CON TRAI, MẸ XIN LỖI CON

Khóa học Kỷ Luật Yêu Thương diễn ra ngày 22-23/10/2022 là khóa học về nuôi dạy con và với bản thân tôi, nó còn hơn cả như vậy. Bởi vì, tôi được kết nối với những nỗi khổ niềm đau còn dang dở nơi trái tim mình.

Mặc dù ba tôi còn sống, tôi không có sự kết nối nào với ba. Trong vô thức tôi chạy theo mẹ, muốn làm chồng của mẹ để bảo vệ người mẹ bị chồng bỏ rơi. Còn đối với mẹ tôi, có lẽ tôi là tội đồ của cuộc đời bà chăng?

Đứa trẻ trong tôi là: bị bỏ rơi, bị đóng băng, bị mạt sát…

Con muốn nói với ba mẹ:

“Con nhỏ, ba mẹ lớn. Con cần tình yêu của ba mẹ. Xin đừng bỏ rơi con. Xin hãy ở bên con. Xin hãy bảo vệ con. Xin hãy khích lệ con.”

Trong khóa học KLYT vừa qua, khi tôi chọn bốc tấm hình số 1 và nhận được tấm số 2, số 3 từ bạn học. Thật bất ngờ, 3 tấm hình này liên kết thông điệp với nhau; và khi tôi cầm tấm hình số 3 để đặt lại vị trí của những tấm hình thì vị trí của tấm số 1 đã chờ sẵn để tấm số 3 được đặt vào, thật kỳ diệu. 3 tấm hình với thông điệp nối nhau, thể hiện một bước tiến của các thế hệ nối tiếp nhau.

Tôi tự giả định rằng, mẹ tôi, nếu là một người mẹ có đủ tỉnh thức, sẽ nói với tôi:

“Mẹ xin lỗi con, khi mẹ sinh ra đã ở trong một hoàn cảnh tồi tệ, con hãy nhìn mẹ xem, mẹ đã ở trong hình hài của nỗi sợ. Và mẹ cũng không thể nhận biết một cách đầy đủ về những tổn thương của mình để có thể kể cho con, đó có thể là: gia đình đông anh chị em, có anh chị đã qua đời trước khi mẹ được sinh ra, ba mẹ của mẹ cũng có những tổn thương; trong một gia đình đông con khi mà người chồng đi buôn bán thì mẹ của mẹ đã rất vất vả để có thể chăm sóc cho cả chục anh chị em… Tất cả những tổn thương từ thế hệ đi trước, từ hiện trạng gia đình, từ môi trường sống đã đè lên mẹ, ăn mòn mẹ từ lúc nào mẹ không hay nữa.

Là một người con gái nhạy cảm, mẹ cũng đã có tình cảm với người con trai khác dù chưa chính thức xem nhau như người yêu, nhưng mẹ đã bị ông ngoại gã cho ba con, vì ông ngoại tin rằng ba con là người tốt.

Vì luật lệ cuộc sống khi đó (cha mẹ đặt đâu con ngồi đó), vì mẹ yếu đuối để phản quyết, mẹ đã không được chọn lập gia đình với người mà mẹ dành tình cảm.

Khi về làm dâu, gia đình chồng cũng có những lề thói riêng, mẹ đã phải tập làm quen, điều đó khó khăn với mẹ. Ba con cũng không phải là người chồng tốt. Ba con không đưa cho mẹ đủ tiền để lo cho cuộc sống chung, cách đưa cũng không thể hiện là người đàn ông rộng lượng (nói đúng là bủn xỉn), sinh con ra ba con cũng không đưa một đồng nào để trả viện phí, ông ngoại đã là người trả số tiền đó.

