TRỞ VỀ ĐỂ GIÚP

Trong khi chờ tới ngày hẹn, ngày Thứ Sáu, bạn nên quán chiếu để nhận diện phần lỗi của mình trong vụ xung đột. Không nên đổ lỗi hoàn toàn cho người kia. Bạn phải công nhận rằng lý do chính gây nên đau khổ của bạn là hạt giống giận trong bạn, còn người kia chỉ là một nguyên nhân phụ.

Khi bạn nhận ra vài trò của mình trong vụ xung đột, bạn sẽ càng cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Bởi vì bạn có khả năng thực tập hơi thở chánh niệm, chăm sóc cơn giận, giải toả năng lượng tiêu cực chỉ trong vòng mười lăm phút là bạn thấy khoẻ ra rồi.

Nhưng người kia có thể còn đang ở trong địa ngục và còn đang đau khổ rất nhiều. Người thương của bạn là đoá hoa của bạn, bạn phải chịu trách nhiệm. Bạn đã có lời hứa sẽ chăm sóc người thương của mình. Bạn biết rằng mình có trách nhiệm phần nào về tình trạng hiện thời của người ấy, bởi vì bạn đã không thực tập đàng hoàng, bạn đã không chăm sóc đoá hoa của mình. Bạn cảm thấy thương người ấy gấp bội và nao nức muốn trở về để giúp đỡ. Người kia là người rất thân của bạn. Nếu bạn không giúp thì ai giúp người ấy bây giờ?

Khi bạn có ý muốn trở về với người kia để giúp đỡ là bạn biết rằng năng lượng sân hận trong mình đã biến thành năng lượng của tình thương. Sự thực tập của bạn đã có kết quả. Rác đã biến thành hoa. Có thể là cần mười lăm phút, nửa giờ hay một giờ. Điều đó tuỳ thuộc ở nơi định lực, nơi mức độ chánh niệm của bạn. Điều đó cũng tuỳ thuộc vào nơi mức độ giác ngộ và tuệ giác mà bạn gặt hái được trong khi tu tập.

Xem thêm >>> CÓ CHẮC LÀ ĐÚNG KHÔNG?

Có thể là mới ngày Thứ Ba và bạn còn ba ngày trước khi tới ngày hẹn. Nhưng bạn không muốn cho người kia kéo dài đau khổ. Vậy thì, khi bạn nhận ra lỗi của mình, tức khắc bạn phải gọi điện thoại cho người kia ngay: Em ạ, anh đã bớt giận rồi. Anh đã có một tri giác sai lầm. Anh thấy rõ là anh đã làm cho cả hai ta cùng khổ. Chắc chúng ta không cần hẹn nhau Thứ Sáu này. Bạn hành động như thế là vì thương yêu.

Thường thường sân hận phát khởi từ một tri giác sai lầm. Vậy khi nhìn sâu vào nguyên nhân đã gây nên khổ đau và khám phá ra rằng đó chỉ là tri giác sai lầm thì bạn phải cho người kia biết ngay. Người ấy không muốn làm bạn khổ mà với một lý do nào đó bạn cứ tin là người ấy cố ý làm vậy. Mỗi một chúng ta – dầu là chồng, là vợ, là con, là bạn bè – đều phải thực tập để quán chiếu sâu sắc tri giác của mình.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.