TA CHỈ CÓ THỂ SỐNG MỞ LÒNG VÀ BUÔNG SẢ KHI BIẾT SỐNG AN NHIÊN (PHẦN 2)

Sự suy diễn xảy ra rất nhanh, ngay khi ta quyết định rằng sự kiện trước mắt có phù hợp với cái tôi của mình hay không. Ta cảm thấy dễ chịu nếu cuộc đời phản chiếu đúng với cái tôi của mình. Ngược lại, nếu cuộc đời dám đi ngược với những định kiến hằn sâu trong tâm trí, ta lại đánh mất tự chủ.

Mọi rắc rối đều xoay quanh những suy diễn chủ quan của ta về các sự kiện xung quanh. Hậu quả đáng buồn là ta cho rằng nguyên nhân tâm trạng thất thường của ta đều do con cái. Điều này tạo cho con có mặc cảm tội lỗi và vô dụng. Từ tâm thế đó, chúng quay lại phản ứng với ta. Nguyên nhân ban đầu của phương trình cân bằng này chính là phản ứng sai lầm dựa trên định kiến của ta đối với hành vi của con.

Trẻ con luôn hồn nhiên, không cố tình muốn làm ta nổi giận. Chúng ta không nên đổ lỗi cho bản thân hay bất kỳ ai bởi mọi mối quan hệ đều tiềm ẩn mâu thuẫn. Tuy nhiên, ta cần theo dõi để uốn nắn những hành động trong vô thức của mình. Chúng ta thường sa vào trạng thái vô thức mù quáng đó bởi ai cũng có những vết thương lòng chưa được giải quyết, để rồi biểu hiện ra thành những phản ứng lệch lạc đối với những hành vi bình thường của con cái.

Hiện tượng bị kích động luôn gắn chặt với những kịch bản và vai diễn của ta trong đời. Chẳng hạn, ta luôn tự nhủ, “Mình xứng đáng được tôn trọng hơn”. Mỗi khi ta diễn giải hành vi của con là thiếu tôn trọng thì thêm một lần ta chứng tỏ rằng danh dự đối với mình cực kỳ quan trọng. Ta có thể nổi cơn lôi đình nếu bất kỳ ai tỏ ra không đủ tôn trọng ta. Ta tự nhủ thầm, “mình xứng đáng hơn thế này chứ. Tại sao người này dám làm điều đó với mình?”

Giá như ta hiểu được sức mạnh của những diễn giải chủ quan.

Trong trường hợp của một cô gái trẻ bị thất lạc gia đình suốt 15 năm là một điển hình cho thấy sự méo mó trong cái nhìn chủ quan của ta. Đêm trước khi tổ chức buổi đoàn tụ với gia đình, cô gặp ác mộng khi thấy buổi gặp gỡ đó là một trận đấu kiếm. Cô tiến lại gần khi trận đấu kiếm diễn ra. Đột nhiên, cô nhận ra trên tay những người tham gia không phải là những thanh kiếm. “Ồ,” cô tự nghĩ, “không phải đấu kiếm – họ đang khiêu vũ!” Khi tỉnh giấc, cô nhận ra rằng có một phần trong tiềm thức của mình đang mong chờ buổi đoàn viên này. Trong khoảnh khắc đó, cô hiểu mình hoàn toàn có thể tự chọn cách diễn giải về thực tại. Nhờ đó, buổi đoàn tụ gia đình trở thành một trải nghiệm quý giá trên hành trình tâm linh của cô.

Sai lầm lớn nhất khiến cái tôi bị kích hoạt chính là những suy diễn chủ quan của ta đối với sự kiện. Khi con cái không theo đúng “kịch bản”, ta lập tức diễn giải chúng là người có lỗi và chúng làm thế bởi vì không tôn trọng uy quyền của ta. Ta không nhìn thấy rằng chính những diễn giải đó đã dựng lên sân khấu cho mọi rắc rối. Ta cũng không thể hiểu bản chất rằng, theo một cách nào đó, ta cảm thấy bị đe dọa.

Ta vướng vào tấn bi kịch này bởi không chịu chấp nhận bản chất như nhiên của thực tại. Ta tự tạo ra những lo lắng sợ hãi không cần thiết bằng việc áp đặt quá khứ của ta vào tình huống hiện tại. Trạng thái thất thường này thúc dục ta vội vàng phản ứng, làm khổ tất cả mọi người liên quan, chỉ để có cảm giác rằng ít ra mình đang hành động. Ta tự tạo ra bi kịch bởi nhầm tưởng sự “thất thường” của mình là “có ích”.

Hãy quay trở lại trường hợp của Peter và Andrew. Sẽ ra sao nếu Peter nhìn nhận sự nổi loạn của con với trạng thái như nhiên? Nếu không áp đặt định kiến lên hành vi của con, và – quan trọng hơn nữa, đặt bản thân ra khỏi phương trình này – ông đã bớt cứng nhắc, đã tạo ra được không gian cần thiết để phản ứng mềm dẻo và sáng tạo hơn với con. Khi ta biết mở ra không gian trong lòng, ta khám phá ra những cách mới để giao tiếp với con, hoàn toàn khác biệt với cuộc chiến liên miên. Nhu cầu bức bối phải “giải quyết” làm ta mất mạch sáng tạo. Cuộc đời vì thế là cuộc chiến không hồi kết cho cái tôi của cha mẹ và con cái.

Ta chỉ có thể sống mở lòng và buông sả khi biết sống an nhiên. Được giải thoát khỏi những định kiến cứng nhắc, ta mới có thể đối diện với thực tại bằng những cách tiếp cận phù hợp chứ không phải bằng những nhận định chủ quan. Càng mài dũa khả năng xử lý tình huống khách quan, không dán nhãn “tốt”, “xấu” mà chỉ chấp nhận bản chất như nhiên của cuộc sống, ta càng ít có nhu cầu coi mọi tình huống xung quanh đều hướng về phía mình.

Khi đó, con hoàn toàn có thể khóc lóc mà không làm ta nổi đóa. Ta có thể uốn nắn hành vi của con mà không trút lên đầu chúng những tàn dư của giận hờn, tội lỗi, sợ hãi, tự ti mà ta mang trong lòng.

Khi mọi người xung quanh được phép thể hiện cảm xúc mà không sợ vướng vào tấn bi kịch của ta, ta dần cũng sẽ chấp nhận hoàn toàn cảm xúc của mình, hiểu rằng cảm xúc cũng chỉ là trạng thái nhất thời. Ta có khả năng nhìn cuộc sống bằng đầy đủ quang phổ của màu sắc. Ta cảm nhận cuộc sống mà không cần dán nhãn cho chúng là “xấu” – “tốt”. Cuộc sống và con người quá phong phú màu nhiệm để ta đo đếm hay phân loại như thế.

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –

Xem thêm >>> LÀM SAO ĐỂ KIỂM SOÁT SỰ LO LẮNG?