Khi có niềm tin rằng cuộc đời sẽ gửi sứ giả đến báo cho ta về cái Tôi đích thực của mình, ta sẽ bao dung với con và thông điệp con cái muốn ta đón nhận. Ta thôi đánh giá, đổ lỗi hay né tránh vì chúng rọi sáng sự vô minh, mà ta sẽ tận dụng cơ hội để học hỏi với sự khiêm nhường và lòng biết ơn. Con cái xuất hiện giúp ta từ bỏ cái tôi và tìm lại được bản thể chân thật của mình.
Người lớn hiếm khi tin tưởng con cái bởi bản thân chúng ta không có niềm tin vào sự mầu nhiệm của cuộc sống. Vì vậy, cả xã hội tin rằng “sự tin cậy” là thứ phải giành lấy mới được.
Con cái không cần giành lấy sự tin cậy của ta, mà chúng cần hiểu rằng ta tin tưởng tuyệt đối vào bản chất tốt đẹp của chúng. Con đã có quyền được tin cậy ngay khi con xuất hiện. Chính cái tôi yếu đuối, thèm quyền lực của ta bắt con trẻ phải nỗ lực giành lấy niềm tin đó.
Để có niềm tin tuyệt đối nơi con cái, là cha mẹ, chúng ta cần có một mức độ kính ngưỡng nhất định đối với cuộc đời. Đức tin của ta sâu đến đâu, con cái sẽ cảm nhận được độ tin cậy của ta dành cho con đến chừng đó. Với tâm thế cuộc sống nhiệm màu, ta hiểu rằng mọi điều của cuộc sống đều tốt đẹp và kể cả con cái ta cũng thế. Ta tin rằng mọi lỗi lầm đều xuất phát từ một ý định tốt đẹp. Nếu vậy, tại sao ta không thể đặt niềm tin nơi con cái? Ngược lại, nếu ta luôn lo lắng và nghi ngờ rằng mình không thể chuyển hóa những thử thách trong đời thành những bài học quý giá, cho dù ta trấn an con bằng bất cứ cách nào, con vẫn sẽ chỉ tiếp nhận trong vô thức rằng cuộc đời không ổn.
Mức độ tin tưởng của cha mẹ dành cho con được truyền tải theo những cách cực kỳ tinh tế. Chúng nằm trong mỗi câu hỏi ta dành cho con, những lời dạy dỗ và những lời khuyên răn không đúng lúc. Chẳng hạn, nếu liên tục hỏi han con có ổn không, với giả định rằng chúng ta đang trải qua một vấn đề khó khăn, ta vô tình chuyển đi thông điệp của sự bất an và thiếu niềm tin ở cuộc sống. Khi liên tục kiểm tra, theo dõi con, hay tìm hiểu cặn kẽ mọi chi tiết trong thế giới của con, ta chuyển đi thông điệp của sự thiếu chắc chắn, đồng thời tiêu diệt cả niềm tin trong bản thân con. Nếu ta càng bớt việc kiểm soát con một cách đầy lo lắng, ta càng làm cho con hiểu rằng bố mẹ tin tưởng con hoàn toàn có thể tự chăm sóc cho bản thân và biết cách yêu cầu sự trợ giúp khi cần đến.
Khi quyết định giúp con mà không để cho chúng tự vạch ra lối đi, ta cho con thấy sức mạnh của ta và sự yếu đuối của con, làm con thiếu tin tưởng bản thân mình. Ngược lại, nếu ta tạo điều kiện đóng góp và tôn trọng ý kiến của chúng, kể cả khi những ý kiến đó không được sử dụng, thì ta vẫn truyền tải được thông điệp rằng ta tin tưởng khả năng đóng góp của con vào vấn đề trước mắt. Con cái có thể cảm nhận được nếu ta có niềm tin chân thành và tuyệt đối ở ý kiến và lựa chọn của con. Ta phải nhận ra rằng, dù còn rất nhỏ, những ý kiến của chúng cũng có thể đúng và luôn được ta cân nhắc. Khi trẻ thấy sự hiện diện của chúng có ý nghĩa quan trọng, chúng sẽ tin tưởng vào tiếng nói nội tâm của mình.
Niềm tin được củng cố mỗi khi ta khuyến khích con phát biểu ý kiến và được lắng nghe. Chúng tin tưởng bản thân mình khi ta khen ngợi, “Ba rất vui khi con sắp xếp được tư duy mạch lạc. Ba tin rằng con sẽ làm điều đúng đắn”. Nếu chẳng may con có một sai lầm, ta không để một quyết định sai đó làm giảm bớt niềm tin nơi chúng, mà chỉ tâm sự thẳng thắn với con, “Đó là quyết định con đã đưa ra. Và bây giờ còn sẽ học hỏi từ quyết định đó”. Trong phương trình này không có chỗ cho sự nghi ngờ.
Tôi luôn trấn an con gái mình, “Con người của con, dù ở trong tình huống nào, cũng sẽ luôn luôn ổn”. Hơn hết thảy, tôi truyền cho con một niềm tin tâm linh rằng cuộc đời sẽ luôn công bằng. Khi nhìn cuộc đời như vườn ươm của sự tỉnh thức, còn điều gì phải nghi ngờ?
Khi con cảm nhận được rằng ta tôn trọng và để con tự dẫn đường, chúng được tiếp thêm sức mạnh vô bờ do việc nhận được niềm tin nơi ta có ý nghĩa lớn lao với con. Con sẽ học được cách tự tin vào bản thân mình.
– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –