GIẢI TRỪ VÔ MINH

Mặt biển tuy lúc nào cũng có hàng triệu đợt sóng lô nhô xuất hiện nhưng đại dương chưa bao giờ vì vậy mà có sinh diệt hay thành hoại. Sóng dường như có còn mất sinh diệt mà nước không hề có còn mất sinh diệt, và nếu sóng tự biết mình là nước thì sóng có thể vượt ra ngoài sự sinh diệt còn mất, đạt tới tâm trạng an ổn và đập tan mọi niềm sợ hãi.

Chúng sanh đang chịu đựng vô lượng khổ đau chỉ vì mỗi người mỗi loài không biết rằng mình đang cùng chung một thể tính với mọi người và mọi loài khác, và tự sự u mê đó đã làm phát sinh bao nhiêu phiền não làm rối loạn tâm hồn.

Tham đắm, giận hờn, kiêu căng, nghi ngờ, tật đố và sợ hãi… những tâm niệm ấy đều phát sinh từ nguồn gốc vô minh. Nếu mỗi người biết tìm cách tĩnh tâm để nhìn lại, để quán chiếu sâu sắc vào lòng sự vật thì ai cũng có thể đạt tới sự hiểu biết, và sự hiểu biết này sẽ làm tiêu tán được mọi phiền não và làm phát sinh được sự chấp nhận và niềm tin yêu.

Hiểu biết và thương yêu là một và nếu không thể hiểu biết thì không thể thương yêu. Tính tình của một con người, dù ác độc đi mấy, cũng là do những điều kiện sinh lý, tâm lý và xã hội tạo thành. Nếu hiểu được điều đó thì ta sẽ không oán ghét con người mà chỉ lo chuyển hoá những điều kiện sinh lý, tâm lý và xã hội. Với một nhận thức như thế ta không còn oán hận mà chỉ có xót thương. Có xót thương ta mới ra tay hành động để chuyển hoá con người và chuyển hoá hoàn cảnh. Có hiểu mới có thương và tình thương đưa tới sự chấp nhận. Hiểu biết là chìa khoá của cánh cửa giải thoát. Mà muốn đạt tới hiểu biết, con người phải sống thức tỉnh trong từng giây từng phút, thức tỉnh để tiếp xúc, để nhận diện và để nhìn thấy những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Cái nhìn ấy càng ngày sẽ càng sâu sắc. Và khi nhìn sâu được vào lòng một hiện tượng thì hiện tượng đó sẽ phơi bày chân tướng trước mặt ta. Đó là bí quyết của chánh niệm. Có chánh niệm thì đời sống được soi sáng bởi cái nhìn chân thực (chánh kiến), suy tư chân thực (chánh tư duy), lời nói chân thực (chánh ngữ), hành động chân chính (chánh nghiệp), phương tiện sinh sống chân chính (chánh mạng), sự cố gắng đi về đường chính (chánh tinh tiến) và sự sử dụng đúng pháp những trạng thái thiền định về mục đích giải thoát (chánh định). Chánh niệm là con đường duy nhất để thực hiện giải thoát và giác ngộ.

Từ những vọng động của tâm thức của sự u mê mà phát sinh ra sự phân biệt tâm và vật, chủ thể và đối tượng, ta và người, có và không, còn và mất. Từ sự phân biệt ấy mà phát sinh sự tù túng . Nhà tù đã được xây dựng kiên cố. Vô minh là người chủ ngục. Trong khổ đau (sinh lão bệnh tử), vô minh lại càng sâu nặng, và bốn bức tường của cái nhà tù càng ngày càng thêm vững chắc. Càng vùng vẫy, con người càng thấy những bức tường của nhà tù vững chắc. Chỉ có một cách mà thôi: đó là nắm lấy người chủ ngục và khám phá chân tướng của nó. Người chủ ngục ấy là vô minh. Phương pháp giải trừ vô minh là con đường bát chánh đạo.

Trong thực tại, không có gì sinh ra, không có gì mất đi, không có gì từ không mà trở nên có, không có gì từ có mà trở nên không. Nếu con người nhận thức được tự tính vô thường vô ngã của thực tại thì con người giải thoát được đau khổ. Vô thường và vô ngã là điều kiện tất yếu của cuộc sống, nếu không có vô thường và vô ngã thì không có biến chuyển sinh diệt, vì vậy không có gì có thể sinh trưởng và phát triển. Hạt lúa nếu không có vô thường và vô ngã thì không thể mọc thành cây lúa. Đám mây nếu không vô thường và vô ngã thì không thể nào biến thành cơn mưa. Em bé nếu không có vô thường và vô ngã thì không thể nào lớn lên. Vì vậy chấp nhận sự sống tức là chấp nhận vô thường và vô ngã. Khổ đau bắt đầu từ sự nhận thức vô thường là thường, và vô ngã là ngã. Chứng nhận được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn hữu tức là thoát ra được vòng khổ đau.

Xem thêm >>> CÁI ĐẸP NÀO KHÔNG TÀN HOẠI?

Một khi đã chứng nhập được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn hữu thì tự tánh không của vạn hữu cũng bắt đầu hiển lộ. Không tức là không sinh cũng không diệt, không cũng có nghĩa là không không, không một cũng là không nhiều, không trong cũng không ngoài, không lớn cũng không nhỏ, không nhơ cũng không sạch… Tất cả những ý niệm về không và có, sinh và diệt, một và nhiều, trong và ngoài, lớn và nhỏ, nhơ và sạch… đều do những khuôn khổ hẹp hòi của tri giác tạo nên.

(Trích từ sách Đường Xưa Mây Trắng, tác giả Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *