KARMA YOGA – CON ĐƯỜNG HÀNH ĐỘNG – CON ĐƯỜNG HỢP NHẤT

Con người có thể hoạt động cả đời hòng tìm kiếm sự giàu sang nhưng họ vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Càng kiếm được, họ lại muốn có nhiều hơn vì lòng tham thì vô đáy. Đó chính là lấy dầu để dập tắt lửa.

Có càng nhiều thì lại càng lo mất đi, không có thì lại muốn được nhiều. Càng thu nhập nhiều bao nhiêu, sự lo lắng, buồn phiền càng nảy sinh nhiều bấy nhiêu cho đến lúc con người thấy mệt mỏi, chán chê, cay đắng và hiểu được rằng không bao giờ có thể thỏa mãn với của cải vật chất.

Trí tuệ cổ xưa khuyến khích con người hoạt động thay vì bất động. Trên con đường này, con người sẽ đối mặt với rất nhiều ham muốn hay dục vọng để thúc dục họ hoạt động thông qua một khí lực khác, ngược lại với sự bất động. Khí lực này là sự hoạt động (rajas), nó tạo ra những ham muốn, dục vọng để thúc đẩy con người hành động. Với lòng ham muốn, con người lại hoạt động quá mức. Lòng tham tạo ra những khí lực dồi dào, hung hăng khiến họ lao vào nhiều hoạt động để thỏa mãn sự đòi hỏi. Những người này sẽ đi tìm những thứ bên ngoài, họ thu thập, vơ vét, gom góp tích trữ cho thật nhiều vì nghĩ rằng họ sẽ sung sướng với những thứ vật chất đó. Thật ra đó chỉ là lòng ham muốn, sự ích kỷ, chịu ảnh hưởng bởi khí lực (rajas) vô minh mà thôi.

Trong giai đoạn này, yếu tố quan trọng nhất mà họ phải học là sự đau khổ. Tất cả những người tham lam, ích kỷ đều phải trải qua bài học về sự đau khổ. Do đó mới có một quy luật gọi là luật Nhân quả. Mọi hành động gây ra đều có phản lực dội lại, gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy.

Hiện nay đa số nhân loại đều đi trên con đường này. Vì họ chưa tìm được niềm hạnh phúc thật sự bên trong nên họ phải tìm vui qua sự sở hữu, chiếm đoạt tài sản vật chất bên ngoài, bởi thế mới có sự bóc lột và chiến tranh. Qua các biến cố này, con người mới thấm thía đau khổ là gì, nhưng để học được bài học, họ phải trải qua nhiều kiếp nữa vì đây là một bài học rất khó tiếp thu trọn vẹn.

Vậy phải làm gì?

Không phải cứ từ bỏ đời sống thành thị để vào rừng sâu hay từ bỏ vật chất là có thể đổi lấy được sự an lạc tinh thần. Cũng như nhiều tu sĩ không màng tài sản vật chất nhưng lại muốn người đời xưng tụng đề cao. Đổi thứ này lấy thứ khác, nghĩ là vẫn còn ham muốn.

Bạn phải tiếp tục đi trên con đường hành động vì chỉ thông qua hành động mới có thể học hỏi, thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn và hoàn thiện hơn. Bạn có thể sống ở thành thị như mọi người nhưng phải biết cách thoát ra khỏi màn sương ảo ảnh của sự vô minh. Bạn vẫn làm việc như mọi người nhưng trong tâm đã biết xả ly, dứt bỏ mọi ràng buộc. Bạn không từ bỏ bổn phận của mình trong gia đình hay trong xã hội, nhưng bạn hành động với một mục đích khác. Bạn có thể giàu có, tài sản đầy nhà nhưng không thiết tha với nó. Bạn coi mình như là người được ủy thác quản lý tài sản đó chứ không phải là chủ nhân. Bạn hành động vì quyền lợi chung chứ không phải vì mục đích ích kỷ cá nhân. Nói cách khác, bạn làm việc để giúp đời chứ không phải thu vén lợi ích cho riêng mình.