Khi mẹ mang thai con, mới sinh con ra đời, ba con và bà nội đã đi coi bói và xác định rằng “con không thể ở gần ba, nếu con ở gần sẽ làm ba con bị thiệt hại/ bị chết”. Sinh con ra được 5 ngày, ba con đã đi cùng người phụ nữ khác (sự thật là mối quan hệ đó diễn ra từ trước khi con ra đời). Sinh con ra, mẹ đã cố gắng bồng bế con đi tìm ba con về… Thế rồi, vài tháng sau đó, mẹ với sự tuổi hổ và đau đớn chất chồng đã đành rời gia đình vào TPHCM để lại con nơi quê nhà; còn ba con thì đi cùng người phụ nữ ấy và đứa con đầu lòng lớn hơn con trai của mẹ một tuổi đến một vùng đất khác.

Đối với mẹ, mẹ hay nói với con là “cuộc sống ở quê hương quá khó khăn, mẹ buôn bán cũng không được nên phải vào TPHCM mưu sinh để gửi tiền về nuôi con”. Thực tế, mẹ trốn chạy khỏi nơi đó vì mẹ không thể chịu đựng nổi tất cả mọi thứ đau đớn đổ dồn lên mẹ. Mô thức này đã lập lại với người em trai của con một lần nữa, em Nhật Anh. Mẹ xin lỗi hai con!

Mẹ vô TPHCM cũng đã sống ở tận cùng của xã hội, mẹ ở đợ cho nhà người ta, mẹ ăn sau cùng, lúc nào trong bản thân mẹ cũng có phần của sự tủi hổ. Con biết không, một số chủ nhà ngày xưa đó thật sự khó chịu, họ nói những lời tổn thương mẹ.

Thế rồi, năm con 8 tuổi, ông ngoại đã mất, con vào TPHCM sống cùng mẹ. Mẹ vẫn đi làm người giúp việc nhà, từ chủ thuê người Việt Nam cho đến Hàn Quốc, có quãng thời gian 4h30 mẹ đã thức giấc đi làm đến tối 7h mới về, có quãng thời gian mấy năm liền mẹ ở lại 1-2 tuần mới về một lần. Mẹ không có kiến thức, chỉ cố gắng bám víu vô môt công việc và thứ mẹ có thể nắm bắt tốt hơn đó là làm cho chủ người Hàn Quốc.

Mẹ còn nhớ khoảng năm con 10 tuổi đến 20 tuổi, mẹ có ở cùng người mà con gọi là ba dượng, chắc con còn nhớ, được vài năm đầu cũng tương đối tốt, rồi sau đó người này cũng giống ba con, bủn xỉn và phụ bạc.

Thế rồi, cuộc sống cứ tiếp diễn, dù khó khăn, con trai của mẹ với nghị lực và lòng dũng cảm phi thường đã khởi nghiệp thành công, mẹ không còn phải đi làm nữa và vì những mâu thuẫn của mẹ con mình ngày càng lớn, con đã ra ở riêng. Rồi con lập gia đình, dù vậy mẹ vẫn thỉnh thoảng, tiếp tục, một cách trực tiếp, nói những lời cay độc làm tổn thương con. Mẹ tệ lắm, phải không con?

Mẹ xin lỗi con, mẹ sinh ra đã gần như ở tận cùng, không được người lớn giáo dục tốt và không có được môi trường giáo dục tốt dẫn đến mẹ vô minh. Mẹ đau khổ và cũng không có ai chỉ mẹ làm thế nào để chữa lành nổi khổ niềm đau trong mẹ, không có ai chỉ cho mẹ làm sao để trở thành người mẹ tốt. Mẹ thực sự không có gì để cho con trai của mẹ; ngoại trừ lo cho con miếng ăn để không bị chết đói. Mẹ thậm chí đã coi con là kẻ thù. Vì có con mà cuộc sống của mẹ mới tệ hại như vậy. Mẹ đã trút giận lên con.

Mẹ xin lỗi con! Rất nhiều, con trai! Mẹ không cố ý làm con tổn thương.”

Sài Gòn 1/11/2022

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.