“TỈNH THỨC” LÀ MỘT HÀNH TRÌNH DIỄN TRÌNH LIÊN TỤC

“TỈNH THỨC” LÀ MỘT HÀNH TRÌNH DIỄN TRÌNH LIÊN TỤC. TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU CÓ QUYỀN ĐƯỢC TỈNH THỨC.

Sự tỉnh thức không phải là điều kỳ diệu chỉ xảy ra với những người may mắn. Đó là một quá trình liên tục chứ chẳng phải từ trên trời rơi xuống. “Tỉnh thức” là một hành trình diễn trình liên tục. Tất cả chúng ta đều có quyền được tỉnh thức. Mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái kỳ diệu ở chỗ liên tục mang đến cho ta cơ hội để rèn luyện lối sống ấy.

Dù ta ôm lấy niềm tin rằng mình có trách nhiệm dưỡng dục con cái, trên thực tế, con cái có sức mạnh biến đổi ta thành người cha mẹ mà chúng cần. Hành trình đến với bản ngã toàn vẹn bắt đầu từ con, ta chỉ việc chọn cho mình một chỗ ngồi yên ổn. Con là người thầy lớn của ta bởi chúng là hoa tiêu chỉ dẫn cho ta về với bản tâm mình. Nếu không nắm tay bước cùng con đi tới ngưỡng cửa tỉnh thức, ta sẽ đánh mất cơ hội tìm ra chân lý.

Không nên nhầm lẫn điều chỉnh mình có nghĩa là tránh hoàn toàn ảnh hưởng lên con và trở thành bản sao của chúng. Ngoài việc lắng nghe, tôn trọng và gần gũi với con, dạy con tỉnh thức cũng đi kèm với luật lệ và giới hạn. Là cha mẹ, ta không chỉ cung cấp cho con những điều kiện cơ bản như nơi ăn, chốn ở và giáo dục, mà còn dạy chúng những giá trị của các thể chế, cách điều tiết cảm xúc và cả những kỹ năng xã hội. Nói cách khác, dạy con trong tỉnh thức bao hàm tất cả các yếu tố để giúp trẻ trở thành thành viên tròn trịa và cân bằng trong xã hội.

Nuôi dạy con là bước ngoặt quan trọng của sự tỉnh thức của con người. Trở thành những người bạn tâm hồn của nhau là cách duy nhất để mối quan hệ cha mẹ với con cái trở nên có ý nghĩa.

Cái hay của dạy con trong tỉnh thức nằm ở chỗ, thay vì cố áp dụng và hy vọng một chiến lược cụ thể sẽ phù hợp với một tình huống cụ thể nào đó, sự tỉnh thức liên tục mách cho chúng ta biết cách cư xử tốt nhất trong từng tình huống. Kể cả khi cần tới kỷ luật, sự tỉnh thức cũng cho ta biết cách áp dụng để làm sao bồi đắp thay vì hủy hoại tâm hồn con.

Lấy hết can đảm từ bỏ sự kiểm soát không thể tránh khỏi của cách tiếp cận thứ bậc và có được tiềm năng phát triển tâm hồn thông qua cơ chế bình đẳng giữa cha mẹ – con cái, ta sẽ thấy những mâu thuẫn và đấu tranh quyền lực ngày càng bớt đi. Mối quan hệ với con trở thành một trải nghiệm quý giá, tràn đầy sự hòa hợp của những tâm hồn biết trân trọng, biết tìm kiếm bạn đồng hành.

Muốn chuyển sang áp dụng một phương pháp hiệu quả hơn, ta buộc phải thẳng thắn đối diện và giải quyết những vấn đề vốn có căn nguyên từ trong hoàn cảnh bản thân ta được dưỡng dục. Nếu không biết chấp nhận thay đổi, cách dạy con của ta sẽ luôn thiếu sự tôn trọng, thiếu chú ý đến tiếng nói của tâm hồn con, đồng thời làm ngơ trước sự khôn ngoan của chúng. Bố mẹ càng hiểu rõ chính mình bao nhiêu, càng dễ giúp đỡ con hiểu rõ tâm hồn của chúng bấy nhiêu.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có mục đích quan trọng nhất là sự trưởng thành của phụ huynh, rồi mới đến việc dưỡng dục con nên người. Nhiều bậc phụ huynh sợ hãi vì không biết những hệ lụy mình sẽ phải đối mặt là gì khi chuyển từ cách sống vô thức sang tỉnh thức. Hành trình này không hợp với những người yếu đuối, mà chỉ dành cho những trái tim dũng cảm muốn trải nghiệm tình thương thực sự dành cho con. Con đến với ta để giúp ta nhận ra vết thương tâm lý trong lòng và truyền dũng khí để ta vượt qua được những hạn chế mà những vết thương đó để lại trong cuộc sống. Khi phát hiện ra những cơ chế mà quá khứ điều khiển mình, ta cần học được cách dạy con bằng sự tỉnh thức. Trước khi đạt tới trình độ đó, ta cố gắng chú ý đến mỗi lần tiếp xúc với con, bởi sự vô thức thấm vào trong mối quan hệ với con cái theo những cách âm thầm nhất.

Đừng hy vọng sự vô thức ngay lập tức biến mất. Thay vì thế, hiểu cơ chế hình thành và hậu quả của vô thức có thể tạo ra động lực giúp ta bắt đầu biết tự quan sát bản thân để nuôi dạy con có hiệu quả.

Con cái chính là những người bạn đồng hành tin cậy, bởi chúng là tấm gương liên tục phản chiếu sự vô thức của ta, liên tục mang tới cho ra cơ hội sống tỉnh thức. Con cái xứng đáng có được bậc phụ huynh mà chúng cần, chẳng lẽ ta không thể để con giúp ta thay đổi mình, ít nhất cũng tương đương với mức độ ta muốn thay đổi con?

Mặc dù sự thay đổi của mỗi cá nhân có những chi tiết không giống nhau, nhưng về bản chất không có gì khác biệt. Vì vậy, dạy con trong tỉnh thức bắt buộc cha mẹ phải lật lại những vấn đề mấu chốt của đời sống, chẳng hạn:

  • Thông qua quan hệ với con, ta có cho phép mình được tiếp cận con đường dẫn đến sự thấu hiểu tâm hồn mình?
  • Làm sao dạy con theo đúng cách mà con thực sự cần và trở thành bậc cha mẹ mà con xứng đáng có?
  • Làm sao ta vượt qua được nỗi sợ hãi thay đổi và trưởng thành để đáp ứng yêu cầu của tâm hồn con?
  • Ta có dũng cảm đi ngược dòng nước và dạy con với quan điểm rằng đời sống nội tâm có giá trị hơn thế giới vật chất bên ngoài?
  • Ta có nhận thấy mỗi khía cạnh của việc nuôi dạy con là một nấc thang của sự trưởng thành?
  • Ta có nhìn nhận mối quan hệ với con là mối quan hệ thiêng liêng?

– Trích từ sách Làm cha mẹ tỉnh thức, tác giả Shefali Tsabary –