ĐỂ HIỂU CON, CẦN THẤU HIỂU NỘI TÂM MÌNH (CÁI TÔI VÀ CHÂN NGÃ)
Muốn tạo ra sự gắn kết sâu sắc với con, ta cần dẹp bỏ tâm lý bề trên. Khi không bị hình tượng của “cái tôi giả” che khuất, ta mới có thể đối xử với con với tư cách là một con người thực thụ.
“Cái tôi” thực ra không phải là bản chất của con người. Đó chỉ là hình tượng ta hình dung trong đầu về bản thân – một hình ảnh ta ôm ấp mà nhiều khi khác xa với “bản thể” của ta. Mỗi người đều lớn lên với một hình tượng như thế. Nó thành hình ngay từ khi ta còn trẻ, chủ yếu thông qua tương tác với những người xung quanh.
“Cái tôi” sẽ được dùng với nghĩa là ấn tượng không có thật về bản thân mình. Hầu hết ấn tượng đó được tạo ra từ ý kiến của người khác. Ta vô thức tin rằng ta là con người như thế. Hình ảnh này che phủ bản chất thực sự của ta. Khi “cái tôi” bắt đầu định hình từ thời thơ ấu, ta thường cố bám chặt lấy nó suốt cả cuộc đời.
Trái ngược với hình ảnh nhỏ hẹp về bản thân như thế, chân ngã – sự hiện hữu đích thực của ta lại không có giới hạn. Chân ngã tồn tại trong tự do tuyệt đối, không mang theo kỳ vọng nào đối với người khác, không sợ hãi và không bị ám ảnh của cảm giác tội lỗi. Tuy nghe có vẻ kỳ lạ, thế nhưng trên thực tế khi sống trong trạng thái này, sự tiếp xúc với những người xung quanh trở nên thực sự có ý nghĩa bởi vì đó là trạng thái “nguyên bản”. Một khi từ bỏ kỳ vọng về hành xử và chạm được tới bản thể của người khác, thái độ bao dung chân thật sẽ tạo ra sợi dây kết nối tự nhiên. Bởi vì sự “nguyên bản” có khả năng giao cảm với sự “nguyên bản”.
Ngoài một số trang thái cảm xúc khá rõ ràng như kiêu căng hay huênh hoang, cái tôi thường ngụy trang rất khéo léo, làm ta tin chắc rằng đó là con người thật của ta.
Một ví dụ điển hình mà nhiều người trong số chúng ta không ý thực được là rất nhiều cảm xúc của ta chính là cái tôi đeo mặt nạ. Chẳng hạn, khi nói, “Tôi tức giận”, ta tưởng rằng con người thực của ta tức giận. Sự thực chưa hẳn đã như thế. Nếu suy ngẫm ở một mức độ sâu hơn, thực ra ta đang kháng cự một tình huống vừa nảy sinh, mong muốn mình có được vị thế mà ta cho rằng phải như thế mới đúng. Nếu ta trút con thịnh nộ lên người khác, một cơn phun trào thực sự của ngọn núi lửa “cái tôi” sẽ xuất hiện.
Chỉ với hiểu biết cá nhân, ta cũng thấy sự dính mắc vào “cơn giận” hay những cảm xúc tiêu cực như ghen ghét, thất vọng, tội lỗi hay buồn bã cuối cùng đều tạo ra chia cách giữa ta với những người xung quanh. Khi không hiểu “cơn giận” chỉ đơn thuần là phản ứng của cái tôi, ta tin rằng đó là chính mình. Sự dính mắc vào cái tôi đeo mặt nạ chân ngã làm ta đánh mất khả năng an trú trong hạnh phúc và sự hòa hợp với thế giới.
Ở những thời điểm khác, cái tôi còn xuất hiện trong lĩnh vực nghề nghiệp, sở thích hay thậm chí danh tính của ta. Ta tự nhủ, “Tôi là vận động viên quần vợt”, “Tôi là người theo đạo”, hay “Tôi là người Mỹ”. Chẳng có cái nào là bản chất thực của ta. Nói đúng hơn, ta tự gán cho mình những vai diễn đó, thường là trong vô thức, để rồi lập tức tự tạo ra cảm nhận về “tôi”. Nếu một trong những vai diễn đó bị bất kỳ ai đặt dấu hỏi, ta cảm tưởng rằng chính mình bị công kích và đe dọa. Mỗi lần như thế, thay vì rũ bỏ sự dính mắc và cảm nhận về cái tôi, ta lại níu chặt hơn lấy nó. Đây chính là gốc rễ của bao nhiêu mâu thuẫn, chia ly và tranh đấu.
Tôi không ám chỉ rằng cái tôi là “xấu xí” và không nên tồn tại. Ngược lại, cái tôi tự bản thân nó không tốt hay xấu: nó là chính nó. Đó chỉ là một giai đoạn phát triển có mục đích riêng, như cái vỏ mà chú gà con cần phải có trước khi nở. Vỏ trứng có vai trò nhất định trong hành trình chuyển hóa của chú gà con. Tuy nhiên, nếu đã qua thời kỳ bảo bọc mà vẫn chưa nứt, cái vỏ sẽ cản trở sự phát triển của chú gà. Cũng tương tự như thế, từ trong màn sương của tuổi thơ, những nhu cầu của cái tôi phải dần nhường chỗ cho bản chất chân thực của ta lớn dần lên.
Cho dù có thể chưa hoàn toàn rũ bỏ được, nhưng ta cần hiểu biết càng ngày càng sâu sắc hơn về ảnh hưởng của cái tôi để dạy con trong tỉnh thức. Sự hiểu biết đưa tới sự chuyển hóa và thiết lập nền tảng cho sự nghiệp làm cha mẹ. Càng hiểu rõ, ta càng dễ bắt gặp những tình huống mà trước đây ta vốn dĩ hành động trong giới hạn chật hẹp của hoàn cảnh sống mà ta lớn lên, để rồi di truyền cách cư xử đó cho con cái mình.
Để khẳng định sự thực rằng cái tôi không phải là con người thật của ta và cơ chế đánh lừa của nó, ta quan sát những khoảnh khắc khi bắt gặp mình suy nghĩ, cảm nhận, hay cư xử theo những cách không hoàn toàn đúng với con người mình. Khi bắt đầu để ý những khoảnh khắc này, ta tự nhiên thấy mình xa dần với cái tôi ấy.
– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –