CUỘC ĐỜI LÀ NGƯỜI THẦY CỦA TA

Vì cách dạy con là tấm gương phản chiếu con người ta, để thay đổi cách dạy con, ta cần hiểu cách phản ứng trong đời sống hằng ngày tạo ra thế giới quan của ta như thế nào.

Hãy tự hỏi: Ta thường phản ứng như thế nào nếu đời không như ta mong muốn? Ta có tự mắng nhiếc bản thân, “Đây là lỗi của mình?” Hay ngược lại, ta có tự tuyên bố, “Sao lại thế này, mình xứng đáng được hưởng nhiều hơn!” Ta có tự nhủ, “Cuộc đời thật bất công, mình xui xẻo quá!” Những phản ứng đó cho thấy thế giới quan của ta dự trên niềm tin rằng cuộc đời xảy ra bên ngoài – rằng có một thế lực “thù địch” nằm ngoài sự kiểm soát của ta.

Vì không nhận ra đời là người bạn đồng hành trên hành trình tìm về bản thể của mình, ta luôn tự dán nhãn cho mình là “may mắn” hay “xui xẻo”. Tuy nhiên, nếu biết tìm kiếm những bài học mà cuộc đời mang đến, mọi điều xảy ra với ta đều trở nên có ý nghĩa. Không có “may mắn” hay xui xẻo khi tiếp cận cuộc đời theo cách này. Mọi tình huống xảy ra đều có mục đích mang lại sự trưởng thành. Khi nhận ra điều này, ta không còn chống cự những điều trái ý và mong mỏi những điều dễ chịu cho bản thân nữa. Ta thấy mọi thứ đều là một người thầy của ta và bao dung với mọi điều xảy ra trong đời. Ta không còn thấy mỗi thử thách là một cuộc chiến khốc liệt và chỉ yêu đời khi mọi điều xảy ra đúng ý mình. Bóng tối và ánh sáng đều là cơ hội để trở thành một con người tỉnh thức hơn.

Cách ta sống và dạy con hoàn toàn thay đổi khi hiểu rằng cuộc đời là người thầy uyên bác, sẵn sàng chỉ đường có ta đến với cái Tôi đích thực. Ta tiếp cận với thái độ rằng mọi tình huống xảy ra là để giúp ta. Ta tin tưởng cuộc đời sẽ dẫn ta kết nối sâu sắc với bản thể của mình. Ta cũng nhận thức được bản chất tốt đẹp của cuộc đời bởi đó chính là tấm gương phản chiếu bản chất tốt đẹp của tâm trí ta. Ta hiểu rằng về cơ bản mỗi người đều có sự kết nối với mọi điều xảy ra xung quanh, rằng chúng ta cùng nhau sáng tạo ra thế giới thực tại mà ta đang sống. Cuộc đời không xảy ra đối với ta, mà xảy ra cùng với ta.

Hành vi của con cái cũng không tự nhiên xuất hiện, mà là phản ứng với năng lượng của ta. Như vậy, ta hoàn toàn có thể tạo ra sức ảnh hưởng lên hành động của con cái. Trong khi đó, ta ít khi hướng dẫn con trải nghiệm bản chất tự thân của thực tại, mà chỉ trực trút những đánh giá tiêu cực về thực tại lên con. Sự thật là con cái tiếp cận với thế giới thông qua cách chúng ta tiếp cận với thế giới. Khi thấy ta liên tục sống bằng phản xạ tự nhiên, bằng sự bất an thường nhật, chúng cũng ôm lấy cách sống bằng thói quen phản xạ và sự bất an đó. Chúng học cách phân loại thế giới bằng cách quan sát ta đánh giá và dán nhãn cho mọi trải nghiệm xung quanh.

Ngược lại, con cũng học theo nếu ta biết uyển chuyển theo thực tại mà không cần dùng quá nhiều tâm lực. Bằng cách làm gương với niềm tin vững chắc và sống an nhiên với niềm tin này, ta giúp trẻ rút ra được kiến thức từ mọi hoàn cảnh mà không dán nhãn cho đời là “thiện” hay “ác”.

Ta cần trải nghiệm, chứ không phải đấu tranh, chạy trốn hay nửa vời với đời. Dù bản năng muốn thay đổi tương lai, sống tỉnh thức đòi hỏi ta phải chú tâm chứ không phải với thái độ muốn thay đổi mỗi trải nghiệm. Sau mỗi trải nghiệm đó mới là lúc ta điều chỉnh lại để có thêm những trải nghiệm có chất lượng cao hơn trong tương lai.

Khi tin tưởng rằng cuộc đời là người bạn dẫn đường hiểu biết, ta mới dám hoàn toàn buông xả, bỏ hết mọi đánh giá, nhận xét và phân tích. Ta hòa mình vào dòng chảy, bỏ lại mọi lo âu rằng đời là một mối đe dọa với ta. Thay vì cố gắn cái tôi của mình với hoàn cảnh, ta cho phép mình thực sự cảm nhận mỗi trải nghiệm, chuyển mình theo nhịp điệu từng khoảnh khắc, ta giải tỏa được nguồn năng lượng vốn luôn bóp nghẹt trong những xu hướng kháng cự và phản xạ tức thì. Lúc đó, nguồn năng lượng này giúp ta chú tâm đến mối quan hệ hiện tại, nhất là mối quan hệ với con cái. Khi con học được cách cảm nhận mỗi trải nghiệm mà không cần “hành động”, con an nhiên bước vào đời. Chúng tìm thấy niềm vui trong mỗi tình huống đơn giản và tận hưởng phần thưởng của việc luôn sống đầy đủ ý thức với mỗi khoảnh khắc.

Để con gái tôi học được cách làm chủ trạng thái như nhiên của mỗi trải nghiệm, tôi cũng luôn thành thật với con về cảm xúc của mình trong mỗi tình huống gặp phải. Nếu đang bực bội, tôi sẽ nói “Lúc này ba đang bực bội”. Dù không trút lên đầu người khác, bản chất là tôi đang khó ở trong hoàn cảnh đó và tôi được phép sống với cảm giác đó. Vậy nên tôi thừa nhận trạng thái của mình, nhưng không phản ứng với tình huống, không hành động để cảm giác đó trôi qua. Tôi ôm lấy mọi cảm giác. Khi đó, tôi thấy mình tự nhiên chuyển tâm lý sang trạng thái hoàn toàn bao dung với tình huống.

Tương tự như thế, khi bị kẹt xe, tôi thừa nhận, “Lúc này chúng ta đang ở trong một vụ kẹt xe”. Tôi cố không dán nhãn cho sự kiện đó là “tốt” hay “xấu”, tránh áp đặt quá khứ của tôi lên tình huống hiện tại, chứ chưa nói đến những tưởng tượng cho tương lai. Điểm mấu chốt là ngừng việc bóp nắn thực tại theo ý của mình.

Cái Tôi đích thực cho thấy nó đủ sức dung chứa mọi thứ mà đời mang đến, khi ý thức về bản thể của ta tăng trưởng.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –