TIÊU THỤ SÂN HẬN

Tất cả chúng ta cần phải biết cách xử lý và chăm sóc cơn giận. Muốn vậy ta phải chú ý đến khía cạnh sinh-hóa (bio-chemical) của sân hận, bởi vì cơn giận có gốc rễ từ thể chất cũng như tinh thần. Phân tích cho sâu sắc, ta có thể khám phá ra những yếu tố sinh lý của cơn giận. Vì vậy cần xét kỹ lại cách chúng ta ăn, uống, tiêu thụ cũng như săn sóc thể xác trong đời sống hằng ngày.

Thân và tâm chúng ta không thể tách rời. Thân chính là tâm và đồng thời tâm cũng chính là thân. Vì thân và tâm liên hệ chặt chẽ và không thể tách rời, cho nên cơn giận không phải chỉ là một hiện tượng thuần tuý tâm lý. Trong đạo Bụt có danh từ Namarupa. Namarupa tương đương với danh từ psycho-soma của khoa học Tây phương. Danh từ Namarupa-soma có thể dịch là tâm-sinh-lý, là thân và tâm như một hợp thể. Cùng là hiện tượng mà có khi phát hiện ra như thuộc về tâm, có khi phát hiện như thuộc về thân.

Quan sát tánh chất của các hạt cơ bản (elementary particle) các nhà khoa học vật lý khám phá ra rằng các hạt cơ bản có khi biểu hiện ra dưới một dạng sóng (wave), có khi biểu hiện ra như một hạt vật chất. Sóng rất khác với vật chất. Sóng chỉ có thể là sóng, nó không thể là vật chất. Nhưng đối với một loại hạt cơ bản thì sóng và vật chất cùng là một. Vì vậy thay vì gọi các hạt cơ bản là sóng hay vật chất, các nhà khoa học đã phối hợp hai danh từ wave và particle lại với nhau và gọi hạt cơ bản là “wavicle”.

Thân và tâm cũng vậy. Do nhận thức nhị nguyên (dualistic view) mà ta nghĩ rằng tâm không thể là thân và thân không thể là tâm. Nhưng nếu quán chiếu cho sâu, ta sẽ thấy rằng thân tức là tâm và tâm tức là thân. Nếu vượt thoạt được lối nhìn nhị nguyên cho rằng thân và tâm là hai thực thể riêng biệt thì có thể đạt đến rất gần chân lý thực tại.

Xem thêm >>> SỨC MẠNH CỦA CHÁNH NIỆM (Niệm)

Nhiều người đã bắt đầu ý thức rằng tất cả những gì xảy đến cho thân thì cũng xảy đến cho tâm và ngược lại. Y khoa hiện đại đã nhận ra rằng thể xác bị bệnh có thể do tâm thần gây nên và tâm thần bị bệnh có thể do thể xác gây nên. Thân và tâm không phải là hai thực hể riêng biệt mà chỉ là một.

Muốn chăm sóc cơn giận, chúng ta trước tiên phải chăm sóc thân thể. Cách chúng ta ăn uống, tiêu thụ vì vậy rất quan trọng.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.