TÌNH HUỐNG TIÊU CỰC ĐẾN VỚI BẠN THẾ NÀO?

Có những thời điểm cuộc sống quá căng thẳng và bất định, làm ta thấy giận dữ và muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, bỏ cuộc vì sự ngẫu nhiên của cuộc sống không phải là một lý do hợp lý. Việc cho rằng mình mất kiểm soát không giúp ích được gì cho đời ta.

Sự thất thường không nên là nguyên nhân của sợ hãi, để đến nỗi ta chỉ biết sống trong lo lắng không biết khi nào xui xẻo ập đến. Ngược lại, ta sống hoàn toàn chấp nhận và trân trọng từng khoảnh khắc. Chấp nhận không có nghĩa là đầu hàng số phận, mà là chấp nhận một cách nhiệt thành bản chất tự thân của đời sống. Ta ý thức hoàn toàn mọi việc xảy ra trước mắt và chọn cách phản hồi phù hợp. Lúc đó và chỉ có lúc đó, ta mới có thể dùng sự tỉnh  thức để tạo ra ảnh hưởng lên hoàn cảnh mà ta đang có mặt.

Sống tỉnh thức nghĩa là có thể cân bằng nhịp nhàng giữa việc làm chủ tâm lý và không gian năng lượng của ta, luôn ý thức rằng bất cứ điều gì cũng có thể xô ta ngã. Sự tiếp diễn giữa làm chủ và buông bỏ này là lối sống tỉnh thức. Ta ý thức rằng mọi sự cố đều có thể xảy ra, nhưng chúng không quyết định cách ta phản ứng. Mỗi người đều có thể là đối tượng của cuộc đời khó lường và đôi khi nghiệt ngã, nhưng biết cách lựa chọn sẽ giúp ta tránh trở thành nạn nhân.

Ta cả chúng ta đều muốn biết nguyên nhân của những sự kiện xảy ra quanh mình, với suy nghĩ rằng mình sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu biết lý do tại sao. Tuy nhiên, ta phải chấp nhận sự thực rằng ta không biết “nguyên nhân”. Ta có thể kết luận rằng đó là tổng hợp của những nghiệp quả cũ hoặc hoàn toàn là sự tình cờ ngẫu nhiên. Chúng ta hãy ghi nhớ rằng, nhiều khi chúng ta không bao giờ biết nguyên nhân của mọi chuyện – kể cả khi những chuyện đó có nguyên nhân.

Tuy vậy, ta có thể tiếp cận từ những khía cạnh chủ quan hơn, và nhất là, có ích hơn. Chẳng hạn, ta có thể đặt câu hỏi, “Tình huống hiện tại này có thể giúp mình phát triển như thế nào? Mình đang cố chống cự điều gì? Mình phải buông bỏ gì để lớn lên? Trở ngại này xuất hiện trong đời mình với mục đích gì?” Những câu hỏi đó chuyển một việc “tồi tệ” thành một trải nghiệm quý giá, biến những tình cảm tiêu cực thành tích cực. Ta có cơ hội chuyển từ đỗ lỗi sang tự chủ chỉ bằng cách đặt những câu hỏi như thế. Chúng giúp ta xóa bỏ cảm giác rằng mình là nạn nhân của cuộc đời.

Nạn nhân và người sống sốt khác nhau ở cách đặt câu hỏi. Nạn nhân than thở, “Sao đời lại làm mình vất vả thế?” Người sống sốt hỏi, “Làm sao mình biến sự vất vả này thành cơ hội trưởng thành?” Đừng để con người ta phụ thuộc vào những sự kiện khách quan. Ta quyết định số phận của mình dựa vào cách phản hồi sáng tạo hay phản ứng tức thì với mỗi tình huống.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –