THOÁT KHỎI SỰ VÔ MINH

Sự tỉnh thức cũng có thể được củng cố bằng cách dành ra khoảng thời gian cố định trong ngày để ngồi yên lặng, nhắm mắt và tập trung sự chú ý vào hơi thở. Chỉ cần hướng sự chú ý vào từng hơi thở vào, hơi thở ra, qua hai lỗ mũi, xuống phổi. Việc chú ý vào hơi thở giúp ta trở lại với thực tại, bây giờ và ở đây. Ta phát hiện ra rằng, suy nghĩ và cảm xúc cũng đến rồi đi như hơi thở. Bởi bản chất suy nghĩ và cảm xúc là vô thường, ta không có nghĩa vụ phải ôm lấy chúng và tưởng rằng chúng là cái tôi của mình. Biện pháp đơn giản tạo ra một không gian bao quanh giúp ta có một khoảng cách an toàn nhất định với những suy nghĩ và cảm xúc. Ta yên lặng quan sát suy nghĩ và cảm xúc mà không phản ứng, không tìm cách vấy đổ chúng cho thực tại bên ngoài. Nhờ vậy, cả ta và những người xung quanh không bị mắc kẹt trong quá khứ rối rắm của mình.

Làm như vậy thì con mình được cái gì? Hãy tưởng tượng rằng, một suy nghĩ nảy ra trong đầu ta, “Con mình không vâng lời” hay “Mình đang bị xúc phạm”. Thay vì diễn giải chúng thành con mình là đứa trẻ hư, hay mình là người mẹ kém cỏi, ta quan sát suy nghĩ và cảm xúc của mình. Ta tự hỏi, “Tại sao mình bị kích động?” Có lẽ, ta sẽ nhận ra rằng thực ra mình đang bế tắc ở một vấn đề nào khác và con cái chỉ kích hoạt cảm giác đó trong ta. Hoặc con làm sống lại cảm giác vô dụng và yếu đuối của ta khi còn bé. Nhờ vậy, ta không phản ứng tức thì mà có cách cư xử bình tĩnh và sáng suốt hơn với con. Kể cả khi phải điều chỉnh hành vi, thông điệp của ta cũng khách quan, dễ tiếp cận hơn.

Ta làm mẫu cho con thấy rằng chúng không bắt buộc phải hành động ngay mà có thể lợi dụng suy nghĩ và cảm xúc để biến thành bài học. Một khi đã khám phá được sức mạnh của việc lặng yên quan sát suy nghĩ và cảm xúc, không gian nội tâm của con được mở rộng, làm cơ sở cho việc kết nối với bản tâm.

Từ chỗ quan sát suy nghĩ và cảm xúc, ta tiến thêm một bước bằng cách quan sát thế giới xung quanh. Ta thấy rõ bản chất tự thân và biết diễn giải một thực tại khách quan hơn, theo bất cứ cách nào mà ta muốn chọn.

Trong quá trình tập trung vào hơi thở, ta tự hỏi, “Tính chất tự thân nào của thực tại mà ta đang chần chừ không muốn chấp nhận và buông bỏ?” Ta có ý thức cao độ khi biết kiểm tra nhiệt kế nội tâm trước khi hành động. Ta cho phép sự kiện tuần tự diễn ra bởi không còn nhu cầu bức bách phải áp đặt cái tôi lên thực tại. Trong trạng thái đó, ta chỉ hít thở và cảm nhận.

Nếu không nhìn ra tính chất như nhiên này, khi chờ đợi cho đời sống quay trở lại trạng thái mà ta mong muốn, ta thường xuyên có những hành vi làm tổn thương người khác, như nhu cầu kiểm soát, hay sự tức giận, hoặc tự làm hại mình như ăn uống vô độ, làm việc quá sức, say xỉn, hay sử dụng các chất kích thích.

