược lại, bạn có thể tự chúc mừng chính mình: “Bây giờ ta đã bước được một bước lớn, đó là nhìn thấy diện mạo của sự vô minh.” Đó thực sự là một bước tiến lớn lao, bởi đa phần mọi người không biết rằng phản xạ của họ là thể hiện sự thiếu tỉnh thức. Nhận ra điều này là một bước ngoặc lớn của đời người.

Sẽ không có gì phải bàn cãi rằng đôi lúc ta sẽ rơi lại vào trạng thái vô minh. Người làm cha mẹ biết cách lợi dụng sự cấp thiết của mỗi trạng thái vô minh để biến thành phương thuốc. Họ biết cách nhìn ra và thừa nhận mỗi lần “phản xạ”. Họ dũng cảm đối diện với sự vô minh. Họ sống với khẩu hiệu, “Thi thoảng, ta có thể bị kích động, bị choáng ngợp, bị rơi vào lối dạy con bằng cái tôi. Tuy nhiên ta sẽ rút ra bài học từ mỗi dịp đó để phát triển bản thân mình và giúp con trưởng thành.”

Là cha mẹ, ta thường bắt buộc phải phản xạ ngay lập tức với con, hành động một cách bản năng, thường là không kịp suy nghĩ. Chỉ trong tích tắc, ta đã kích hoạt một cơ chế phản ứng nào đó, và thấy mình ở trong tình thế bất lợi khi giao tiếp với con cái.

Có lần, tôi làm việc với một người bố đơn thân, Peter, người đang trong thời kỳ khó khăn với cậu con trai 15 tuổi của mình, Andrew. Mối quan hệ của họ đã tới trạng thái đổ vỡ. Andrew đang có những dấu hiệu điển hình của một thanh niên mới lớn nổi loạn – lạnh nhạt với bố, chỉ thích giao lưu với bạn bè, thức khuya chat chit trên máy tính, không làm bài tập và bỏ học.

Peter phát điên. Khi Andrew còn bé, hai bố con đã từng rất thân thiết. Vậy mà trong vài năm trở lại đây, mỗi lần nói chuyện là hai người cãi nhau. Có lúc, Andrew đòi chuyển đến sống với ông bà ở bang khác mà Peter không đồng ý vì ông bà đã lớn tuổi. Ngày qua ngày, hai bố con cãi vã từ chuyện việc nhà đến chuyện làm bài tập về nhà của Andrew, vì Andrew khăng khăng đã làm xong dù cậu bé chưa hề mở vở ra.

Trong một buổi tối căng thẳng, Peter đe dọa sẽ từ mặt con và tức giận bỏ ra ngoài. Anh gọi điện cho tôi, “Tôi đã chạm giới hạn rồi. Thằng bé này hoàn toàn chống đối tôi. Tôi đã dẹp hết mọi thứ để có thời gian cho con. Vậy mà nó chỉ ngang bướng và cứng đầu. Nó không hề thiện chí. Tôi phát điên vì cách nó cư xử với tôi. Nếu nó không muốn làm con tôi, tôi cũng không cần cố nữa. Tôi cũng bỏ cuộc luôn. Kể từ hôm nay, tôi sẽ không yêu thương hay kiên nhẫn nữa. Tôi sẽ cho nó biết tay.”

Bởi vì không nhận ra mình đang trong trạng thái phản xạ tức thời, Peter càng căng thẳng hơn. Sau khi kết thúc cuộc gọi, anh trở lại phòng con, rút máy tính khỏi ổ cắm và ném xuống sàn. Khi Andrew phản đối, Peter tát vào mặt con và tuyên bố rằng anh hối hận vì đã sinh ra Andrew.

Peter trải qua giai đoạn mà vô số cha mẹ đã gặp phải. Mặc dù có thể thông cảm cho phản ứng của cha mẹ trong những tình huống này, nhiều khi ta quên mất rằng cơ chế này đã hình thành từ nhiều năm về trước. Cuộc chiến của ý chí và nhu cầu kiểm soát đã leo thang trở thành cuộc đối đầu giữa hai người ruột thịt.

Peter tự để mình mất hoàn toàn kiểm soát bởi anh rối bời trong bi kịch cảm xúc, trong cách diễn giải về hành vi của con và trong cảm giác bất lực. Khi hành động xuất phát từ nhu cầu quyền lực và kiểm soát như vậy, ta quên hỏi bản thân, “Con cần gì mà ta chưa đáp ứng được?” Người cha này từ lâu đã ngừng lắng nghe điều mà con thật sự cần ở mình.

Có thể Andrew đã khơi lại trong Peter về quá khứ của anh, lặp lại những thiếu sót mà anh đã cố gắng sửa chữa trong nhiều năm qua. Có thể anh quá ám ảnh bởi quyền lực đến nỗi không thể chấp nhận con đi lệch với kỳ vọng của mình. Có thể  anh quá sùng bái chủ nghĩa hoàn hảo đến mức không thể chấp nhận con mình có vết xước. Cũng có thể Peter nhìn thấy con là sản phẩm lỗi lầm của mình, bởi việc ly hôn với mẹ của Andrew từ nhiều năm về trước. Dù nguyên nhân là gì, rõ ràng, Peter đã tự hành hạ bản thân để rồi sa vào cách phản ứng của cái tôi. Andrew, như mọi đứa trẻ khác, bị cuốn vào vòng xoáy vấn đề của bố.

Peter tự suy diễn ra nhiều lời giải thích cho hành vi của con, tất cả đều nhắm vào bản thân mình. Những diễn giải đầy định kiến như, “con tôi không quan tâm đến cảm xúc của tôi”, “con tôi thiếu tôn trọng tôi”, hay, “con tôi cố tình ngang bướng”. Đây là cách hầu hết chúng ta phản ứng với những tình huống khó chịu cho dù cách diễn giải đó không hề phục vụ cho việc hàn gắn trạng thái tâm lý của ta.

Mỗi khi tự suy diễn về hành động của người khác, ta đều có xu hướng tự buộc mình vào một mớ bòng bong cảm xúc. Nếu biết nghĩ một cách khách quan, trung lập, ta đã không bị đau khổ bởi những cảm xúc tiêu cực.

Cách nghĩ của Peter hoàn toàn từ lập trường chủ quan, chứ chưa nói đến nhu cầu tò mò tìm hiểu hành vi của con. Không có chút suy nghĩ nào nhắc đến “con tôi đang đau khổ và cần giúp đỡ”, “con tôi không biết cách xử lý tình huống và đang cầu khẩn sự giúp đỡ”, hay “con cần sự kiên nhẫn của tôi khi đang trải qua giai đoạn khó khăn của quá trình định hình tính cách”.

Những cách diễn giải chủ quan chỉ tạo ra nhu cầu kháng cự, bóp chết khả năng nhìn nhận bản chất như nhiên của tình huống.

Phản hồi đúng không chỉ tạo ra lòng bao dung, mà còn tạo ra sự tôn kính của đối phương.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Xem thêm >>> TA CHỈ CÓ THỂ SỐNG MỞ LÒNG VÀ BUÔNG SẢ KHI BIẾT SỐNG AN NHIÊN (PHẦN 2)