NĂM GIỚI TÂN TU

Khi một người biết sống tỉnh thức thì người ấy biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì và vì vậy người ấy có thể tránh được những ý nghĩ, lời nói và động tác có thể gây nên đau khổ cho mình và cho kẻ khác.

Sống tỉnh thức là sống trong giờ phút hiện tại, biết được những gì đang xảy ra trong bản thân mình và hoàn cảnh mình. Sống như thế ta tiếp xúc được với sự sống, và nếu tiếp tục sống tinh cần như thế ta có thể hiểu biết được bản thân ta và hoàn cảnh ta một cách sâu sắc. Và sự hiểu biết đưa tới sự chấp nhận và sự thương yêu. Khi mọi loài hiểu biết nhau, chấp nhận nhau và thương yêu nhau thì cuộc đời sẽ không còn nhiểu khổ đau. Con đường ấy là “con đường tỉnh thức”. Bụt có nghĩa là “người tỉnh thức” theo tiếng Magadhi gọi là Budda. Đạo Bụt có nghĩa là “đạo tỉnh thức”, còn gọi là đạo hiểu biết và thương yêu.

Người học theo con đường tỉnh thức thì phải biết vun bồi sự hiểu biết (Trí) và tình thương yêu (Bi) của mình. Năm giới tức là cách thức sống để thực hiện từ bi và trí tuệ, là phương thức tạo dựng và bảo vệ hoà bình và hạnh phúc trong quốc gia. Là những nguyên tắc sống chung hoà bình và an lạc, trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Giới thứ nhất là tránh việc tàn hại sanh mạng (không sát sanh). Giữ giới này là để nuôi dưỡng lòng từ bi. Tất cả các loài sinh vật, từ người cho đến chim muông và cầm thú, loài nào cũng sợ chết. Nếu ta biết tôn quý sự sống của ta thì ta cũng phải biết tôn quý sự sống nhưng loài sinh vật khác. Không những ta không được tiêu diệt sự sống của con người, mà ta còn nên tránh việc tiêu diệt sự sống của các chủng loại khác. Ta phải sống hoà bình với con người và sống hoà bình với các loài sinh vật khác. Nuôi dưỡng được lòng thương, ta làm cho cuộc đời bớt khổ và đẹp đẽ thêm lên. Nếu mọi người thương nhau và đoàn kết với nhau thì dân giàu nước mạnh, không có nước nào có thể đủ sức để xâm lăng nước mình. Và tuy có quân đội hùng mạnh, quốc gia sẽ không cần sử dụng đến. Quân đội sẽ có thì giờ để làm những công việc xây dựng đường xá, cầu cống, chợ búa và đê điều.

 

Giới thứ hai là không xâm phạm đến tài sản của kẻ khác (không gian lận trộm cắp). Nếu tài sản của mình là do mình tạo ra bằng sức làm việc hàng ngày của mình thì không ai có quyền xâm phạm đến. Tất cả những lời nói và hành động nào nhằm tước đoạt tài sản ấy đều được xem là phạm giới. Không được ăn trộm, ăn cướp, lường gạt hoặc dùng quyền lực mình để chiếm đoạt tài sản của kẻ khác. Lợi dụng sự khờ dại và bóc lột sức lao động của kẻ khác và hoàn cảnh khó khăn của họ để làm giàu cũng phạm vào giới này. Nếu dân trong một nước mà biết hành trì giới này thì trong nước sẽ có công bằng xã hội và những tội ác như  cướp của và giết người sẽ giảm bớt rất mau chóng.

Giới thứ ba là không xâm phạm đến tiết hạnh của kẻ khác (không tà dâm). Ngoài vợ hay chồng mình, người giữ giới không được chung chạ với kẻ khác. Giữ được giới này thì tạo được đức tin và hạnh phúc trong gia đình mình, đồng thời cũng tránh được sự gây ra đổ vỡ khổ đau trong các gia đình khác. Muốn có hạnh phúc, muốn có thì giờ và tâm não để lo việc ích quốc lợi dân thì nên giữ giới này.

Xem thêm >>> BÁT CHÁNH ĐẠO & TỨ DIỆU ĐẾ

Giới thứ tư là không nói dối và không nói những lời gây chia sẽ căm thù. Lời nói phải phù hợp với sự thật: có thì nói có, không thì nói không. Lời nói có thể tạo nên niềm tin và hạnh phúc. Lời nói cũng có thể tạo nên đổ vỡ và thù oán, có khi còn đưa tới sự chém giết lẫn nhau. Có khi lời nói cũng có thể tạo ra chiến tranh. Ta phải cẩn thận để không nói những lời trái với sự thật, không xuyên tạc, chửi rủa, không dùng lời nói để gây thù hận và loan những tin truyền mà mình không chắc là có thực.

Giới thứ năm là không uống rượu và không sử dụng các chất ma tuý. Rượu và các chất ma tuý làm cho ta mất sáng suốt. Khi say ta có thể tạo ra nhiều đổ vỡ cho bản thân, cho gia đình và cho tổ quốc. Giữ giới này ta cũng giữ cho thân thể ta được khoẻ mạnh và tâm hồn ta được sáng suốt, vì vậy bậc thức giả luôn luôn phải giữ giới này.

Nếu ta sống theo được tinh thần của năm giới này, ta sẽ tránh được cho bản thân ta, gia đình ta và bạn bè ta mọi đau khổ và đổ vỡ. Ta sẽ thấy đời ta tươi sáng và hữu ích lên gấp trăm lần.

(Trích từ sách Đường Xưa Mây Trắng, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.