Tuy nhiên,

Trong giai đoạn này có một khuynh hướng thực tế xảy ra vì làm việc tốt cũng có thể ẩn chứa mục đích cá nhân, bắt nguồn từ những động cơ vi tế nằm sâu thẳm trong nội tâm mà không mấy người biết rõ. Có người làm việc để giúp xã hội nhưng muốn thành công và sợ thất bại. Họ lo lắng về kết quả, do đó động cơ họ làm vẫn bắt nguồn từ sự ham muốn. Họ lo sợ khi việc không thành và vui sướng khi đạt được thành tựu. Từ đó, hy vọng được mọi người biết đến việc làm của mình, hay được đề cao. Kết quả là làm việc đó, dù là việc tốt, vẫn ẩn chứa một ham muốn riêng tư cho bản thân. Đó là một tham vọng vi tế nằm sâu bên trong bản ngã. Bất cứ việc làm nào mà có yếu tố cá nhân xen vào thì người làm sẽ bị ràng buộc bởi hành động hay kết quả. Do đó, họ vẫn chưa thoát khỏi vòng kiềm tỏa của khí lực vô minh (rajas).

Chỉ khi nào người làm không thấy mình làm, không thấy việc làm, không thấy hay không mong cầu kết quả của hành động, dù là sự biết ơn hay cảm mến thì mới thật sự là người đi đúng con đường Karma Yoga. Khi đã dứt bỏ hoàn toàn, không hoạt động để được một thứ gì đó ở thế gian, cũng không hoạt động để được một thứ gì đó ở cõi trên, không hoạt động để đạt được một thứ gì đó ở kiếp này, không hoạt động để được mọi người biết đến, không hoạt động để được phần thưởng tinh thần mà hoạt động âm thầm không màng đến kết quả, thành công đến cũng được mà thất bại đến cũng không sao, lúc nào cũng hoạt động nhưng tâm hồn bình thản như không có chuyện gì xảy ra, đó mới chính là sự quân bình cần thiết để hoàn tất bài học Karma Yoga (con đường hành động).

Khi biết thản nhiên với thành công cũng như thất bại, trong lúc vui cũng như buồn, trong khi vinh cũng như nhục, trong tình thương cũng như oán hận thì họ đạt đến trạng thái quân bình, không bất động (tamas) và cũng không náo động (rajas), vì hành động “vô sở cầu” là bài học quan trọng của con người trên con đường Karma Yoga. Những người này thản nhiên và bình tĩnh trước mọi sự trong đời vì hành động chính là bổn phận. Họ không tìm kiếm hành động khi nó không đến, không từ chối hành động khi nó xảy ra, mà vui vẻ hành động khi bổn phận bắt buộc và bình thản trước mọi kết quả.

Những người này dù ở trong cung vàng điện ngọc, ăn cao lương mỹ vị, sống giữa châu báu ngọc ngà nhưng họ vẫn an nhiên tự tại. Nếu họ sống trong lều tranh chiếu rách, ăn bữa có bữa không, sống như kẻ bần cùng thì tâm hồn vẫn bình thản trước mọi thăng trầm. Khi sự vật bên ngoài đến, họ không xua đuổi; khi chúng rời đi, họ không tiếc nuối vì họ có thể sống trong mọi hoàn cảnh. Không gì khiến họ đam mê, không gì khiến họ bận tâm, không gì khiến họ lo lắng mà lúc nào họ cũng ung dung tự tại vì biết rằng tất cả chỉ là những ảo ảnh chập chờn của vô minh (guna).

Ai sống được như thế là đã đi trọn vẹn con đường hành động Karma Yoga và tiến đến chỗ mọi con đường đều hòa thành một và hợp nhất với nguồn sống thiêng liêng vô tận kia. Những người này đã cởi bỏ được những ô trược của bản ngã, đã gọt sạch được dục vọng và nhìn thấy rõ mọi sự trên thế gian này có mối liên hệ với nhau như thế nào. Họ thấy rằng vũ trụ này là một cái gì đó thật mỹ lệ, không bút mực nào có thể tả xiết. Lúc đó, họ hưởng được niềm phúc lạc vô biên, niềm hân hoan sung sướng mà Phật giáo gọi là sự hòa hợp “bản ngã vào với chân ngã”.

– Trích từ sách Muôn Kiếp Nhân Sinh, tác giả Nguyên Phong –