GỠ BOM

Sau khi nghe bài pháp thoại bà rất nao nức. Bà muốn về nhà ngay để giúp chồng. Nhưng bà bạn Phật tử nói rằng: “Không được đâu chị. Chị không nên làm chuyện đó ngay ngày hôm nay vì pháp môn lắng nghe là một pháp môn rất sâu. Chị phải thực tập ít nhất một hay hai tuần lễ để có thể lắng nghe sâu sắc” và bà này đã mời bạn của mình tham dự một khoá tu.

Trong khoá tu có khoảng hơn bốn trăm người tham dự, cùng ăn, cùng ở, cùng thực tập trong sáu ngày. Trong sáu ngày đó, tất cả mọi người cùng thực tập hơi thở chánh niệm để đem thân tâm về một. Tất cả mọi người cùng thực tập đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, để hết tâm ý vào mỗi bước chân, mỗi cử chỉ, đồng thời quán chiếu và ôm ấp tâm tư cũng như khổ đau của chính mình.

Họ không chỉ nghe pháp thoại mà còn thực tập lắng nghe nhau để tìm hiểu niềm đau, nổi khổ của người kia và họ chỉ nói với nhau những lời nói dịu dàng dễ thương (ái ngữ). Người phụ nữ theo Cơ Đốc Giáo đã thực tập hết lòng bởi đối với bà đây là một vấn đề sống chết.

Sau khoá tu, khi về nhà bà rất bình tĩnh, lòng bà tràn ngập yêu thương. Bà quyết tâm muốn giúp chồng gỡ trái bom ra khỏi tim. Bà đi đứng chậm rãi, theo dõi hơi thở để được thêm bình tĩnh và nuôi dưỡng tâm từ bi. Chồng bà cảm nhận sự khác lạ nơi bà khi thấy bà đi đứng chánh niệm như vậy. Rồi tối hôm ấy bà đến gần và ngồi yên bên chồng. Đây là một điều mà bà không bao giờ làm được trong năm năm qua.

Bà ngồi yên như vậy khá lâu, có lẽ gần mười phút. Xong rồi bà nhẹ đặt bàn tay lên tay chồng và nói: “Anh ơi, em biết trong năm năm qua anh đã đau khổ rất nhiều, em nay rất thông cảm. Em biết em đã là một phần lớn nguyên nhân làm anh đau khổ. Em đã không an ủi anh mà còn làm cho anh khổ thêm. Em đã làm rất nhiều lầm lỗi. Em rất ân hận. Em xin anh cho em một cơ hội để làm mới lại. Em muốn anh được hạnh phúc, nhưng em đã không biết phải làm thế nào mà còn làm cho tình trạng ngày càng đen tối. Em không muốn tình trạng này kéo dài mãi. Xin anh giúp em đi. Em cần anh giúp em để em có thể hiểu anh hơn và thương anh hơn. Anh nói cho em nghe những tâm tư sâu kín trong tim anh đi. Em biết anh đã rất đau khổ. Xin anh cho em biết những niềm đau nỗi khổ của anh để em không còn tạo thêm khổ đau cho anh như trong quá khứ. Không có anh giúp em thì em không làm gì được. Em chỉ muốn thương yêu anh mà thôi”. Khi bà nói như vậy thì chồng bà đã khóc. Ông khóc như một đứa bé.

Xem thêm >>> PHÁP MÔN ĐÚNG – THỰC TẬP TỐT

Đã từ lâu vợ ông luôn luôn chua chát với ông. Bà chỉ có to tiếng, lời nói luôn đầy giận giữ, cay đắng, trách móc, phê phán. Cả hai vợ chồng chỉ biết gây gổ với nhau. Đã bao năm qua, có khi nào mà bà nói được với ông những lời yêu thương, ngọt ngào như ngày hôm nay! Khi thấy chồng khóc, bà cảm thấy tình thế có phần hy vọng. Cánh cửa trái tim của chồng bà lâu nay khép kín nay bắt đầu hé mở. Bà biết lúc này bà phải rất cẩn thận, và bà đã tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, rồi nói: “Anh ơi, anh nói ra tất cả những gì sâu kín trong tim anh cho em nghe đi. Em muốn cư xử với anh hay hơn. Em không muốn tạo thêm lỗi lầm gì nữa.”

Bà vợ là một người trí thức, cũng có bằng Ph.D. Nhưng cả hai đã đau khổ vì không biết cách thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Nhưng ngày hôm đó, người vợ  đã thực tập lắng nghe với tâm từ bi rất thành công. Lắng nghe với tâm từ bi đã có một tác dụng chữa trị mầy nhiệm cho cả hai người. Chỉ vài giờ đồng hồ sau hai vợ chồng đã làm hoà được với nhau.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.