CÁC BÀI HỌC TỪ TRẺ SƠ SINH

Ngay khi niềm vui ập đến trước cửa nhà, đời sống của ta hoàn toàn đảo lộn. Chỉ riêng việc phải cho con ăn theo cữ đã là một thay đổi lớn. Phạm vi hoạt động của ta được nới rộng ra ngoài sức tưởng tượng từ chỗ là một cá thể với quyền lợi riêng, ta phải chuyển sang phục vụ em bé. Tình yêu thương và phụng sự ta dành cho một con người khác vừa ngạc nhiên vừa xúc động.

giai đoạn sơ sinh, các bài học tâm linh xoay quanh vấn đề hợp nhất. Đây là thời điểm những kết nối sâu sắc nhất hình thành. Thể chất và tâm trí của bố mẹ và con nhịp nhàng hòa quyện. Hơi thở, tiếng khóc, ánh mắt của con kết hợp với những bản năng tâm lý và sinh học của bố mẹ tạo thành một mô thức hoạt động mới. Tâm trí của cha mẹ, những ảo tưởng, sợ hãi và lòng dũng cảm ghi dấu lên con ở cấp độ tế bào. Mọi thứ được tàng trữ, đi vào huyết mạch, làm làn da con mềm hơn, làm cơ bắp chắc khỏe hơn.

Cách bố mẹ tươi cười sảng khoái hay dè dặt, chào đón hay chạy trốn một cơn mưa, đối diện hay né tránh nỗi sợ, đương đầu với thử thách hay dúm dó trong nghi ngờ, hoảng loạn hay bình tĩnh trấn an khi con khóc – tất cả những điều này đều thẩm thấu vào trong con. Đây là thời điểm đặt những viên gạch đầu tiên định hình nhân cách, cũng là khi bố mẹ hình thành bản thân với tư cách là người dưỡng dục.

Trẻ sơ sinh cần sự an toàn về tâm lý và sự thoải mái về thể chất. Đứa trẻ học những chữ cái, những nét vẽ đầu tiên của ngôn ngữ tâm linh. Cách bố mẹ đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con và tạo ra sự hợp nhất với con là nền tảng cho cơ chế quan hệ giữa hai phía trong tương lai. Con cần luôn được an toàn và che chở bên bố mẹ bởi chưa định hình được những giới hạn vật lý của mình. Nhờ đó, con học được cách tin cậy thế giới bên ngoài và phát triển cảm giác về an toàn cho chính mình.

Trong quá trình cho và nhận, con và bố mẹ dần học được cách tương tác, cùng giúp nhau phát triển. Mặc dù mối quan hệ trông có vẻ như một chiều bởi bố mẹ phục vụ con, tuy nhiên thông qua phụng sự, ta mới chạm tới được phần tâm linh bên trong mình. Việc chăm lo cho một đứa trẻ sơ sinh bắt buộc ta phải trở về với điều cốt lõi nhất, nơi ta hiểu ra rằng mình cũng có thể cho đi, phụng sự, dưỡng dục ở mức độ cao nhất. Vậy nên, em bé giúp ta thấy khả năng vượt qua được những nhu cầu của cái tôi và có mặt vì người khác. Con cái chính là hình ảnh của phần người sâu thẳm trong ta.

Trong giai đoạn này, dường như trong sâu thẳm ta đang nói với con:

“Mẹ không nhớ con đã hiện hữu khi nào và thời điểm cái tôi của mẹ kết thúc. Ngày và đêm hòa làm một trong cả vinh quang và nhọc nhằn. Mẹ dành tặng cho con sự phục vụ không ngần ngại, không giới hạn, trong suốt như thủy tinh. Kể cả khi không ở bên con, mẹ cũng tưởng tượng ra hình bóng con. Không có khoảnh khắc nào mẹ tồn tại mà tách rời con.”

“Ba không nhớ con đã hiện hữu khi nào và thời điểm cái tôi của ba kết thúc. Ngày và đêm hòa làm một trong cả vinh quang và nhọc nhằn. Ba dành  tặng cho con sự phục vụ không ngần ngại, không giới hạn, trong suốt như thủy tinh. Kể cả khi không ở bên con, ba cũng tưởng tượng hình bóng con. Không có khoảnh khắc nào ba tồn tại mà tách rời con.”

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.