KHÔNG CÓ KẺ THÙ BẮT ĐẦU TỪ CHÍNH BẠN

Nếu không có truyền thông thì khó mà có hiểu biết thật sự. Nhưng phải nhớ rằng trước hết bạn phải truyền thông được với chính mình. Nếu bạn không thể truyền thông được với chính mình thì làm sao bạn có thể truyền thông với người khác? Thương yêu cũng vậy. Nếu bạn không thương yêu chính mình thì làm sao bạn có thể thương yêu người khác. Nếu bạn không thể chấp nhận chính mình, nếu bạn không thể đối xử từ bi với chính mình thì làm sao bạn có thể chấp nhận, đối xử từ bi với người khác?

Rất nhiều khi bạn đã hành xử giống y như ba của bạn mà bạn không biết. Và mặc dầu bạn hành xử như ba bạn, bạn vẫn có cảm tưởng là bạn và ba của bạn là hoàn toàn đối nghịch. Bạn không chấp nhận, bạn ghét bỏ ba của bạn. Bạn không chấp nhận ba của mình tức là không chấp nhận chính mình. Ba của bạn có trong bạn; bạn là sự tiếp nối của ba. Cho nên, nếu bạn có thể truyền thông với chính mình thì bạn sẽ có thể truyền thông với ba.

Ngã được làm bởi những yếu tố vô ngã, cho nên sự thực tập của chúng ta là hiểu rõ chính mình. Người cha là một yếu tố vô ngã. Ta nói rằng cha ta không phải là ta, nhưng nếu không có cha thì không có ta. Cho nên cha ta hiện hữu trong thân, trong tâm ta. Cha là ta. Cho nên, nếu bạn hiểu rõ mình một cách sâu sắc thì bạn có thể hiểu rằng bạn cũng chính là ba –ba không ở ngoài bạn.

Có rất nhiều yếu tố vô ngã khác mà bạn có thể tiếp xúc và nhận diện bên trong mình – tổ tiên, quả đất, mặt trời, thực phẩm, và nhiều hơn nữa. Những yếu tố đó mới thoạt nhìn thì có vẻ như không dính dáng gì tới ta, nhưng nếu không có chúng thì ta không thể sống được.

Giả thiết rằng hai phe lâm chiến muốn thương thảo trong khi cả hai bên đều không hiểu chi nhiều về tình hình phía bên mình. Mỗi phe phải biết rõ phe mình, biết rõ tình trạng quốc gia, dân tộc bên mình để có thể hiểu rõ phe bên kia, tình trạng quốc gia, dân tộc bên kia. Ngã và vô ngã không phải là hai thực thể riêng biệt, bởi vì đau khổ, hy vọng, hận thù của cả hai bên đều giống nhau.

Khi ta giận thì ta khổ. Nếu ta thực sự hiểu điều đó thì ta có thể hiểu được rằng người giận ta cũng khổ. Khi một người nào mắng chửi hay hành hung ta thì ta phải có đủ thông minh để thấy rằng người kia đau khổ vì bạo động và sân hận của chính người ấy. Ta có xu hướng quên đi điều đó. Ta cứ nghĩ rằng chỉ có ta là đang khổ và người kia là người đang đàn áp ta. Chỉ có chừng đó cũng đủ để ta càng thêm giận và càng muốn trừng phạt. Ta muốn trừng phạt người kia vì ta khổ. Những lúc đó ta cũng bạo động, cũng sân hận y như người kia. Khi thấy rằng đau khổ và sân hận của ta cũng chẳng khác gì đau khổ và sân hận của người kia thì ta sẽ hành xử từ bi hơn. Vậy thì hiểu người khác tức là hiểu mình, hiểu mình tức là hiểu người khác. Tất cả đều phải bắt đầu từ chính bản thân.

Xem thêm >>> TUỆ GIÁC CHẤM DỨT SÂN HẬN

Muốn tự hiểu mình, ta phải học hỏi và thực tập theo quan điểm bất nhị. Không nên đàn áp sân hận bởi vì sân hận chính là ta, là một phần của ta. Ta phải chăm sóc sân hận, bởi vì sân hận là một hiện tượng hữu cơ mà ta có thể chuyển hoá thành một hiện tượng hữu cơ khác. Rác có thể biến thành phân xanh và từ đó thành rau cải. Cho nên không nên khinh rẻ sân hận. Ta phải học cách chăm sóc, ôm ấp sân hận và chuyển hoá nó thành năng lượng của hiểu biết và thương yêu.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.