HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ CÁ NHÂN

Bụt không bao giờ khuyên ta đè nén cơn giận. Bụt dạy chúng ta trở về với tự thân và chăm sóc cơn giận.

Khi cơ thể có bệnh, hoặc bệnh ruột hoặc bệnh gan, ta phải gác bỏ tất cả mọi chuyện khác để săn sóc bệnh. Cơn giận của ta cũng là một bộ phận trong cơ thể, như ruột, gan vậy. Khi giận ta phải trở về với tự thân và săn sóc cơn giận của ta. Ta không thể nói. “Này cơn giận, mày hãy biến mất đi! Ta không muốn mày ở đây.” Khi đau bao tử tao có bao giờ bảo cái bao tử: “Này bao tử, mày hãy cút đi! Ta không có muốn mày ở đây!” Ta chăm sóc bao tử của ta. Cũng vậy, ta phải ôm ấp và chăm sóc cơn giận của ta. Ta nhận diện cơn giận, ôm ấp nó và mỉm cười. Năng lượng giúp ta làm được điều đó là năng lượng của chánh niệm, của bước chân chánh niệm, của hơi thở chánh niệm.

Nhận diện, ôm ấp và mỉm cười với cơn giận không có nghĩa là phải giấu kín cơn giận. Phải cho người kia biết rằng ta đang giận, đang khổ. Đây là một điều rất quan trọng. Khi giận ai thì đừng giả bộ là không giận, đừng giả bộ là không khổ. Nếu người kia là một người rất thân thiết thì ta phải nói rõ cho người ấy biết là ta đang giận. Nhưng phải nói một cách bình tĩnh.

Trong tình yêu chân thật không có tự ái. Bạn không thể giả bộ là bạn không khổ, không giận. Giả bộ, che dấu như thế là vì tự ái. “Tôi mà giận à? Tại sao tôi phải giận? Tôi có việc gì đâu?” Sự thật là bạn đang ở trong địa ngục. Cơn giận đang thiêu đốt bạn, và bạn phải cho người bạn đường, cho con trai, cho con gái của bạn biết điều đó. Xu hướng của chúng ta là tuyên bố rằng “Ta đâu cần có ai ta mới hạnh phúc, một mình ta cũng chẳng sao.” Làm như thế là phản bội lại lời nguyện ước buổi ban đầu.

Buổi ban đầu thì thề thốt gắn bó, “Không có anh chắc em sống không nổi. Anh là nguồn hạnh phúc của em.” Nhưng sau đó, khi giận thì nói điều trái ngược, “Tôi không cần anh đâu! Đừng có tới gần đây làm chi! Đừng có đụng tới tôi.” Rồi bỏ đi vào phòng riêng và đóng cửa lại để chứng tỏ rằng ta không cần tới người kia. Tâm lý thường tình là như vậy. Nhưng đó không phải là một vấn đề cá nhân. Nếu một trong hai người không hạnh phúc thì người kia chắc chắn sẽ không thể hạnh phúc.

  1. “Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ.”

Nói lên câu “Anh yêu em” là tốt, là quan trọng. Bày tỏ cảm tình thương yêu, hạnh phúc của mình với người mình thương là một điều tự nhiên thôi. Nhưng bạn cũng phải cho người bạn thương biết bạn đang khổ vì người đó, đang giận người đó. Phải nói lên cảm xúc của bạn. Bạn có quyền làm như vậy. Đây là tình yêu chân thật. “Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ.” Hãy nói câu đó với tất cả chân tình hoà nhã. Có thể là giọng nói của bạn ẩn chứa một chút buồn, nhưng không sao. Nhưng đừng nói để trách móc hay để trừng phạt. “Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ. Xin biết cho tôi điều đó.” Đây là tiếng nói của tình yêu bởi vì bạn đã từng long trọng hứa rằng sẽ nâng nỡ nhau trong cuộc sống chung. Giữa cha mẹ và con cái cũng vậy, giữa anh em, bạn bè cũng vậy, phải nói lên cảm xúc buồn giận, khổ đau của mình.

Mỗi khi khổ, bạn có bổn phận nói cho người bạn thương biết. Khi hạnh phúc chia sẻ đã đành, nhưng khi khổ đau cũng phải chia sẻ. Ngay cả khi bạn cho rằng người kia đã gây nên nỗi khổ của bạn, bạn cũng phải nói cho người kia biết. Điều kiện duy nhất là phải nói trong bình tĩnh, phải dùng lời ái ngữ.

Phải làm việc này càng sớm càng tốt. Không nên ôm giữ cái giận trong tâm quá hai mươi bốn giờ. Nếu không thì sẽ khó mà chịu đựng, và sẽ bị cơn giận đầu độc. Để cho quá trễ là chứng tỏ rằng tình yêu và lòng tin của bạn dành cho người kia còn yếu ớt. Vậy thì bạn phải nói lên cho người kia biết là bạn đang khổ, đang giận. Càng sớm càng tốt. Hai mươi bốn giờ là thời hạn chót.

