TỔ ẤM HIỆN TẠI

Trưởng thành rồi, chúng ta tất bật với vô vàn công việc. Có người làm nhiều việc một lúc. Nền tảng cái tôi của ta dựa trên lượng việc ta làm, thu nhập, diện mạo và khả năng giao thiệp xã hội.

Trẻ con không rơi vào trạng thái này cho đến khi ta dạy con phải như vậy. Do đó, dạy con trong tỉnh thức là vận động khác với cái chung của xã hội. Có nhiều tiêu chí để đo lường sự thành công của trẻ. Thay vì chạy sô với vô số hoạt động và bị áp lực phải thành công trong thế giới do người lớn tưởng tượng ra, trẻ con được sống với từng khoảnh khắc và hân hoan với sự tồn tại của mình. Khi đó, điểm số và các thành tích khác vẫn được công nhận, nhưng chỉ là chi tiết rất nhỏ của một bức tranh lớn hơn.

Để khuyến khích hơn hưởng thụ niềm vui đơn giản của cuộc sống, ta không được sắp xếp lịch trình quá mức cho con. Nghĩa là khi con còn ấu thơ, hãy cho con được đi chơi với bạn bè và được có những giờ phút lười biếng. Trước khi lên 5 tuổi, nếu con phải tham gia các hoạt động liên tục từ sáng đến tối, làm sao con có thể kết nối với chính mình?

Sự thật là lịch trình kín mít của trẻ con thời nay liên quan đến việc cha mẹ không thể ngồi yên hơn là nhu cầu của trẻ phải tham gia các hoạt động đó. Chúng ta được nuôi dưỡng trong trạng thái “hoạt động” liên tục. Chúng ta tất bật với không chỉ các hoạt động thể chất như làm việc, tập thể thao hay các hoạt động không tên khiến chúng ta tất bật, mà còn các hoạt động không ngừng nghỉ trong tâm trí như phân loại, đánh giá và lý thuyết giáo điều. Não bộ thời nay bận rộn lắm, vì thế chúng ta không thể nào gặp một người hoặc một tình huống có năng lượng trung lập. Thay vào đó, khi chúng ta đối mặt với một “cái khác”, dù là con người hay sự việc, chúng ta áp đặt ngay cho người đó hoặc sự việc đó ý nghĩ đúng sai, tốt xấu đã được hình thành từ trước trong tâm lý.

Minh chứng là một phụ huynh cảm thấy lo lắng, bực bội, giận dữ và chửi thề khi gặp phải tình huống không mấy dễ chịu trong cuộc sống. Hãy cùng ngồi với họ khi tắc đường và xem họ phán xét hành vi. Họ không thể bình tĩnh nhận thấy thực tế là mình đang bị kẹt xe và vui vẻ chấp thuận, họ không thể nhìn thấy mình đang rơi vào tình thế khó khăn và chỉ cần chấp nhận khó khăn đó. Phụ huynh này khiến con cái bị ảnh hưởng và tin rằng mọi trải nghiệm trong cuộc sống đều phải được phán xét và gắn mác, đặc biệt là các trải nghiệm “xấu”. Khi chúng ta không thể tách biệt thực tại của con khỏi trạng thái hiện tại, con học được rằng đơn giản là cuộc sống không thể được trải nghiệm như chính nó.

Tất cả các “hoạt động” này đều nhằm xoa dịu cảm giác chưa hoàn thành, minh chứng là người mẹ từ bỏ cuộc đời mình để ở bên con, chỉ để làm vô số việc không dứt “vì lợi ích của con”. Có thể nhìn bề ngoài bà là người mẹ tần tảo, sớm tối đưa con đi học múa, tập bóng chày, luôn chân luôn tay nấu ăn giặt giũ. Tuy nhiên, ý thức của bà về bản thân được hình thành từ những việc bà có thể làm cho con, và sự cho đi của bà là vô điều kiện. Lịch trình hối hả của bà được thôi thúc bởi nhu cầu xoa dịu cảm giác lo lắng trong lòng, bà không thể sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con và thay vào đó, con trở thành phương tiện để bà lấp đầy ảo tưởng của bản thân. Nếu con không đáp ứng yêu cầu, bà sẽ không thể chịu đựng nổi, dẫn đến hành vi không lành mạnh là lôi kéo con trở thành trẻ “ngoan”.

Tôi chứng kiến sự việc này giữa một người mẹ có hai con. Vốn là nhà thiết kế thời trang, chị từ bỏ sự nghiệp để ở nhà chăm sóc con, vì vậy con trở thành trung tâm vũ trụ của chị, đến mức công việc cả ngày của chị đều tập trung vào con. Quá sốt sắng và quan tâm quá mức, chị đăng ký cho các con tham gia hoạt động ngoại khóa tất cả các buổi, khiến chị quay cuồng trong vòng xoáy đưa đón con. Đối với chị, việc quan trọng nhất là con học hành giỏi giang và xuất sắc trong mọi hoạt động. Con gái là ngôi sao bơi lội và con trai chơi đàn ghi ta cừ khôi, vì vậy chị rất tự hào và sung sướng với từng khoảnh khắc con giành chiến thắng. Chị luôn đến sớm nhất trong các buổi thi thố của con và đó cũng là dịp khiến chị cảm thấy công sức được đền đáp.

Rồi đến một ngày chuyên gia tư vấn của trường gọi điện thông báo con gái chị bị mắc chứng cuồng ăn vô độ. Cô bé suy sụp vì sợ mẹ phát hiện và nài nỉ không ngừng, “Cô ơi cô đừng nói với mẹ con nhé. Mẹ sẽ ghét con lắm. Mẹ sẽ thất vọng vì con lắm.” Cô bé mới 8 tuổi và mắc chứng bệnh này do áp lực ngoại hình phải mảnh mai hơn nữa khi mặc đồ bơi.

Lúc này chị phải hãm tốc độ trong cuộc sống của con. Đây là lần đầu tiên chị nghĩ đến tổn hại mà các hoạt động không có điểm dừng kia gây ra cho đời sống tinh thần của con. Nhưng đến giờ chị vẫn cho rằng chị đã làm hết mức cho con. Chị không bao giờ nghĩ áp lực đó lại phản tác dụng. Làm sao chị biết được đây? Khi còn nhỏ, chị không được tham gia các hoạt động ngoại khóa và cũng không được cha mẹ quan tâm sát sao đến vậy, vì họ đi công tác liên tục và phải gửi chị cho bà vú. Làm cho con những việc mà mẹ chưa bao giờ làm cho mình, chị mường tượng mình là người mẹ tận tâm. Oái ăm thay, ước mơ cho con tuổi thơ mà chị không có đã khiến các con cảm thấy bị thờ ơ và đơn độc như chị ngày nào. Chỉ khác là các con giấu cảm xúc đó bên dưới những bận rộn thường nhật, bởi vì con cảm thấy phải thể hiện bản thân thật tốt vì mẹ.

Bài học ở đây là nếu chúng ta dạy con định hình bản thân dựa trên “việc đang làm”, con sẽ thất vọng mỗi khi gặp sóng gió cuộc đời.

– Trích từ sách Làm Cha Mẹ Tỉnh Thức – Tiến sĩ Shefali Tsabary – 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.