Tony, bạn thân tôi, là người hướng nội, sáng tạo và từng trải. Anh cũng là người hay suy nghĩ. Bố mẹ sinh đôi nên khi 10 tuổi anh được gửi đến ở với ông bà nội. Anh nhớ lại hôm ấy, “Bố mẹ nói gửi là gửi luôn. Mới hôm trước tôi còn đi học, thế mà hôm sau mẹ gói ghém hết đồ đạc của tôi. Mẹ bảo tôi gây ảnh hưởng tiêu cực cho đứa em song sinh. Vì tôi quá khỏe nên nó sợ tôi.”
Mẹ Tony quả quyết cậu bé sẽ ở nhà ông bà vài tháng thôi để cậu em lấy lại tinh thần. “Con mạnh mẽ lắm,” mẹ nói với Tony. “Từ lúc nhỏ con đã mạnh mẽ rồi. Con sẽ ổn thôi.” Vậy mà vài tháng trở thành một năm rưỡi.
“Mỗi tháng tôi gặp bố mẹ một lần,” Tony kể, “Và lần nào họ cũng nói thế này, ‘Em con đang lấy lại tinh thần rồi. Em cư xử tốt hơn vì em có một mình.’ Nói rồi họ về và đến tháng sau mới xuất hiện. Dù bố mẹ nói tôi mạnh mẽ và tôi sẽ không sao nhưng thực tế không như vậy. Tại sao người bị gửi đi lại là tôi? Từ lúc ấy tôi đã quyết định mình không phải người ‘mạnh mẽ, không sao’”.
Tony bắt đầu tỏ thái độ, có hành vi tiêu cực để thu hút sự quan tâm, bởi cậu tưởng rằng việc đó sẽ khiến bố mẹ nghĩ về cậu như đứa em sinh đôi kia. Nhưng hành vi đó khiến học nổi giận, đến mức họ tìm cách kiểm soát cậu khi dọa sẽ không cho cậu về nhà nữa. “Vậy nên tôi càng hư,” Tony than vãn, “tôi uống rượu, hút thuốc, trốn học. Vậy mà họ vẫn bảo vệ đứa em song sinh của tôi, không chịu đến giải cứu tôi. Vì thế, từ một đứa trẻ ‘không sao’, tôi trở thành đứa trẻ ‘hư’ và đến giờ tôi vẫn bị gắn mác ‘trẻ hư’. Nếu tôi giải thích với bố mẹ rằng tôi nổi loạn không phải vì hành vi đó chảy trong huyết quản, mà chỉ vì đó là cách duy nhất để có được sự quan tâm của họ, chắc chắn họ sẽ cười vào mặt tôi. Bố mẹ sẽ nói vì tôi hư nên mới phải gửi sang nhà ông bà. Biết đâu bố mẹ nói đúng và ngày từ đầu tôi đã là một đứa trẻ hư.”
Hành vi nổi loạn có thể xuất phát từ một số gia đình có tình trạng đối kháng và gốc rễ của nó chính là việc được chấp thuận. Điển hình nhất là cha mẹ quá cứng nhắc, có thái độ che chở thái quá hoặc độc đoán. Trẻ cảm thấy bị kìm hãm trong chính cảm xúc thật của mình và phải gồng mình gánh sự kỳ vọng của cha mẹ. Đôi khi trẻ có hành vi “xấu” vì trẻ đang cầu cứu. Thông điệp chỉ đơn giản là trẻ không muốn được đáp ứng nhu cầu theo cách bình thường, và đó là lí do trẻ viện đến các hành vi tiêu cực hơn.
Hành vi “xấu” làm nỗi sợ hãi trong lòng cha mẹ trỗi dậy, vì vậy ta tìm cách cấm đoán, thậm chí xua đuổi con với mong muốn con sẽ thay đổi. Nhưng hiếm khi con thay đổi. Thay vào đó, ta khiến con liên tục cư xử như vậy cho đến khi việc đó nằm ngoài khả năng kiểm soát. Nếu chỉ nhận được sự quan tâm tiêu cực cho hành vi tiêu cực, trẻ học được rằng nếu cư xử tệ hơn nữa, thế nào cha mẹ cũng phải quan tâm thực sự.
Nếu bị gia đình chối bỏ, khi lớn lên trẻ sẽ trở thành dây dẫn kích nổ mọi thất bại của gia đình. Các chuyên gia trị liệu gọi những đứa trẻ này là bệnh nhân được phát hiện trong gia đình. Khi cha mẹ không sở hữu cái bóng của mình, họ sẽ chuyển cái bóng đó cho một trong những đứa con và đứa trẻ đó sẽ trở thành nơi chứa đựng mọi cảm xúc rạn nứt, không được thể hiện ra ngoài của cả nhà. Đôi khi sự chuyển bóng đó tấn công không chỉ một đứa con. Khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ luôn cảm thấy mình có lỗi và rất “hư”.
Rồi đến lúc những đứa trẻ này làm cha mẹ, họ cũng sẽ áp đặt cảm xúc “hư” cho các con hoặc vợ/chồng và gắn mác “con hư” hoặc “vợ/chồng hư” cho nạn nhân. Nếu họ tinh tế nhận ra sự nổi loạn của mình, họ sẽ rất thận trọng trước các dấu hiệu nổi loạn của con, và điều này sẽ khiến họ hoặc là bi quan, hoặc là rất thích kiểm soát. Họ không nhận ra rằng cả hai biện pháp này sẽ càng sản sinh ra hành vi nổi loạn.
Sự rạn vỡ không phản ánh đúng con người thật của bạn.
Sự tổn thương hay rạn vỡ, bất kể hình hài, đều không phải là con người thật của bạn. Chúng sẽ không bao giờ chạm đến bản chất của bạn. Vì vậy, chuyện quá khứ không thể hình thành nên bạn hôm nay.
Đời là bể khổ, nhưng với niềm hân hoan gắn liền với con người thật của bạn, không bao giờ biến mất, dù bạn thất bại trong việc phát triển niềm hân hoan ấy, khiến nó bị vùi lấp khỏi tầm nhìn. Còn nơi nào tốt hơn, nếu không phải là mối quan hệ cha mẹ – con cái, để trút bỏ lớp vỏ bọc và hợp nhất các mảnh ghép rời rạc trong tâm hồn mình? Và khi đó, người hưởng lợi không chỉ con, mà còn là chính bạn.
Rất ít người may mắn được nuôi dưỡng bởi những người cha mẹ biết kết nối với niềm vui trong tâm khảm. Nhưng nếu được may mắn như vậy, trẻ lớn lên tâm hồn sẽ nhẹ nhõm và luôn tin rằng cuộc sống rất tươi đẹp và đáng sống. Trẻ biết rằng hãy trân trọng, thay vì sợ hãi cuộc sống. Trẻ nhìn thấy cha mẹ gắn kết với các con và sự gắn kết đó làm chuyển biến thân thể, nhờ đó trẻ học được cách gắn kết với các thế hệ tương lai.
– Trích từ sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức của Tiến sĩ Shefali Tsabary –