Nếu một pháp môn là một pháp môn đúng, nếu sự thực tập là một sự thực tập tốt, thì không cần phải đợi đến khi năm hay mười năm mà chỉ cần vài giờ đồng hồ là đã có có thể có chuyển hoá và chữa trị. Tôi biết rõ bà bạn theo Cơ Đốc Giáo đó đã thành công là vì bà đã thuyết phục được chồng ghi tên tham dự khoá tu thứ hai tiếp theo sau đó.
Sau một khoá tu sáu ngày tiếp theo, chồng của bà cũng đã chuyển hoá sâu sắc. Trong một buổi thiền trà, ông đã giới thiệu vợ mình cho các bạn tu và nói: “Thưa các bạn, tôi xin giới thiệu với các bạn một vị Bồ Tát. Người này là vợ tôi nhưng cũng là một vị Bồ Tát. Trong năm năm qua, tôi đã làm cho vợ tôi đau khổ rất nhiều. Tôi đã rất dại dột. Nhưng nhờ tu tập mà vợ tôi đã thay đổi tình trạng, đã cứu sống tôi”. Rồi sau đó hai vợ chồng đã kể lại tình trạng gia đình trong năm năm qua và trong trường hợp nào mà họ đến tham dự khoá tu. Họ chia sẻ với đại chúng nhờ đâu mà họ đã làm hoà được với nhau, tái lập tình thương yêu lại với nhau.
Xem thêm >>> TIÊU THỤ SÂN HẬN
Khi một người làm vườn dùng một loại phân bón mà không thấy có kết quả thì người ấy phải thay loại phân bón khác. Điều đó cũng đúng với chúng ta. Nếu sau vài tháng tu tập mà không thấy có chuyển hoá hay chữa trị thì phải xét lại. Phải thay đổi phương cách và tìm cho ra một pháp môn tu tập khả dĩ thay đổi cuộc sống của chính ta và của những người ta thương.
Điều này tất cả chúng ta đều làm được nếu chúng ta có được pháp môn đúng và chúng ta thực tập tốt. Nếu chúng ta hết lòng thực tập, nếu chuyện thực tập là chuyện sống chết như trường hợp bà bạn người Cơ Đốc trên đây, thì không có gì mà ta không chuyển đổi được.
Chúng ta đang sống trong một thời đại với biết bao phương tiện truyền thông tinh xảo. Tin tức có thể truyền đi xa vạn dặm trong nháy mắt nhưng đồng thời truyền thông giữa chúng ta, giữa cha và con, giữa chồng và vợ thì lại rất khó khăn. Nếu không thiết lập lại được truyền thông giữa ta và những người khác thì không thể nào có được hạnh phúc. Trong giáo lý của Đạo bụt, pháp môn thực tập lắng nghe với tâm từ bi, thực tập ái ngữ cũng như thực tập chăm sóc sân hận đã được diễn bày rất rõ ràng. Chúng ta phải đem ra áp dụng hầu mong có thể thiết lập lại truyền thông và xây dựng hạnh phúc cho gia đình, học đường, cho cộng đồng của riêng chúng ta, rồi tư đó mới có thể giúp ích những người khác trên thế giới.
(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)