AI LÀ NGƯỜI CÓ THỂ LÀM TỔN THƯƠNG CON BẠN NHIỀU NHẤT?

Ai là người có thể làm tổn thương con bạn nhiều nhất?

Ai là người có thể gây cho con bạn những vết thương tàn nhẫn nhất?

Ai có thể hủy hoại cả cuộc đời con?

Ai có thể giết con bạn ngay cả khi nó còn sống?

Đó chính là bố mẹ. Và chính trong nhà mình!

Tôi biết, khó có ai thương con bằng bố mẹ. Từ trong bụng mẹ nếu con thiếu vi chất gì, mẹ sẽ rút ngay từ cơ thể mẹ truyền đủ qua dây rốn cho con. Nếu nhà nghèo, mẹ nhịn ăn để nuôi con.

Tôi nhớ ngày nhỏ, bố tôi nấu riêng hai nồi cơm bé tí để tôi được ăn cơm trắng. Bố không tiêu pha gì để dành tiền cho tôi học hành. Nếu tôi cần ghép gan, chắc chắn bố sẽ cho tôi gan của bố, tôi cần ghép thận, bố sẽ cho tôi trái thận.

Nhưng bố cũng đánh mắng tôi mỗi ngày, đánh và không cho phép tôi khóc hay tức giận.

Tôi thường cúi ăn những chén cơm chan nước mắt, vừa khóc thầm vừa nuốt.

Và tôi cũng sợ nhất là bố thở dài, sợ nhất ánh mắt thất vọng của bố!

Những ánh mắt và tiếng thở dài không vi phạm luật, không thể chụp hình, không thể đi chứng nhận thương tật. Y học và công an không có thể ghi lại được, và không có cơ quan nào đứng ra bênh vực.

Giờ đây tôi không oán trách bố, tôi hiểu vì lịch sử chiến tranh, đói khổ và loạn lạc nên bố đã yêu tôi một cách khắc nghiệt và khó khăn như vậy.

Chỉ tiếc là, với tuổi thơ như vậy, tôi lại vô thức tin rằng trên đời này những người gây đau đớn cho mình, là người có trách nhiệm và tử tế với mình. Lớn lên, tôi dễ sa vào những mối quan hệ độc hại trong tình cảm và trong sự nghiệp.

Một báo cáo của UNICEF, phỏng vấn hơn 1.800 trẻ tuổi từ 12 tới 17 ở VN, cho thấy, gần phân nửa số trẻ bị ba mẹ ngược đãi trong khoảng một năm qua; 83% trẻ đã từng bị ngược đãi trong đời.

TS Menis nói: “Tôi đi mấy chục nước trên thế giới, chưa nước nào tôi thấy nỗi đau đớn về ba mẹ nhiều như ở Việt Nam. Nếu ở Anh, những ba mẹ này đã có thể bị bắt đi tù và cách ly khỏi con rồi!”

18 năm làm việc ở 1 tờ báo tuổi teen, tôi thấy, nỗi lo lắng lớn nhất, những tổn thương lớn nhất đối với tuổi teen, không phải học hành, không phải lạm dụng tình dục, trộm cướp, không phải an toàn thực phẩm đâu.

Mà là ba mẹ mình có hài lòng về mình không!

Nhiều bạn kể lúc nào em cũng stress. Có bạn nói em thực sự không thở được vì gánh nặng ấy

Có những bé bảng điểm toàn 9, 10, múa hay, hát giỏi, nhưng bên trong là một tâm hồn tan nát.

Có người đã có chồng con, nhưng vẫn hay mơ thấy bị bố đánh. Nhiều đêm sợ quá choàng tỉnh dậy, nằm khóc 1 mình tới sáng…

Có những ba mẹ lo lắng và kìm kẹp con đến chết ngạt. Nhiều ba mẹ nghiêm khắc đến cay nghiệt! Nhiều mẹ xem đài báo và tivi, rồi sợ tệ nạn, ma túy nghiện ngập, giao thông, thực phẩm, rồi bao bọc con, úm con chặt cứng…

Nghĩ xem, cả Sài Gòn năm rồi có bao nhiêu bé bị bắt cóc? Nhưng SG có bao nhiêu bé đã khóc một mình trong bóng tối, trầm cảm, xin tự chọn cái chết vì tuyệt vọng với ba mẹ mình? Con số nào lớn hơn?

