MỘT BỨC THƯ TỐI ƯU QUAN HỆ

Nếu đã thực tập ái ngữ và nghe sâu giỏi thì bạn có thể giải quyết xung đột bằng cách gặp mặt trực tiếp nói chuyện. Nhưng nếu không chắc có đủ bình an, vững chãi và từ bi để có thể nói chuyện một cách bình tĩnh, tươi mát, dễ thương thì bạn có thể viết thư. Viết thư là một thực tập rất quan trọng. Bởi vì mặc dầu có đầy thiện chí, nhưng nếu thực tập chưa vững bạn có thể còn có bực bội và thiếu khôn khéo khi nói năng, phản ứng và đánh mất cơ hội để hoà giải. Cho nên đôi khi viết thư thì an toàn hơn.

Trong bức thư bạn có thể viết rất thành thực. Bạn có thể nói cho người kia biết những gì người ấy đã làm cho bạn đau khổ. Hãy nói ra hết những cảm xúc sâu xa của bạn. Trong khi viết, bạn thực tập giữ tâm bình tĩnh, sử dụng lời nói hoà nhã, yêu thương. Hãy cố gắng thiết lập đối thoại. Chẳng hạn bạn có thể viết như sau: “Bạn thân mến, tôi có thể có tri giác sai lầm. Những điều tôi viết ở đây có thể là không trung thực. Tuy nhiên đây là những kinh nghiệm trực tiếp của tôi trong vụ này. Đây là những cảm nhận từ đáy tim tôi. Nếu tôi viết ra có gì sai lầm thì xin hãy ngồi xuống cùng tôi để chúng ta có thể làm sáng tỏ những hiểu lầm.”

Trong truyền thống của chúng tôi tại Làng Mai, đây là ngôn ngữ mà một Thầy hay một Sư Cô sẽ sử dụng khi một thiền sinh đến xin tham vấn. Các Thầy, Cô sử dụng tuệ giác của tăng thân. Điều này không có nghĩa là tuệ giác của tăng thân toàn hảo, nhưng đó là tuệ giác hay nhất có thể được. Cho nên các Thầy, các Sư Cô khi trả lời thắc mắc đã xác nhận: “Trong khi tôi nói có những lời khuyên này, có thể là có nhiều điều mà tôi không được biết. Có thể là có nhiều điều tốt nơi bạn mà tôi chưa thấy. Có thể là tăng thân có nhận xét sai lầm.” Vậy thì khi viết thư bạn cũng nên nói như vậy, “Nếu tôi có tri giác sai lầm thì xin giúp tôi sửa đổi.” Hãy sử dụng ái ngữ khi viết thư. Nếu viết một câu mà chưa được dịu dàng vừa ý thì luôn luôn có thể viết lại câu khác cho dịu dàng hơn.

Trong thư ta phải chứng tỏ là ta có khả năng thấy rõ những đau khổ của người kia: “Bạn thân mến, tôi biết rằng bạn đang đau khổ. Và tôi biết răng bạn không hoàn toàn ý thức về đau khổ của bạn.” Vì đã có tu tập cho nên bạn có thể nhìn thấy những gốc rễ, nguyên nhân gây đau khổ nơi người kia. Bạn có thể nói cho người kia biết những điều đó. Bạn cũng có thể cho người kia biết những đau khổ của bạn, cho người kia biết là bạn đã hiểu vì sao mà người ấy đã nói năng, hành động như vậy.

Hãy để dành ra một, hai hay ba tuần lễ để viết bức thư ấy, bởi vì đây là một bức thư rất quan trọng. Bức thư đó rất quan trọng cho hạnh phúc của bạn. Thời gian để viết bức thư đó quan trọng hơn cả một hay hai năm viết luận án tiến sĩ. Luận án tiến sĩ của bạn đâu có quan trọng bằng bức thư này. Viết một bức thư như thế là điều hay nhất mà bạn có thể làm được để vượt bờ ngăn cách và tái lập truyền thông.

Xem thêm >>> PHỤC HỒI TỊNH ĐỘ

Bạn không cô đơn khi viết bức thư này. Những người mà bạn cần sự giúp đỡ luôn luôn có đó, ở trong tăng thân. Khi bạn viết một cuốn sách, bạn thường đưa bản thảo cho bạn bè hay các chuyên gia để hỏi ý kiến. Những người bạn đồng tu cũng là những chuyên gia vì họ đã thực tập nghe sâu, nhìn kỹ và ái ngữ.

Bạn phải là vì bác sĩ, là nhà tâm lý tài ba nhất của người thương của bạn. Cho nên hãy đưa bức thư của bạn cho một sư anh, sư chị hay Tri Tin Education để hỏi xem lời lẽ trong thư đã đủ dịu dàng, bình tĩnh chưa, tuệ giác đã sâu sắc chưa. Bạn có thể đưa bức thư ấy cho một sư anh khác, một sư chị khác đọc, cho đến khi bạn tin rằng bức thư của bạn có khả năng chuyển hoá và chữa trị người kia.

Kể gì thời gian và sức lực mà bạn đã dành ra để viết bức thư? Và ai lại nỡ từ chối giúp bạn trong khi bạn viết bức thư ấy? Phục hồi truyền thông với người thương là quan trọng biết chừng nào! Người thương của bạn có thể là cha, là mẹ của bạn, là con trai, con gái của bạn. Người ấy có thể đang ngồi bên cạnh bạn.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.