Có thể bạn cảm thấy chưa sẵn sàng vì chưa được bình tĩnh lắm. Bạn còn đang giận. Vậy thì hãy thực tập hơi thở chánh niệm hay đi thiền hành ngoài trời. Cho đến khi cảm thấy được bình tĩnh rồi sẽ nói. Nhưng nếu sau hai mươi bốn giờ mà vẫn chưa sẵn sàng thì bạn có thể viết xuống một bức thư ngắn hoặc thu một đoạn ghi âm, một thông điệp hoà bình. Hãy trao bức thư hoặc đoạn ghi âm này trước thời hạn hai mươi bốn giờ. Đây là một điều quan trọng. Bạn và người kia đã cam kết sẽ hành xử như vậy khi giận nhau. Nếu không thì bạn đã không giữ đúng những cam kết của thoả hiệp sống chung an lạc.

 

  1. “Tôi sẽ cố gắng hết lòng”

Nếu muốn quyết tâm cải thiện tình hình thì bạn có thể tiến thêm một bước nữa. Bạn viết thêm câu “Anh sẽ cố gắng hết lòng”. Nghĩa là bạn sẽ tự kiềm chế không hành động hấp tấp, sẽ thực tập hơi thở chánh niệm, thực tập thiền hành để ôm ấp cơn giận trong chánh niệm. Nghĩa là bạn thực tập theo đúng pháp môn đã dạy. Đừng nói câu: “Anh sẽ cố gắng hết lòng”, trừ khi bạn đang thực tập như vậy. Khi giận mà bạn biết sẽ phải thực tập như thế nào để bạn có quyền nói câu “Anh sẽ cố gắng hết lòng.” Câu nói đó sẽ làm người kia tâm phục và tin tưởng.

“Tôi sẽ cố gắng hết lòng” có nghĩa là “Tôi sẽ giữ đúng cam kết mà trở về với tự thân và chăm sóc cơn giận.”

Khi giận, cơn giận là đứa con của ta và ta phải săn sóc nó. Cũng như khi đau bao tử ta phải trở về với tự thân mà chăm sóc bao tử. Khi đó bao tử là đứa con của ta. Bao tử thuộc phần thân, cơn giận thuộc phần tâm. Ta phải chăm sóc cơn giận cũng như chăm sóc bao tử. Ta không thể nói rằng, “Này sân hận, mày hãy đi đi, mày không phải là của ta!” Vậy thì khi nói “Tôi sẽ cố gắng hết lòng” là vì ta đang ôm ấp và chăm sóc cơn giận của ta. Ta đang thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm để giải toả năng lượng sân hận và biến nó thành một năng lượng tích cực.

Trong khi ôm ấp cơn giận ta thực tập quán chiếu sâu sắc để thấy rõ bản chất của cơn giận, bởi vì ta biết rằng có thể ta là nạn nhân của một tri giác sai lầm. Có thể là ta đã hiểu lầm những gì ta nghe hay thấy. Có thể là ta đã có một nhận thức sai lầm về điều người kia đã nói hay đã làm. Cơn giận xuất phát từ nhận thức sai lầm và vô minh. Khi nói câu “Tôi sẽ cố gắng hết lòng”, ta ý thức rằng trong quá khứ ta đã từng giận vì có những tri giác sai lầm như vậy. Cho nên bây giờ ta phải rất cẩn thận và nhớ đừng tin chắc rằng ta là nạn nhân của lời nói hay hành động của người kia. Có thể chính ta đã tự tạo địa ngục ấy.

  1. “Xin giúp tôi”

Câu thứ ba tiếp theo hai câu trước một cách tự nhiên. “Xin giúp anh, người thương ơi, anh đang cần em giúp.” Đó là ngôn ngữ của tình yêu chân thật. Khi giận bạn thường hay nói ngược lại: “Đừng đụng tới tôi. Tôi không cần ai cả. Để tôi yên một mình. Có sao đâu!” Nhưng mà đã có lời cam kết săn sóc nhau rồi! Vậy thì khi đau khổ, tuy đã biết cách tu tập, ta cũng cần đến sự giúp đỡ của người kia trong sự tu tập. “Người thương ơi, anh đang cần em giúp, em giúp anh đi!”

Xem thêm >>> CÙNG NHAU CHUYỂN HOÁ SÂN HẬN

Nói lên được ba câu trên tức là có khả năng yêu thương chân thật. Ba câu đó là tiếng nói đích thực của tình yêu chân thật.

“Người thương ơi. Anh đang giận. Anh đang khổ. Xin biết cho anh điều đó. Anh đang cố gắng. Anh không trách móc ai, kể cả em. Vì chúng ta gần gũi nhau biết chừng nào, vì chúng ta đã có lời cam kết là sẽ chăm sóc cho nhau, cho nên anh cần em giúp để thoát ra khỏi tình trạng khổ đau, hờn giận này.”

Cách bạn hành xử khi giận như thế sẽ đem lại sự vững tâm, lòng tin tưởng và tâm khâm phục trong người kia và cả trong chính bạn. Đây là một điều không mấy gì khó khăn.

(Trích từ sách Giận, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.