CẮT ĐỨT VÒNG LUÂN HỒI SÂN HẬN

Có một thiếu niên mười hai tuổi thường đến Làng Mai vào các mùa hè để tu tập với một số bạn trẻ. Ở nhà, cứ mỗi khi em lầm lỗi gì hay cả khi em vấp té trầy da, chảy máu thì ba của em thay vì giúp em lại la mắng nặng lời. “Cái thằng ngu này, tại sao mày làm vậy?” Em rất buồn và bất mãn với ba và nghĩ rằng ba không thương em. Em tự nhủ rằng khi em lớn lên, lập gia đình, có con, em sẽ không đối xử với con của em như thế. Nếu con em té ngã, bị trầy da, chảy máu em sẽ không bao giờ la con nặng lời mà sẽ ôm ấp và săn sóc nó.

Thế rồi, năm sau người thiếu niên ấy trở lại Làng Mai, lần này em có em gái cùng đi theo. Một hôm, em gái của em nằm chơi trên võng rồi bị té xuống đất. Bỗng nhiên em cảm thấy rất giận và cũng muốn hét lên, “Cái con ngu này, tại sao mày lại làm như vậy?” giống hệt như ba em ở nhà. Nhưng nhờ có tu tập tại Làng Mai hai mùa hè rồi nên em đã dừng lại được. Thay vì la mắng, em đã thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm và chỉ trong mấy phút, em đã giác ngộ ra một điều. Em thấy rõ phản ứng giận giữ của mình chính là năng lượng của tập khí do ba em truyền lại. Em đã muốn hành xử với em gái giống hệt như ba. Em chính là sự tiếp nối của ba. Em chẳng bao giờ muốn đối xử với em gái như thế nhưng vì năng lượng của tập khí quá mạnh mà suýt nữa em đã hành động như ba em.

Xem thêm >>> CHĂM SÓC TỰ THÂN, CHĂM SÓC NGƯỜI KHÁC

Đối với một thiếu niên mười hai tuổi thì đây là một giác ngộ khá lớn. Rồi em tiếp tục hành thiền và bỗng nhiên nảy sinh quyết tâm tu tập để chuyển hoá năng lượng tập khí giận dữ trong người; hy vọng rằng em sẽ không trao truyền năng lượng tập khí ấy cho con em sau này. Em biết rằng chỉ có tu tập chánh niệm mới giúp cắt đứt vòng luân hồi của khổ đau do tập khí sân hận gây nên.

Cậu bé ấy cũng đã ý thức rằng ba của em cũng là nạn nhân của sự trao truyền tập khí sân hận. Ba của em chắc không muốn đối xử với em như vậy. Ông đã hành động như vậy chỉ vì tập khí trong ông quá mạnh. Khi cậu bé ý thức rằng ba của em là nạn nhân của sự trao truyền thì em không còn giận ba nữa. Liền sau đó em có ý muốn trở về nhà ngay để mời ba em cùng tu tập. Đây quả là quyết định khá lớn của một thiếu niên trẻ mười hai tuổi.

Khi đã cảm thông niềm đau nỗi khổ của người khác thì bạn không còn ý muốn trừng phạt nữa mà chỉ muốn giúp đỡ. Làm được như vậy thì bạn biết mình thực tập đã thành công. Bạn là một người làm vườn giỏi.

Trong mỗi chúng ta là một khu vườn mà chúng ta phải trở về chăm sóc. Có lẽ đã từ lâu ta bỏ phế khu vườn của mình. Chắc rằng ta đã biết rõ tình trạng khu vườn của ta và biết rõ phải làm gì để phục hồi phong quang của nó. Một khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng sẽ là nguồn vui cho rất nhiều người.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.