XÂY DỰNG MỘT LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT CÓ TÂM TỪ BI

Hiền lành, tử tế không có nghĩa là thụ động. Từ bi không có nghĩa là để cho người khác giày đạp, tiêu diệt mình. Phải tự bảo vệ mình và bảo vệ những người khác. Nếu cần giam một người nào rất nguy hiểm thì phải giam vậy. Nhưng mà phải làm chuyện đó với tâm từ bi. Động lực là ngăn ngừa người ấy tiếp tục phá hoại và tự tưới tẩm sân hận.

Không cần phải là một ông thầy tu thì mới có từ bi. Một cảnh sát, một quan toà hay một người canh tù thì cũng có thể từ bi. Cảnh sát, quan toà hay người canh tù phải là những vị Bồ Tát có tâm từ bi rộng lớn. Mặc dầu cần phải cứng rắn nhưng luôn luôn giữ sáng tâm từ bi.

Nếu đã thực tập nếp sống chánh niệm thì bạn phải giúp cho những người cảnh sát hành động với tâm từ bi và không sợ hãi. Trong thời hiện đại ở phương Tây, người cảnh sát luôn luôn sợ hãi, giận giữ và căng thẳng vì họ đã bị tấn công nhiều lần. Những ai thù ghét và miệt thị cảnh sát là không hiểu họ. Mỗi buổi sáng, khi người cảnh sát mặc sắc phục và đeo súng vào, họ không biết chắc chiều hôm đó họ còn sống để về nhà hay không. Người cảnh sát rất đau khổ. Gia đình họ cũng rất đau khổ. Họ không vui gì khi đánh đập, bắn chết người khác. Nhưng chỉ vì họ không biết cách xử lý sợ hãi, đau khổ, bạo động trong mình cho nên họ cũng có thể trở thành những nạn nhân của xã hội như bất cứ ai khác. Cho nên, là một cảnh sát trưởng, nếu bạn hiểu thấu được tâm tư của những cảnh sát dưới quyền, bạn phải thực tập để nuôi lớn từ bi và hiểu biết trong mình. Khi đó bạn mới có khả năng huấn luyện và giúp đỡ nhân viên thuộc quyền hằng ngày, hằng đêm phải thi hành nhiệm vụ khó khăn là gìn giữ an ninh trật tự trong thành phố.

Xem thêm >>> ĐỐI THOẠI ĐỂ CHẤM DỨT SÂN HẬN VÀ BẠO ĐỘNG

Nước Pháp gọi cảnh sát là những người “giữ hoà bình” (peace-keeper). Nhưng nếu không có hoà bình trong tâm thì làm sao giữ được hoà bình cho cả thành phố? Trước hết phải giữ bình an cho bản thân. Bình an ở đây có nghĩa là không sợ hãi, là sáng suốt, và có tuệ giác. Người cảnh sát có được học những kỹ thuật tự vệ. Nhưng kỹ thuật tự vệ không đủ. Phải thông minh, phải hành động không phải vì sợ hãi. Nếu sợ hãi quá thì có thể lầm lỗi, sẽ có xu hướng dùng súng và có thể giết người vô tội.

 (Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.