CÁCH TIẾP CẬN CỦA TA LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH CHO TRẢI NGHIỆM

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ cho thấy cách tiếp cận của ta là yếu tố quyết định cho trải nghiệm.

Một cậu bé mắc chứng tự kỷ, đi kèm với chứng hoảng loạn và hoang tưởng. Chứng hoảng loạn này làm cậu luôn bất an, sợ hãi người khác và thường xuyên lên cơn. Vì vậy, cậu bé thấy rất khó khăn khi rời khỏi nhà hay tiếp xúc với bạn bè. Cậu không thể ở nhà một mình được, mà đi ra ngoài cũng không vì cơn hoảng loạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Những ngày cậu thoải mái, vui vẻ, dễ chịu là những ngày rất hiếm hoi.

Tôi chưa từng gặp phụ huynh nào hy sinh nhiều như bố mẹ cậu bé này. Họ thay đổi toàn bộ cuộc sống để phù hợp với căn bệnh của con. Dù luôn ở bên con 24/7, trong hai năm làm việc chung, tôi chưa bao giờ thấy họ tỏ ra mất kiên nhẫn hay chán nản. Tôi hỏi người cha, “Nhờ đâu anh chị có thể kiên trì hy sinh và tận tình chăm sóc như vậy? Có bao giờ anh muốn gào thét với ông trời rằng thế này quá bất công?”

Người cha nhìn tôi ngạc nhiên “Bất công chỗ nào? Bởi vì con tôi là người thế này? Đó là con tôi và tôi chấp nhận hoàn toàn con người của nó. Nếu con gặp khó khăn, tôi cần bình tĩnh hơn. Nếu con sợ hãi, tôi cần nhẹ nhàng hơn. Nếu con lo lắng, tôi cần dịu dàng với con. Tôi cho con điều con cần vì đó là sứ mệnh của tôi.”

Người cha đã lựa chọn sẵn sàng chấp nhận vận mệnh của mình. Anh không chấp nhận trở thành nạn nhân, không sống thoi thóp, mà chủ động vượt qua thử thách. Anh hoàn toàn hiểu vai trò của mình trong mối quan hệ và cách tiếp cận của mình đóng vai trò quyết định trong thực tại chung của cả gia đình. Cho dù khó khăn gian khổ, anh hoàn toàn nhập tâm xem đời mình là một cuộc phiêu lưu.

Người hạnh phúc không tập trung giải thích tại sao cuộc đời diễn ra như thế, mà chỉ chú ý vào nhu cầu phát triển. Họ chấp nhận rằng cuộc sống cũng như đại dương, có lúc bình lặng, có lúc dữ dội và điều khiển để chính mình lên xuống nhịp nhàng với dòng nước. Họ quan sát năng lượng sống xung quanh, từ bỏ mọi định kiến về cuộc đời và phản hồi phù hợp với bản chất của thực tại, bằng sự linh hoạt cảm xúc. Từ bỏ tri thức, họ tin vào bản năng và hiểu rằng nhiều khi chúng ta không cần hiểu “tại sao”. Thay vì áp đặt ý chí lên thực tại, họ học hỏi, tiếp cận mọi tình huống với tư cách là người học việc chứ không phải là nạn nhân. Họ biết rằng thông thường, khi thực tại xoay chiều, những hạt ngọc của lòng dũng cảm và hy vọng sẽ bừng sáng. Họ biết cách trải nghiệm cuộc sống với triết lý xem mỗi thất bại là một người thầy lớn. Khi mọi tình huống đều là cơ hội học hỏi, cái “xấu” và cái “tốt” trở thành hai mặt đồng xu của sự trưởng thành.

Mỗi tình huống cuộc sống là một cơ hội nhiệm màu để ta dạy con về cho và nhận, về sự khiêm nhường, kiên nhẫn, lòng dũng cảm và tình yêu thương. Ta chỉ cần biết gạn đục khơi trong. Ta giúp con thấy bài học trong mỗi trải nghiệm để chúng làm chủ cuộc đời với niềm say mê thích thú. Con không còn tự thấy mình là nạn nhân mà luôn có sức mạnh.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.