Từ chối, chống lại 1 người lạ ko khó, nhưng làm sao mà chống lại người yêu thương mình? Khi ta đã cho phép người ta yêu thương tiến vào tầng sâu nhất của trái tim, nên tổn thương cũng ở tầng sâu nhất.

Ba mẹ hi sinh cho con, rồi lại bắt con hi sinh cho mình. Hi sinh chéo và trật nhịp, hi sinh như đèn kéo quân, mải miết đuổi vòng quanh mà ko gặp nhau. Hi sinh, đôi khi nó chỉ là mĩ từ cho việc làm khổ chính mình và người khác.

Ba mẹ ơi, con biết ba mẹ là người đưa con tới cuộc đời này, cho con bú, ủ ấm cho con, toàn bộ sự sống của con phụ thuộc vào ba mẹ. Yêu ba mẹ là bản năng sinh tồn của mọi loài vật trên thế giới. Nên đứa con nào phải sợ hãi ba mẹ, thì chắc chắn đau đớn lắm.

Có mẹ nói “Tôi chẳng bao giờ đánh con!”, nhưng mà ánh mắt thất vọng của mẹ còn đau hơn tất cả mọi đòn roi, làm cả đời con cảm thấy mình như đồ phế thải, rằng mình sinh ra trên đời này chỉ mang lại khổ sở cho mẹ. Cảm giác đó mới làm con thương tật đến suốt đời.

Tôi cũng từng trút lên đầu con tôi bao nhiêu áp lực. Làm mẹ đơn thân, chỉ có duy nhất Xu Sim là nguồn sống, duy nhất thuộc về tôi. Tôi nghĩ mình sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc con mình lớn lên như thế nào, học hành làm sao, thành đạt, hạnh phúc hay không… Tôi không còn phải chăm sóc chồng, cũng chẳng thiết tha công danh, thế nên tôi dành 100% trái tim, 100% trí não, 100% thời gian của mình cho con. Tôi tưởng mình đang làm tốt…

Nhưng chưa hẳn ạ. Con tôi cũng áp lực với gánh nặng đó của mẹ.

Năm ngoái, trong 1 lần tôi mắng Xu và tôi gằn giọng quát: “Không được khóc!”. Tôi đã thốt ra 3 chữ khủng khiếp mà tôi cả đời căm ghét. Tôi đã lặp lại y chang bố tôi, mặc dù tôi đã từng lòng thề với lòng rằng sẽ không bao giờ đối xử với con mình như cách mình đã từng bị đối xử.

Khi nào tôi chữa lành được cho chính mình thì khi đó con cái tôi sẽ ổn. Nếu tôi muốn con gái mình lớn lên bình an, thì chính tôi phải bình an.

Ba mẹ ơi, làm ba mẹ khó lắm, mỗi đứa con mỗi khác, mỗi thời mỗi khác. Kỷ luật thế nào là yêu thương, và tự do thế nào để an toàn, câu trả lời chỉ có khi ba mẹ chịu lắng nghe con và lắng nghe chính mình. trong tĩnh lặng và bình an.

Đừng để con mình phải cả đời làm việc như trâu, cố gắng và phấn đấu tới kiệt sức, dù thành đạt cũng không có chút vui sống, chỉ để “trả nợ” cho lòng kỳ vọng của ba mẹ, chỉ để chứng minh rằng mình xứng đáng được thương. Đừng để con mình phải khổ sở mò mẫm cô độc một mình, rồi tàn lụi trên hành trình đó, mà vẫn chưa tới đích!

Nguồn: https://www.facebook.com/thuha.mexusim/posts/1568163359874932

Tác giả: Trần Thu Hà