Tiếp cận với bản chất của đời sống, những sự kiện bình thường nhất cũng là bài học để ta cho con thấy cách thoát ra khỏi sức mạnh của cái tôi. Chẳng hạn, khi làm vỡ một quả trứng, ta tự nhủ, “À, trứng vỡ. Mình biết mình đã không chú tâm”. Nếu bị kẹt xe, thay vì phàn nàn, ta nói, “Thi thoảng sẽ có kẹt xe và ta không kiểm soát được nó. Vậy thì cứ thoải mái chơi một trò chơi, hát một bài, hay dành thời gian nghỉ ngơi”. Nhờ vậy, con hiểu rằng không cần phải sợ hãi khi tình huống xấu đi. Chúng phát hiện ra rằng, không chỉ có thể yên lặng bình tĩnh quan sát, con hoàn toàn có thể lợi dụng để tận hưởng những phút giây đó.

Nói như vậy không có nghĩa là luôn tiếp cận cuộc sống với tâm thế “Tôi là người hạnh phúc”, bởi điều đó không phải luôn luôn đúng. Ý tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chấp nhận trạng thái thực tại. Từ đó, vận dụng thực tại để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Không thể phủ nhận rằng thi thoảng, đời mang cho ra những tình huống bất lợi.

Một ví dụ điển hình là khi tôi đưa con gái 3 tuổi đến một buổi hẹn bác sĩ lúc 7:30 sáng. Tôi chất vấn bác sĩ vì thấy con phải chờ tận hai tiếng đồng hồ mới được khám. Vị bác sĩ thành thật xin lỗi và hứa sẽ không để xảy ra tình huống tương tự. Con sẽ học được nhiều khi chứng kiến những sự việc như thế.

Bình tình phản hồi một cách khách quan không có nghĩa là phản hồi của chúng ta phải trung tính. Ngược lại, phản hồi của ta cũng có tính như nhiên, phù hợp với trạng thái tạm thời của thực tại. Vì vậy một khi đã hòa giải với cảm xúc của mình, việc buông bỏ trở nê dễ dàng hơn.

Làm sao ta biết được khi nào cần lên tiếng? Chìa khóa nằm ở động cơ của hành động. Phải chăng ta hành động trong trạng thái thiếu tỉnh thức của cái tôi, áp đặt quá khứ của mình lên thực tại? Hay ta đưa ra phản hồi có suy nghĩ với tình huống trước mặt?

Tôi lên tiếng với vị bác sĩ kia không phải bởi những định kiến từ quá khứ, mà bởi tình huống đó đã vượt quá giới hạn công bằng bình thường. Tôi tôn trọng những giới hạn của mình. Nhờ vậy, tôi có thể kiến nghị một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết. Tôi không cảm thấy mình bị tổn thương hay có ý định tấn công người đối diện. Sau khi thể hiện ý kiến của mình, tôi sẵn sàng buông bỏ vấn đề. Nếu cảm thấy quặn lên nhu cầu thay đổi hành vi của người khác, hay để cho trạng thái cảm xúc của mình bị họ kích hoạt quá độ, ta bị mất tự chủ và lạc trở lại vào cái tôi.

Sự tách biệt khỏi suy nghĩ, cảm xúc và sau đó là hoàn cảnh bên ngoài, nhiều khi khá hụt hẫng. Ta tự hỏi, “Vậy mình còn yêu người thân xung quanh không? Liệu mình còn quan tâm đến điều gì không? Liệu mình có quá hững hờ?” Lúc đầu, ta thấy hơi bối rối vì không còn những bi kịch cảm xúc. Trong giai đoạn làm quen với trạng thái không kịch tính này, ta trải qua một trạng thái trống trải. Dường như ta mất kết nối với thực tại. Dần dà, ta hiểu rằng kết nối đó không mất đi mà mở rộng ra, bao trùm toàn bộ thực tại cuộc sống xung quanh.

Con cái sẽ noi theo khi thấy ta bớt dính mắc với những bi kịch cảm xúc. Chúng phát hiện ra rằng đó cũng chỉ đơn thuần là những suy nghĩ và cảm xúc vô thường của nhân sinh.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –