BÁT CHÁNH ĐẠO & TỨ DIỆU ĐẾ

Có hai thái cực mà người tu đạo nên tránh: một là lao mình vào khoái lạc nhục thể, hai là hành hạ thân xác cho hao mòn. Cả hai con đường đều đứa tới sự phá sản của thân tâm. Con đường trung đạo tránh được hai thái cực ấy là con đường Bát chánh: nhận thức chân chính, tư duy chân chính, ngôn ngữ chân chính, hành động chân chính, sinh kế chân chính, chuyên cần chân chính, niệm lực chân chính và định lực chân chính. Sở dĩ gọi là chánh đạo vì con đường này không phải là con đường trốn tránh đau khổ mà là con đường đối diện trực tiếp khổ đau để diệt trừ khổ đau. Con đường bát chánh là con đường của sự sống tỉnh thức. Vì vậy chánh niệm là khởi điểm. Có chánh niệm thì sẽ có chánh định, nghĩa là định lực có tác dụng đưa tới trí tuệ. Nhờ có niệm lực và định lực chân chính thì nhận thức, tư duy, ngôn từ, hành động, sinh kế và sự chuyên cần cũng sẽ đi vào chánh đạo. Trí tuệ được phát sinh sẽ giải thoát cho người hành giả tất cả mọi ràng buộc khổ đau và làm phát sinh nơi người hành giả nguồn an lạc chân chính.

Xem thêm >>> BA VIÊN NGỌC QUÝ (PHẬT – PHÁP – TĂNG)

Có bốn sự thật mà người tu phải công nhận: sự có mặt của khổ đau, sự có mặt của những nguyên nhân của khổ đau ấy, sự chấm dứt khổ đau và con đường đi tới chấm dứt khổ đau. Bốn sự thật ấy là bốn sự thật mầu nhiệm, là tứ diệu đế.

  • Sự thật thứ nhất: khổ đau. Sinh, già, bệnh và chết là khổ; buồn, giận, ghen, tức, lo lắng, sợ hãi và thất vọng là khổ; chia cách người thân yêu là khổ, chung đụng với người ghét bỏ là khổ, tham đắm và kẹt vào năm uẩn là khổ.
  • Sự thật thứ hai: nguyên nhân của khổ đau. Vì u muội, vì không thấy và không hiểu được sự thật về bản thân và về cuộc đời cho nên con người bị những ngọn lửa của tham đắm, giận hờn, ghen ghét, sầu não, lo lắng, sợ hãi và thất vọng đêm ngày đốt cháy và hành hạ.
  • Sự thật thứ ba: sự chấm dứt khổ đau. Đó là trí tuệ, là hiểu biết, là sự nhận thức được sự thật về bản thân và về cuộc đời. Trí tuệ này, cái thấy này đưa lại sự chấm dứt của mọi sầu đau và làm phát sinh niềm an lạc.
  • Sự thật thứ tư: con đường diệt khổ. Đó là con đường Bát chánh đạo. Bản chất của Bát chánh đạo được nuôi dưỡng bằng nếp sống tỉnh thức hằng ngày, đó là chánh niệm. Chánh niệm đưa tới Định và Tuệ, có năng lực giải thoát con người khỏi mọi niềm đau và đem lại mọi an vui.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *