HÀNH TRÌNH TÌM VỀ CHÍNH MÌNH

Cho dù tưởng tượng về hành trình làm cha mẹ như thế nào – đầy màu hồng với mùi cơ thể của con, cảm giác dễ chịu khi ôm con, cảm giác về gia đình và sự tiếp nối – khi con ra đời, những tưởng tượng ấy đều sụp đổ.

Vì con cần được chăm sóc 24/7, những năm tháng đầu đời đối với bố mẹ vừa phấn khích vừa mệt mỏi, vừa vụt vặt lại vừa phi thường. Việc đáp ứng mọi nhu cầu của con là một trách nhiệm tâm lý và tình cảm lớn lao, có thể vắt kiệt sức lực và sự tỉnh táo, đặc biệt nếu không có sự giúp đỡ bên ngoài. Nếu công việc bấp bênh, ta có thể bị đẩy quá ngưỡng chịu đựng. Ta nhận ra rằng thời gian của mình không còn thuộc về mình, và cuộc sống của mình cũng không thể gọi là của mình nữa. Một con người khác đang ngồi ghế lái, với những nhu cầu khẩn thiết hơn của ta.

Mối quan hệ ta chia sẻ với con chỉ có thể là một vũ điệu thân mật, sâu sắc, đầy năng lượng với sự kết hợp của những tâm hồn và số phận. Khi hiểu ra điều này, bằng từng bước nhỏ, con sẽ cùng ta khiêu vũ đến phần sâu thẳm của tâm hồn. Mọi cảm xúc đều tăng lên một mức mới: tình yêu, tội lỗi, đau khổ, bối rối, bất an, kiệt sức. Ta bị buộc chặt vào quỹ đạo của sự cho đi không ngừng nghỉ, đối diện với những phần cao quý và thấp hèn nhất của tâm hồn, bởi chưa bao giờ phải chăm sóc cho một người khác nhiều đến vậy. Ta phát hiện ra ở trong ta có khả năng yêu thương, chia sẻ, phụng sự và tương ứng là nhu cầu kiểm soát, quyền lực và cả nhu cầu được công nhận.

Vì trẻ sơ sinh luôn sống trong hiện tại, không thể đoán trước, nếu muốn gắn kết với con, ta không thể giữ lấy những ảo tưởng của chính ta về thế giới. Đối với con, mỗi khoảnh khắc đều hoàn toàn mới, không có lịch trình cụ thể. Đêm hôm nay con có thể thức hàng giờ, nhưng đêm mai lại ngủ say. Vừa cáu bẳn một phút trước, đến phút sau lại vui vẻ khỏe mạnh. Sáu tháng đầu tiên bắt buộc ta chấp nhận sự lên xuống liên tục cho đến khi những thói quen thành hình. Thời kỳ trẻ sơ sinh thực sự là thời kỳ như nhiên, nên mọi kháng cự chỉ là vô vọng và hao tổn năng lượng. Con luôn là người nằm quyền điều khiển mọi lịch trình và nhu cầu. Chúng ta chỉ nên tồn tại để phụng sự.

Sự phục vụ đó cũng có lợi cho ta. Trong sự chăm sóc hằng ngày dành cho con, ta khám phá ra rằng trái tim mình có thể mở rộng vô biên cho tình yêu thương và lòng cảm thông vô điều kiện. Việc luôn sống trong hiện tại với con là một thử thách lớn bởi ta chưa quen với việc điều chỉnh liên tục theo nhu cầu của một người khác. Những người đủ dũng cảm đương đầu với thử thách này khám phá ra rằng việc phụng sự giải phóng ta khỏi cái tôi, cho ta cơ hội sống trong một thế giới không có cái tôi. Con đưa ta ra khỏi những nhu cầu hạn hẹp của chính mình, làm ta thân thuộc hơn với vô ngã.

Trong giai đoạn này việc làm chủ cái vô ngã là cực kỳ quan trọng bởi trải nghiệm về nội tâm của con chỉ có thể có được thông qua hình ảnh phản chiếu trong ánh mắt cha mẹ. Hãy tưởng tượng khi con khó chịu, thay vì nhìn thấy ánh mắt lo lắng, con sẽ nhầm lẫn cảm giác nếu thấy mẹ cười hoặc giận dữ. Ngược lại, nếu mẹ thể hiện sự cảm thông qua giọng nói ôn tồn và ôm ấp bao dung, con sẽ thấy cảm xúc của mình là đúng đắn và bình tĩnh lại. Đó là cách con học về sự tự chủ.

Có đôi khi ta không phản hồi con đúng mực bởi những định kiến tâm lý. Ta mãi lo toan những vấn đề của riêng mình nên không thực sự chú ý đến con. Khi đang buồn rầu, rất có thể ta không phản hồi niềm vui với con được. Những lúc như vậy, ta tự thấy những câu hỏi trong lòng, “Làm sao ta bình tĩnh khi trong lòng bão dông? Làm sao ta cười với con khi trong lòng đang khóc? Làm sao ta trấn an con khi chính mình run sợ? Làm sao ta giúp con tìm thấy mình khi chính ta đang lạc lối?” Những khoảnh khắc như thế thi thoảng vẫn xảy ra. Nhưng để chăm sóc một em bé sơ sinh, ta phải tạm gác trái tim buồn bã hay tâm hồn đau thương sang một bên để tập trung vào nhu cầu của con. Những lúc như thế, ta chỉ có thể thoát ra khỏi khổ đau bằng cách đi xuyên qua nó. Ta chỉ có thể để nỗi đau hiện diện và sống với nó hết mức có thể.

Dạy con tỉnh thức nghĩa là cùng nhau lớn lên chứ không chỉ là “luôn luôn đúng”. Trẻ con rất rộng lượng và không bao giờ hư hỏng đến mức không thể sửa chữa sau mỗi sai lầm của ta. Ngược lại, chúng học cách chấp nhận những giới hạn của chúng thông qua quan sát ta chấp nhận những giới hạn của mình.

Trong quá trình miệt mài chăm sóc con, tôn trọng chúng như người bạn, người đồng hành tâm linh, ta có thái độ khiêm nhường và biết ơn. Ta cho đi bởi ta đã nhận được rất nhiều. Nhờ vậy ta tự tạo ra một vòng tuần hoàn của tình thân và sự tái tạo về mặt tinh thần.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.